Multimedia Đọc Báo in

Vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội

10:29, 15/09/2014

1. Khi cách mạng chưa giành được chính quyền về tay nhân dân, theo yêu cầu của cách mạng, Mặt trận có lúc đã thực hiện chức năng của chính quyền trong vùng giải phóng. Ngay sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân, Mặt trận đã trở thành một bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị nước ta. Mặt trận và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị nước ta tuy có vai trò, vị trí, chức năng và phương thức hoạt động khác nhau nhưng đều là công cụ thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân nhằm một mục đích chung là phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế.

 Hiến pháp năm 1992 đã xác định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân…”. Điều đó càng khẳng định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận không thể thiếu được của hệ thống chính trị nước ta.

Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, ngày 12-6-1999 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó đã khẳng định:

"Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của dân, nơi hiệp thương phối hợp và thống nhất hành động của các thành viên, góp phần giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh". (Khoản 2, Điều 1).

 Như vậy, vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do chính nhân dân, chính lịch sử xác định và thừa nhận.

 2. Thực tiễn của cách mạng Việt Nam càng khẳng định vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị nước ta từ trước đến nay:

Thắng lợi huy hoàng của Cách mạng Tháng 8-1945 gắn liền với sự nghiệp của Mặt trận Việt Minh. Thành tích của Mặt trận Việt Minh chính là sự kế tục sự nghiệp cách mạng đã được chuẩn bị từ trước của Hội phản đế đồng minh (1930-1936) và của Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939).

Tiếp theo Mặt trận Việt Minh là Mặt trận Liên Việt đã góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi.

Kế tục Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời (1955) đã đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

 Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cùng với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh Các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam đoàn kết nhân dân cả nước làm tròn sứ mệnh lịch sử vẻ vang: giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc XHCN, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

Từ khi đất nước thống nhất, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong việc củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ cách mạng mới.

 Con đường lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là quá trình lâu dài, trải qua nhiều chặng đường với nhiều thành phần kinh tế, đại diện cho mỗi thành phần kinh tế là một bộ phận trong nhân dân, một lực lượng xã hội. Cùng với sự cạnh tranh kinh tế để phát triển là sự phân hóa giàu nghèo. Nhiều tổ chức xã hội, nghề nghiệp ra đời. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ, sự giao lưu văn hóa sẽ tác động đến lối sống và cách nghĩ của mỗi người và của mọi tầng lớp trong xã hội. Mặt khác, các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Trong giai đoạn mới của cách mạng, với nền dân chủ ngày càng phát triển thì vai trò của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân ngày càng quan trọng, nhiệm vụ càng nặng nề hơn.

Nâng cao vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội là một yêu cầu khách quan, có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm cho sự phát triển vững chắc của đất nước ta hiện nay.

 


Ý kiến bạn đọc