Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII: Dự thảo Luật Giáo dục đại học còn nhiều quy định chung chung

08:26, 07/11/2011

*Tăng chế tài xử phạt quảng cáo sai sự thật

Thảo luận dự thảo Luật Giáo dục đại học, các đại biểu Quốc hội (QH) tập trung vào các nội dung quản lý nhà nước trong giáo dục đại học; mô hình tổ chức và việc phân tầng cơ sở giáo dục đại học; quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học; xã hội hóa giáo dục đại học; kiểm định chất lượng đào tạo; giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đại học và người học… Nhiều đại biểu cho rằng dự thảo Luật còn chung chung, chưa thể hiện rõ những vấn đề cốt lõi của bậc giáo dục đại học; chưa thể chế hóa một số chủ trương, chính sách lớn, chưa giải quyết thấu đáo, triệt để một số vấn đề quan trọng như phân tầng các cơ sở giáo dục đại học, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học... Có đại biểu nhấn mạnh: muốn đào tạo tốt thì đội ngũ giáo viên rất quan trọng, song trong Luật chưa thể hiện được cách tuyển chọn đội ngũ giảng viên đại học. Cần quy định chặt chẽ điều kiện thành lập trường như đội ngũ giáo viên, phòng thí nghiệm... Chất lượng đào tạo cũng cần đặc biệt quan tâm, cần tổ chức đào tạo chuyên sâu theo chuyên ngành. Một số đại biểu QH cho rằng dự thảo Luật có quá nhiều điều quy định chung chung, không toát lên được những điều căn bản, cần thiết đối với bậc giáo dục đại học. Giáo dục đại học phải tập trung vào chương trình, giảng viên, cơ sở vật chất và đội ngũ quản lý, và đề nghị  Luật phải quy định cụ thể về những nội dung này.

Bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng là khâu cần thiết, quan trọng nhưng trong Luật Giáo dục đại học quy định còn quá chung chung, chỉ dừng lại ở mức độ đề ra các nguyên tắc cơ bản và khái quát, chưa đề cập rõ trách nhiệm, quyền hạn của các trường đại học trong công tác kiểm định chất lượng đào tạo. Một số đại biểu đề nghị Luật cần quy định việc sử dụng kết quả kiểm định là căn cứ để phân tầng cơ sở giáo dục đại học, trên cơ sở đó có chính sách đầu tư, giao nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học-công nghệ và trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục đại học…

Khi thảo luận về Luật Quảng cáo, các đại biểu nhất trí cho rằng việc  ban hành Luật Quảng cáo là rất cần thiết trong bối cảnh hoạt động quảng cáo ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, nhiều loại hình quảng cáo mới xuất hiện, đặc biệt là quảng cáo trên Internet và các phương tiện điện tử. Đa số đại biểu đề nghị giao cho Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo bởi mục đích chính của công tác quảng lý hoạt động quảng cáo là quản lý nội dung sản phẩm quảng cáo. Nhiều đại biểu cho rằng cần giao Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo. Bộ cần phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan để công tác quản lý nhà nước về quảng cáo được thực hiện tốt hơn. Tuy nhiên, có đại biểu lại đề nghị công tác quản lý nhà nước về quảng cáo nên giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông, nội dung quảng cáo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm, bởi hiện nay, có tới 80% thị phần quảng cáo được thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong khi đó, ngành văn hóa, thể thao và du lịch chỉ trực tiếp quản lý quảng cáo ngoài trời.

Theo ý kiến của một số đại biểu, hiện nay hoạt động quảng cáo còn gây nhiều bức xúc trong nhân dân, nhất là việc quảng cáo sai sự thật vẫn đang tồn tại, gây hệ lụy rất lớn cho xã hội. Tin nhắn quảng cáo gửi vào điện thoại, phát tờ rơi ở ngã tư đèn đỏ, rao vặt bằng loa đài, âm thanh lớn gây ồn ào nơi công cộng hoặc quảng cáo có yếu tố nước ngoài, không hề có tiếng Việt… là những vấn đề cần quy định cụ thể trong Luật với mức xử phạt thật nghiêm.

Q.A (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc