Multimedia Đọc Báo in

Vẻ đẹp chói lọi của Cách mạng Tháng Mười Nga

06:27, 05/11/2010

Lịch sử xã hội loài người, tính từ khi nhà nước đầu tiên của người Ai Cập xuất hiện bên bờ sông Nin, đến nay đã trải qua năm nghìn năm. Với tiến trình năm nghìn năm ấy, nhân loại đã sáng tạo nên các nền văn minh kỳ diệu, rất đáng tự hào, đồng thời cũng chính ngay trong tiến trình vận động lịch sử ấy, loài người phải gánh chịu bao thảm họa, mà chế độ tư hữu là thủ phạm. Đó là tình trạng người áp bức, bóc lột người; là các cuộc chiến tranh làm đảo điên cuộc sống nhân loại. Chủ nghĩa tư bản ngày nay đã phát triển tột đỉnh, phần thành tựu to lớn của nó được coi là đóng góp rất quan trọng đối với nền văn minh nhân loại. Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản cũng là một gương mặt của chế độ tư hữu, nên nó mang sẵn trong máu mầm bệnh vô phương cứu chữa của các thảm họa.

Không phải đến ngày nay người ta mới nói tới căn bệnh nan y của chế độ tư hữu. Các nhân vật tiên tiến suốt trường kỳ lịch sử đã lên án nó từ rất lâu. Sách sử còn chép, vào thời La Mã cổ đại, có vị đại thần tên Thomas Morơ (1478-1535), là chánh án của triều đình, quyền lực chỉ sau vua, do quá trình xử án, ông hiểu sâu sắc rằng bao nỗi thống khổ của nhân dân đều bắt nguồn từ chế độ tư hữu. Ông căm thù chế độ tư hữu và kêu gọi hãy xóa bỏ nó để lập nên một xã hội cộng sản. Thomas Morơ bị triều đình xử hỏa thiêu nhưng ông vẫn không thay đổi chính kiến của mình. Rồi đến cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, Xanh Ximon và Phuriê ở Pháp, Ôen ở Anh tiếp tục lên án chế độ tư hữu và đề xướng một xã hội công hữu công bằng. Đặc biệt, Ôen (1771-1858) lớn tiếng kêu gọi tiêu diệt chế độ tư hữu, xây dựng xã hội cộng sản. Vào năm 1824, Ôen bán hết gia sản, cùng bốn con trai và nhiều bạn bè đi sang Mỹ, mua đất xây dựng làng cộng sản. Do điều kiện lịch sử chưa chín muồi, do còn hạn chế trong nhận thức, nên sự nghiệp của con người tiên phong ấy không thành. Họ đại diện những người xã hội chủ nghĩa không tưởng và tư tưởng của họ là tư tưởng xã hội chủ nghĩa thời kỳ đầu chủ nghĩa tư bản, khi giai cấp công nhân chưa trở thành một lực lượng chính trị độc lập. Đến giữa thế kỷ 19, giai cấp công nhân bước lên vũ đài chính trị, một dòng tư tưởng xã hội chủ nghĩa mới – tư tưởng xã hội chủ nghĩa khoa học do Mác – Ăng-ghen sáng lập đã ra đời và đã được thể hiện một cách hùng hồn qua bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, tháng 2-1848. Chủ nghĩa cộng sản được xác lập từ đó.

Sang đầu thế kỷ 20, tình hình thế giới có nhiều biến động. Hậu quả căn bệnh trầm kha của chủ nghĩa tư bản đã đưa thế giới lâm vào cảnh khủng hoảng nghiêm trọng, đói rét khắp nơi và chiến tranh khốc liệt. Vào lúc này, giai cấp công nhân đã lớn mạnh. Lê-nin đã dày công nghiên cứu toàn diện và tiếp thu một cách sâu sắc chủ nghĩa Mác. Mặt khác, Người còn căn cứ trên thực tiễn cuộc sống sinh động để phát triển, làm phong phú thêm học thuyết của Mác. Khi thời cơ cách mạng đã thật sự xuất hiện tại nước Nga, Lê-nin và Đảng Bônsêvích Nga đã lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đứng lên lật đổ ách chuyên chế của Nga hoàng và giai cấp tư sản phản động, biến học thuyết chủ nghĩa cộng sản lần đầu tiên trở thành hiện thực.

Vào nửa đêm ngày 7-11-1917 (tức ngày 25-10, theo lịch cũ của Nga), quân khởi nghĩa đã chiếm được Cung điện Mùa Đông, dinh lũy cố thủ cuối cùng của chính phủ lâm thời tư sản. Hai giờ sáng ngày 8-11, tại Điện Smônưi, sau khi nhận được tin khởi nghĩa thành công Lê-nin đã thức luôn tới sáng để soạn thảo hai văn kiện có tầm quan trọng đặc biệt: Sắc lệnh hòa bìnhSắc lệnh ruộng đất. Đại hội Đại biểu Xô viết toàn Nga, vào hồi 9 giờ tối ngày 8-11 đã thông qua hai Sắc lệnh và bầu Chính phủ Xô viết. Lê-nin được bầu làm Chủ tịch. Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Tháng Mười đã thắng lợi. Chính phủ công nông đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã ra đời.

Lê-nin nói chuyện với nhân dân làng Ka-si-nô. (Ảnh: T.L)
Lê-nin nói chuyện với nhân dân làng Ka-si-nô. (Ảnh: T.L)

Cách mạng Tháng Mười mang tính triệt để, có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Ngay từ đầu, hai Sắc lệnh của chính quyền Xô viết đã là liều thuốc đặc trị nhiệm màu chữa khỏi căn bệnh trầm kha của chế độ tư hữu và kéo theo sự diệt vong của chủ  nghĩa tư bản, được thay thế bằng chế độ xã hội chủ nghĩa không còn bóc lột và chiến tranh, một chế độ mang trong bản chất của nó các tiền đề để con người được tự do, được phát triển hài hòa trong một cộng đồng thấm đượm tính nhân văn cao cả.

Dưới sự lãnh đạo của Lê-nin thiên tài và Đảng Bônsêvích, nhân dân Nga với tư cách là chủ nhân mới của đất nước, đã bằng sức lao động sáng tạo phi thường, từng bước nhanh chóng đưa nước Nga từ chỗ lạc hậu trở thành một cường quốc hùng mạnh vào giữa thế kỷ 20.

Từ Cách mạng Tháng Mười, thời đại mới của cuộc sống nhân loại đã mở ra, thời đại cách mạng XHCN và giải phóng dân tộc, thủ tiêu chế độ tư hữu, xây dựng xã hội mới không còn áp bức và chiến tranh. Những thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân Liên Xô (trước đây) là một minh chứng đầy tính thuyết phục về bản chất ưu việt của chế độ mới, nó có sức sống thanh xuân trường tồn và là tấm gương cổ vũ phong trào cách mạng các dân tộc.

Trong tiến trình lịch sử của nhân loại, sự kiện Cách mạng Tháng Mười lấp lánh một vẻ đẹp chói lọi, thật sự đó là vẻ đẹp của xã hội tương lai.

Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, từ thuở ra đời cho tới nay luôn thấm nhuần và kiên định con đường chủ nghĩa Mác – Lê-nin, luôn hướng theo lý tưởng Cách mạng Tháng Mười. Vào dịp kỷ niệm 93 năm Cách mạng Tháng Mười, cũng là dịp đồng bào cả nước đang náo nức thi đua chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, thì một lần nữa, chúng ta tự hào đọc “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” của Đảng. Cương lĩnh khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Điều này càng củng cố niềm tin của nhân dân ta đối với sự lãnh đạo của Đảng, và với tiền đồ đất nước.
Các thế lực phản động, thù địch đã vội mừng trước sự kiện Liên Xô sụp đổ, coi đó như là sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản. Hiện thực lịch sử khách quan trên hành tinh đã bác bỏ dã tâm đen tối đó. Năm 1999, Trường Đại học Cambridge (Anh) công bố tin bình chọn Nhà tư tưởng số 1 thiên niên kỷ, kết quả Các Mác đứng đầu. Sau đó, cùng một nội dung, hãng truyền thông BBC bỏ phiếu trên Internet toàn cầu. Kết quả Các Mác vẫn đứng thứ nhất. Ngày 14-7-2005, kênh 4 Đài phát thanh BBC với chủ đề Nhà triết học vĩ đại nhất cổ kim, đã điều tra hơn ba vạn thính giả. Kết quả, Các Mác, nhà sáng lập chủ nghĩa cộng sản, đứng vị trí số 1. Xu hướng đã và đang vận động của lịch sử chứng tỏ: Tư tưởng của thế kỷ 21 vẫn là tư tưởng của Các Mác.

Và như vậy, vẻ đẹp chói lọi của lý tưởng Cách mạng Tháng Mười vẫn là ngọn đuốc của hệ tư tưởng cao đẹp nhất của thời đại, soi đường cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới vững bước đấu tranh vì sự nghiệp cách mạng cao cả.

Nguyễn Trúc

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.