Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị thảo luận, góp ý cho Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Tố tụng hành chính

08:40, 15/09/2010

Ngày 14-9, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức Hội nghị thảo luận, tham gia góp ý cho 2 Dự án luật là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Tố tụng hành chính. Tham dự hội nghị có các đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND, Phó Trưởng ban chuyên trách các ban của HĐND cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành hữu quan, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, Hội Luật gia và Đoàn Luật sư Dak Lak.

Dự thảo Luật Tố tụng hành chính được đưa ra lấy ý kiến của các đại biểu gồm 17 chương, 251 điều quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính; trình tự, thủ tục khởi kiện và giải quyết các vụ án hành chính; thi hành án hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan. Còn Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gồm 6 chương, 57 điều được xây dựng với những quy định về bảo vệ người tiêu dùng, bao gồm: nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng; trách nhiệm của thương nhân đối với người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và thương nhân; các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu lên nhiều ý kiến đóng góp cho hai dự án Luật này. Cụ thể, đối với Dự thảo Luật Tố tụng hành chính, các đại biểu đều đồng tình với phần lớn các nội dung của dự thảo. Song, ở một số điều, khoản vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Đó là nội dung liên quan đến độ tuổi của người tham gia Luật Tố tụng hành chính, điều kiện khởi kiện vụ án hành chính cần mở rộng dân chủ hơn cho người dân; thời hiệu khởi kiện… Với các thủ tục cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp cho cá nhân được quy định tại điều 97 của Dự thảo Luật, có ý kiến cho rằng, cần phải giảm bớt các thủ tục rườm rà. Chung quanh việc thi hành án hành chính, có ý kiến lại đề nghị Luật Tố tụng hành chính cần nêu rõ việc thi hành án hành chính giao cho cơ quan thi hành án dân sự giải quyết, như vậy vừa bảo đảm hiệu quả của thi hành án hành chính vừa không phải phát sinh thêm bộ máy cồng kềnh… Đối với Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các ý kiến đều đồng tình với sự cần thiết của việc ban hành luật không chỉ giúp các cơ quan chức năng trong quản lý Nhà nước mà còn bảo vệ tốt quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, một số ý kiến của các đại biểu còn băn khoăn về khả năng bảo vệ người tiêu dùng khi ban hành luật này bởi những quy định được thể hiện trong Luật còn chung chung, trùng lặp với những văn bản quy phạm pháp luật khác đã có hiệu lực...

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc