Multimedia Đọc Báo in

Chủ động phòng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

08:23, 23/04/2023

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính do luồng khí bị tắc nghẽn ở phổi. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể gây ra những tổn thương lâu dài cho phổi hoặc gây khó thở, suy hô hấp và tử vong. Bệnh có thể phòng ngừa cũng như điều trị làm chậm quá trình tiến triển nếu được phát hiện bệnh sớm và điều trị tích cực.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Hà (Khoa Lão, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh COPD; trong đó, nguyên nhân đầu tiên và phổ biến nhất chính là hút thuốc lá hoặc thuốc lào. Ngoài ra, việc tiếp xúc với môi trường sống, môi trường làm việc bị ô nhiễm, nhiều khói bụi độc hại, có tiền sử mắc các bệnh đường hô hấp như: Hen suyễn, viêm phế quản cấp, bệnh lao… cũng là nguyên nhân gây ra bệnh COPD. Bên cạnh đó, những người bị suy giảm miễn dịch, mắc các bệnh lý nhiễm trùng, yếu tố di truyền, tuổi tác (người lớn tuổi) cũng dễ mắc bệnh COPD…

Các triệu chứng của bệnh COPD thường không rõ ràng và dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác cho đến khi xuất hiện tổn thương phổi và bệnh thường trở nên trầm trọng hơn theo thời gian, nhất là nếu tiếp tục và thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc. Triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh COPD là khó thở, ho, khò khè và có hiện tượng tăng tiết chất nhày và đờm. Khi bệnh nặng, người bệnh luôn luôn thấy khó thở và đôi khi phải dùng mặt nạ để thở oxy. Thở khò khè giống như hen suyễn vì phế nang bị phù nề và xuất tiết nhiều làm tắc nghẽn đường dẫn khí. Ho lúc đầu vào buổi sáng, sau đó dần dần ho nhiều suốt ngày đêm. Ho ra đờm, lúc đầu ít, lỏng, càng về sau càng đặc quánh. Đờm trong hoặc hơi đục, đôi khi đờm có màu hơi vàng khi có nhiễm khuẩn. Người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, lười vận động, chán ăn. Một người bệnh được chẩn đoán là mắc COPD khi có biểu hiện ho, khạc đờm trên 3 tháng trong một năm và biểu hiện liên tiếp như vậy trong vòng 2 năm trở lên, đồng thời khó thở ngày càng tăng.

Bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được điều trị tại Khoa Lão, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Đình Thi

COPD dễ bị nhầm với hen suyễn. Có thể phân biệt bằng cách: Bệnh hen suyễn sẽ lên cơn hen cấp tính mỗi khi gặp phải chất gây dị ứng (dị ứng nguyên) hoặc chất kích thích, trong khi đó COPD không nhất thiết như vậy. Bệnh hen suyễn dẫn đến suy hô hấp chậm hơn COPD. Với bệnh COPD mà khi đã có ho nhiều, khó thở nặng và tăng tiết chất nhày nhiều thì bệnh đã ở giai đoạn nặng.

Đa số những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường chủ quan, không đến cơ sở y tế khám sớm bởi khi xuất hiện các biểu hiện ở giai đoạn ban đầu, người bệnh thường chủ quan cho rằng những cơn ho, khạc đờm là bình thường nên không có các can thiệp kịp thời, dẫn đến tiếp tục tiến triển nặng lên đến khi xuất hiện triệu chứng khó thở liên tục. Các triệu chứng của COPD đôi khi được cải thiện khi người bệnh ngừng hút thuốc, dùng thuốc điều trị thường xuyên, đặc biệt tham gia phục hồi chức năng phổi. Tuy nhiên, phổi vẫn bị hư hại và không thể hoàn toàn trở lại bình thường. Khó thở và mệt mỏi có thể không bao giờ biến mất hoàn toàn nhưng người bệnh có thể học cách kiểm soát tình trạng của mình và tiếp tục sống khỏe nếu tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ và tái khám đều đặn.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, nguy cơ tử vong ở bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khi bị nhiễm COVID-19 là rất cao. Do đó, cần có ý thức bảo vệ sức khỏe và lá phổi. Để phòng, tránh bệnh COPD, không hoặc ngừng hút thuốc lá, thuốc lào và các chất kích thích khác; hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá. Đeo khẩu trang khi ra đường, đặc biệt là khi tiếp xúc với khói, bụi; đeo bảo hộ lao động khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm; vệ sinh môi trường sống hợp lý, không đun bếp than, củi. Trong nhà cần giữ không khí sạch, thoáng. Nên tập thể dục đều đặn hằng ngày, nhất là hít thở không khí trong lành trước và sau khi ngủ dậy. Cần tiêm vắc xin cúm hằng năm, tiêm vắc xin phòng phế cầu 4 năm một lần để phòng nhiễm khuẩn đường hô hấp. Cần đến cơ sở y tế nhanh chóng nếu có dấu hiệu nguy hiểm sau đây: nói chuyện, đi lại khó khăn, môi hay móng tay tím tái, nhịp tim, mạch rất nhanh hay không đều, thuốc thường dùng không còn tác dụng đủ lâu, hay không còn tác dụng, thở gấp và khó…

Mỹ Hạnh – Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc