Multimedia Đọc Báo in

Hút thuốc lá - nguyên nhân hàng đầu gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

08:09, 31/05/2021

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh lý ở phổi trong tình trạng đường thông khí hệ hô hấp bị tắc nghẽn, lượng khí cặn trong phổi gia tăng làm thành của đường dẫn khí dày lên, không khí khó đi vào phổi gây nên tình trạng khó thở ở người bệnh và có nguy cơ xảy ra các biến chứng, như: suy hô hấp, tràn khí màng phổi, suy tim…

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 250 triệu ca mắc COPD, là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ tư trong các nguyên nhân gây tử vong và đứng thứ năm về gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ mắc COPD khá cao ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mỗi năm tỷ lệ mắc khoảng 4,2% dân số trên 40 tuổi và tiếp tục có xu hướng gia tăng do tình trạng hút thuốc lá và ô nhiễm môi trường.

Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh COPD thông thường là nam giới trên 40 tuổi, có tiền sử hút thuốc lá và những đối tượng bị tác động bởi các yếu tố như: khói thuốc lá, khói bụi nghề nghiệp, ô nhiễm môi trường … cũng có nguy cơ cao mắc COPD. Bệnh thường tiến triển trong vài năm; các biến chứng như: suy tim, suy hô hấp, tràn khí màng phổi… có thể phát triển và đe dọa đến tính mạng bất kỳ thời điểm nào. Khi đã mắc COPD người bệnh phải chung sống suốt đời cùng bệnh. Vì vậy, việc phát hiện và tuân thủ điều trị dự phòng rất quan trọng để bảo toàn chức năng phổi, phòng tránh các biến chứng.

Một bệnh nhân mắc bệnh COPD được điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh.
Một bệnh nhân mắc bệnh COPD được điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh.

Trong số các bệnh nhân mắc bệnh COPD được điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh thì có khoảng 30% trường hợp bệnh đã chuyển sang biến chứng.

Theo bác sĩ R’Mah Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh cho biết, phần lớn các trường hợp được chẩn đoán mắc COPD chỉ đi khám khi có các biểu hiện nặng như: ho nhiều, khó thở, đờm đặc lâu dài… nhưng đây là lúc COPD đã ở giai đoạn bệnh tiến triển, chức năng phổi đã suy giảm. Triệu chứng khó thở của bệnh COPD có đặc điểm là bệnh nhân sẽ khó thở dần theo thời gian, lúc đầu bệnh nhân chỉ khó thở khi gắng sức như đi bộ, leo cầu thang… nhưng sau thời gian, các triệu chứng khó thở sẽ nặng dần lên và bệnh nhân sẽ thấy khó thở khi nghỉ ngơi, đến giai đoạn bệnh nhân không làm gì cũng thấy khó thở.

Như trường hợp bà Nguyễn Thị Đào (60 tuổi, trú thôn Đức Thuận, xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) mắc bệnh COPD đã 10 năm nay. Chồng mất sớm, các con còn nhỏ nên bà phải làm việc vất vả, sau thời gian dài cảm thấy trong người không khỏe song chủ quan nên bà không đi khám. Đến khi không gắng sức được nữa bà mới đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán mắc COPD, cần điều trị trong thời gian dài.

Trường hợp bệnh nhân mắc COPD khác là ông Nguyễn Thọ Thành (56 tuổi, trú xã Ea Phê, huyện Krông Pắc) có tiền sử hút thuốc lá, cộng thêm môi trường làm việc thường xuyên tiếp xúc nhiều với khói bụi và tiếng ồn. Ông Thành cho biết: “Thời gian gần đây, các triệu chứng tức ngực khó thở của tôi xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều, đặc biệt là hôm tôi bị ngất được người thân đưa vào bệnh viện thì các bác sĩ chẩn đoán tôi đã mắc COPD cần phải nhập viện điều trị dài ngày”.

Theo các bác sĩ, các bệnh nhân đã mắc COPD cần tuân thủ đúng liệu trình điều trị của bác sĩ từ việc thay đổi thói quen như: bỏ thuốc lá, thường xuyên tập thể dục, tập hít thở để cải thiện đường thở… và dùng thuốc theo phác đồ. Khi điều trị bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng của bệnh nhân để lên phác đồ điều trị phù hợp. Tuy nhiên, để phòng chống bệnh COPD và những biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này, mọi người cần duy trì lối sống lành mạnh, đặc biệt là không hút thuốc lá và những người đang hút thuốc cần bỏ thuốc lá sớm, đồng thời thường xuyên tập thể dục, ăn uống đủ dinh dưỡng…

Phượng Vũ - Quang Nhật


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.