Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn “báu vật” từ rừng tái sinh

05:52, 07/02/2024

Từ tình yêu với thiên nhiên, có những đôi bàn tay ngày ngày lặng lẽ gìn giữ, bảo tồn những diện tích rừng tái sinh. Để rồi từ đó, nhiều loài dược thảo quý đang dần hồi sinh, mở ra những hướng đi đầy triển vọng cho các mô hình kinh tế bền vững dưới tán rừng.

“Nuôi” rừng để giữ giống trà quý

Vốn là kỹ sư công nghệ thực phẩm, anh Nguyễn Ngọc Quỳnh không ngờ một bước ngoặt cuộc đời đã đưa anh đến với núi rừng Tây Nguyên và gắn bó với cây trà hoa vàng - một loài thực vật bản địa quý do chính anh phát hiện ra.

Vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Quỳnh dành nhiều công sức để tái sinh rừng và bảo tồn giống trà quỳnh.

Anh Quỳnh kể, lần đầu đặt chân đến vùng đất thôn 12, xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) vào năm 2012, anh ngỡ ngàng khi quang cảnh núi đồi nơi đây không phải là những cánh rừng đại ngàn trùng điệp mà chỉ là những quả đồi trơ trọi, khô khốc dưới cái nắng tháng ba. Từ mảnh vườn nhỏ mà anh vừa mua lại còn sót những gốc cây rừng vẫn có khả năng tái sinh, anh Quỳnh quyết tâm “nuôi” lại rừng tự nhiên thay vì tiếp tục đốt cây cỏ dại để canh tác, dù bản thân lúc ấy cũng chỉ có hai bàn tay trắng.

Anh Quỳnh đã đi khắp các quả đồi, lân la làm quen với bà con phát rừng làm rẫy nơi đây và được mời thứ thức uống có màu vàng dịu, chát nhẹ, thoang thoảng hương trà. Uống thức nước này không xót ruột mà lại cảm giác khỏe khoắn, tỉnh táo dễ chịu. Không những thế, bà con Bru Vân Kiều, Cao Lan, Mông… còn dùng lá, thân, rễ của loại cây này đun làm thuốc trị chốc lở, mụn nhọt cho trẻ em. Theo lời chỉ dẫn của người dân, anh tìm thấy những gốc trà còn sót lại. Trực giác mách bảo đây có thể là một loại dược liệu quý cần bảo tồn, anh Quỳnh đã dày công chăm bón cho những gốc trà còn sót lại trong vườn và di thực các gốc trà ở khắp những quả đồi lân cận. Không phụ công anh, cây trà hoa vàng cùng các loại cây bản địa khác như kơ nia, mật nhân, ngành ngạnh, sổ bà, bứa, le… dần tái sinh trên mảnh đất rừng duy nhất còn lại trong vùng.

Năm 2018, cơ duyên đã cho anh gặp gỡ với Tiến sĩ Lương Văn Dũng và nhóm cộng sự tại Trường Đại học Đà Lạt. Qua nghiên cứu của các nhà khoa học, đến năm 2022, giống trà hoa vàng do anh Quỳnh phát hiện đã được công nhận là một loài mới, được công bố trên các tạp chí khoa học với tên khoa học là Camellia Quynhii - Trà Quỳnh.

Cũng từ đây, anh có thêm nhiều cơ hội gặp gỡ các chuyên gia về trà, tìm hiểu sâu hơn về giá trị của trà hoa vàng và tìm hướng xây dựng sản phẩm nhằm khai thác giá trị của một loại dược liệu bản địa quý. Cuối năm 2023, sản phẩm Trà Quỳnh - một loại trà túi lọc làm từ 100% lá trà hoa vàng sấy khô đã tham gia phân hạng sản phẩm OCOP của huyện Krông Pắc và được đánh giá cao.

Trong suốt hơn 10 năm giữ khu rừng nhỏ giữa bạt ngàn đồi keo, không ít người chê anh gàn dở. Nhưng anh Quỳnh vẫn bám giữ vườn rừng với đam mê và khát vọng cháy bỏng, không chỉ giữ lại nguồn gen quý của một loại thực vật bản địa mà còn có thể phát triển, nhân giống, giúp nhiều bà con nơi đây có nguồn sinh kế từ cây trà hoa vàng…

Giữ hương của rừng

Hơn 5 năm gắn bó với nắng, gió Buôn Đôn, tài sản lớn nhất của vợ chồng chị Nguyễn Ngọc Sinh là mô hình lâm nghiệp kết hợp với cây ăn trái trên diện tích gần 50 ha ở thôn 4, xã Ea Wer. Chị Sinh cho biết, ban đầu, vợ chồng chị chỉ dự định đầu tư vốn thực hiện dự án trồng cam, quýt. Sau khi người cộng sự rút vốn, anh chị mới dành nhiều thời gian chăm lo, quy hoạch vườn cây và quyết định rời Bình Dương lên Đắk Lắk sinh sống.

Toàn bộ khu đất trải rộng khắp một ngọn đồi thoải nằm bên dòng suối Đục. Phần lớn diện tích là sỏi đá khô cằn với các loại cây bụi, cây rừng nhỏ tái sinh. Là những người yêu thích lối sống gần gũi với thiên nhiên, anh chị chỉ dành khoảng 1/3 diện tích để trồng cam, quýt và một số loại cây ăn trái, phần lớn diện tích còn lại anh chị khoanh vùng để cây cỏ sinh sôi và giữ cho rừng tái sinh. Nhờ được bảo vệ, hệ sinh thái rừng khộp đặc hữu của vùng đất này dần tái sinh, thảm thực vật dần dày lên, xanh tốt.

Chị Nguyễn Ngọc Sinh thu hoạch cây nhân trần tía để làm trà.

Cứ mỗi độ cuối mùa mưa, chị Sinh phát hiện trên đồi có những trảng cỏ nở hoa màu tím nhạt, người dân thường xin nhổ về nấu nước uống. Chị tìm hiểu thêm thì được biết đây là cây nhân trần tía hay còn gọi là bồ bồ, một loại thảo dược có nhiều giá trị tốt cho sức khỏe như tiêu viêm, giải độc, được dùng trong nhiều bài thuốc đông y. Và thế là, trong những khoảng thời gian vào rừng “nạp năng lượng” từ thiên nhiên, chị đã có thêm niềm vui mới là tự tay nhổ những cây nhân trần về phơi khô làm trà biếu, tặng người thân, bạn bè.

Từ những thử nghiệm ban đầu, chị dự định giữa năm 2024 sẽ đầu tư hệ thống sấy hiện đại, tận dụng nguồn nhân trần tía trên cả vùng đồi rộng lớn để sản xuất trà túi lọc. Cả hai vợ chồng chị đều thống nhất rằng, sau khi vườn cam, quýt hết chu kỳ khai thác sẽ được thay thế dần bằng các loại cây rừng. Và khoảng 10 năm nữa, toàn bộ diện tích sẽ được phủ xanh cây rừng. Anh chị sẽ khai thác các giá trị từ rừng để lấy kinh phí tiếp tục nuôi dưỡng mảnh đất này, đó có thể là du lịch sinh thái và các sản phẩm từ cỏ cây trong rừng mà trà nhân trần tía là một sản phẩm đặc biệt, một món quà hoàn toàn tự nhiên từ rừng trao tặng cho những ai yêu nó!

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc