Multimedia Đọc Báo in

Tri ân trên "vùng đất lửa"

20:51, 29/04/2023

Những ngày tháng Tư rực lửa, hàng nghìn người con đất Việt lại tìm về Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Trong cái nắng oi ả của miền Trung, trong khói hương trầm mặc, từng dòng người cứ nối tiếp nhau cùng hoà mình trong dòng cảm xúc nghẹn ngào, càng hiểu thêm về giá trị của hòa bình, của độc lập, tự do…

Nơi yên nghỉ của những người con ưu tú

Vượt gần 40 km từ TP. Đông Hà đến với Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, chúng tôi cảm nhận được khung cảnh yên tĩnh, thanh bình đến lạ thường, chỉ nghe thấy tiếng chim hót trên những hàng cây xanh rợp mát như chở che cho các anh hùng, liệt sĩ đang yên giấc trong lòng đất mẹ.

Người dân đến thắp hương tại các phần mộ Anh hùng Liệt sỹ chưa xác định được tên tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn
Người dân đến thắp hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn.

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận xã Vĩnh Tường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Khu đồi Bến Tắt với vị trí là tuyến đầu của chiến trường miền Nam, cũng là điểm khởi đầu của tuyến đường Trường Sơn.

Sau ngày đất nước thống nhất, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng đã phê chuẩn dự án xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn tại nơi đây để luôn gợi nhắc với thế hệ mai sau về sự hi sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ mà còn là biểu tượng của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. 

Khởi công xây dựng vào ngày 24/10/1975 và hoàn thành vào ngày 10/4/1977, Nghĩa trang là nơi quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sĩ, có tổng diện tích 140.000 m2. Khu tưởng niệm nằm ở trung tâm trên một ngọn đồi cao hơn 30m. Ở giữa sân có Đài tưởng niệm bằng đá trắng cao vút uy nghi, rỗng ruột và khuyết ba mặt.

Trên miền đất thiêng huyền thoại, giữa khói hương bảng lảng, chúng tôi được thấy những bia mộ nối tiếp nhau hàng hàng, lớp lớp chỉnh tề, được xếp theo tỉnh, thành phố trải trên năm quả đồi. Mỗi khu đều có nhà tưởng niệm với kiến trúc phảng phất hình ảnh các vùng quê Việt Nam. 

Ngày ấy, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hàng vạn người con ưu tú trên khắp mọi miền đã lên đường không tiếc tuổi xuân và máu xương, nguyện hiến dâng tất cả để bảo vệ quê hương. Dưới mưa bom bão đạn, rất nhiều người đã mãi mãi nằm xuống mảnh đất này. Tuy nhiên, bom đạn có thể giết chết sinh mệnh con người nhưng không thể đè bẹp được ý chí kiên cường và lòng yêu nước của những người chiến sĩ cách mạng kiên trung. Lớp người này ngã xuống, lớp người khác đứng lên cầm chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc.

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn là công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.

Điểm đến tri ân

Về với Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi được hoà mình cùng những dòng người đến thăm viếng trong niềm biết ơn chân thành. Đó là người vợ tới thăm chồng, là người con tới viếng cha, là những người cựu binh trở về chiến trường xưa thăm đồng đội cũ, là những bạn trẻ tìm về để bày tỏ lòng tri ân, sự cảm phục. Dù ở thế hệ nào, vùng đất nào, khi đến với nơi đây, ai cũng muốn tự tay thắp nén hương, nghiêng mình trước anh linh các chiến sĩ đã hy sinh vì nền hòa bình của đất nước. 

Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là nơi an nghỉ đời đời của các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước.
Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước.

Đứng trước hơn 10 vạn ngôi mộ liệt sĩ, từng dòng thông tin trên những tấm bia mộ như cứa vào tâm can mỗi người. Các chiến sĩ nằm tại đây, họ là những chàng trai, cô gái từ khắp mọi miềnTổ quốc mới bước vào tuổi mười tám, đôi mươi, đầy ước mơ và hoài bão. Họ đã không quản máu xương, tuổi trẻ để đổi lấy màu xanh cho những cánh rừng, giành lại tự do cho đất nước.

Đi dọc những ngôi mộ các liệt sĩ, chúng tôi bắt gặp hình ảnh cựu chiến binh Võ Tuấn Thung (xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) ngồi ngắm nhìn thật lâu tấm bia mộ đồng đội rồi bật khóc. Có 15 năm tham gia kháng chiến, từng trực tiếp tham gia Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào năm 1971 và ngay chính tại mảnh đất này, hơn 50 năm về trước, cựu binh Võ Tuấn Thung đã cùng với đồng đội của mình sát cánh, kề vai chiến đấu. Và trong cuộc chiến ấy, rất nhiều đồng đội của ông đã vĩnh viễn nằm lại. “Chiến tranh đã lùi xa nhưng những đau thương, mất mát mà chiến tranh để lại vẫn chưa thể xóa nhòa. Mỗi lần về nơi đây, ký ức một thời mưa bom bão đạn lại ùa về trong tôi. Rất nhiều đồng đội, đồng chí của tôi đã nằm xuống trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào sau những trận đánh ác liệt ở đồi Không tên, trong những đợt truy kích, đòn đánh phản kích quân địch. Thân xác họ đã hóa vào cành cây, ngọn cỏ, con suối của núi rừng”, Cựu binh Võ Tuấn Thung xúc động.

những người cựu binh trở về chiến trường xưa thăm đồng đội cũ.
Những người cựu binh thăm viếng đồng đội cũ.

Điểm đến đầu tiên khi về với vùng đất Quảng Trị của nhóm bạn trẻ đến từ Bắc Ninh chính là Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Cùng dâng hoa, thắp những nén tâm nhang, các bạn không khỏi xúc động khi đứng giữa hàng ngàn ngôi mộ. Bạn Hoàng Công Duy chia sẻ: Ngay tại thời khắc này, tôi cảm nhận được dường như sợi dây tâm cảm đã nối người đang sống với người đã mất, nối quá khứ với hiện tại và cả tương lai; cảm nhận được nỗi đau của chiến tranh, những mất mát, hy sinh to lớn để bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Những người đã nằm xuống nơi đây, họ là những con người bình dị, những cuộc đời có thật đã làm nên sự tiếp nối trong dòng chảy lịch sử của cha ông trên hành trình dựng nước và giữ nước. Và thế hệ trẻ chúng tôi tự nhủ với lòng mình phải sống có trách nhiệm hơn với đất nước để không phụ lòng những người đã ngã xuống, sẽ từng bước tiếp nối, viết tiếp những ước mơ, hoài bão của các anh vẫn còn dang dở... góp sức bảo vệ, gìn giữ và xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.

Vân Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.