Multimedia Đọc Báo in

Nguyễn Đình Thi với “Người Hà Nội” và những dự cảm “Ngày về”

09:24, 26/10/2022

Nguyễn Đình Thi, nhà thơ – nhạc sĩ đa tài, hào hoa và lãng mạn, người mang trong mình một “tình yêu Hà Nội” thiết tha nhất. Mỗi lần nhắc đến Nguyễn Đình Thi, độc giả lại nhớ đến một nhà thơ – nhạc sĩ với những sáng tác đầy chất riêng, vừa lãng mạn, bay bổng, vừa lắng đọng những suy tư, nhưng cũng đầy quật khởi, phóng khoáng.

Về thơ, Nguyễn Đình Thi đã để lại những áng thơ bất hủ trong văn học hiện đại Việt Nam như: “Đất nước”, “Nhớ”, “Bài thơ Hắc Hải”, “Lá đỏ”, “Ngày về”…; về nhạc với những ca khúc nổi tiếng như: “Diệt phát xít”, “Người Hà Nội”…; về văn xuôi, ông nổi lên với tiểu thuyết “Xung kích”, “Vỡ bờ”… Nguyễn Đình Thi còn nổi danh với hàng chục vở kịch trên sân khấu Việt Nam như: “Con nai đen”, “Hoa và Ngần”, “Giấc mơ”, “Rừng trúc”, “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”, “Người đàn bà hóa đá”, “Tiếng sóng”, “Cái bóng trên tường”, “Trương Chi”, “Hòn cuội”…

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Ảnh: Internet
Nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Ảnh: Internet

Trong di sản của Nguyễn Đình Thi, ca khúc để đời “Người Hà Nội” luôn trào dâng cảm xúc, thiết tha, cháy bỏng và vô cùng hào sảng, trở thành biểu tượng bất hủ, là tài sản tinh thần vô giá bởi giai điệu và ca từ lắng đọng trong tâm hồn mỗi người “một tình yêu Hà Nội” - một “Hà Nội mến yêu”!

Về hoàn cảnh ra đời bài hát, trong hồi ký của mình, ông viết: “Bài Người Hà Nội tôi viết đầu năm 1947, dịp gần Tết. Khi đó Hà Nội đang chiến đấu rất quyết liệt. Do công tác, tôi tạt vào làng Khúc Thủy bên bờ sông Nhuệ, đối diện với làng Cự Đà. Bên kia sông là trạm quân y lớn nhất của ta tiếp nhận thương binh từ Hà Nội đưa về.

Thời gian ấy, do phân công ở trên, tôi cùng anh Thép Mới, bạn học từ hồi còn ở Trường Bưởi, làm tờ báo Cứu quốc của mặt trận Hà Nội, sau này gọi là Cứu quốc Thủ đô. Tôi rời Hà Nội ra ngoại thành vào đúng đêm 19/12/1946, tức đêm Hồ Chủ tịch phát động toàn quốc kháng chiến nổ ra tại Hà Nội. Phía sau lưng tiếng súng bắt đầu nổ và một cảnh tượng rất hùng tráng hiện ra, sau này đã xuất hiện trong bài hát.

Hình ảnh của Hà Nội tan hoang bởi chiến tranh, rồi những người con đã anh dũng chiến đấu, đội tự vệ thành, đội cảm tử quân, những chàng trai, cô gái của các nhà máy, phân xưởng đã đứng lên để bảo vệ từng tấc đất Hà Nội. Hà Nội như một bức tranh sống động đầy màu sắc của bi thương và oai hùng; từng địa danh, từng góc phố thân quen hiện ra đẹp thân thương đến nao lòng…”.

Hình ảnh hùng tráng ấy khiến Nguyễn Đình Thi dạt dào xúc động: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông ngàn năm/ Đây Thăng Long, đây Đông Đô/ đây Hà Nội/ Hà Nội mến yêu/ Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời/ Hà Nội ầm ầm rung, Hà Nội vùng đứng lên/ Sông Hồng reo, Hà Nội vùng đứng lên/ Hà Nội đẹp sao!/ Ôi nước Hồ Gươm xanh thắm lòng/ Hồng Hà tràn đầy, Hồng Hà cuốn/ Ngàn nguồn sống tràn đầy dâng/… Hà Nội đẹp sao, Hà Nội vui sao...”. Với những kỷ niệm về Hà Nội không thể nào quên trong ngày giã từ “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”…, để rồi trong ca khúc “Người Hà Nội”, Hà Nội hiện lên như một dự cảm trong ngày chiến thắng trở về với một niềm vui khôn xiết: “Ôi tha thiết lòng ta biết bao nhiêu/ Mỗi tấc đất Hà Nội đượm thấm máu hồng tươi/ Một ngày non sông chiến khu về/ đường vang tiếng hát cuốn lòng người…/ Đoàn quân Việt Nam đi/ Hà Nội say mê đón Cha về/ Kín trời phơi phới vàng sao/ Ngày ấy chói vinh quang…” và ánh lên một niềm tin lạc quan: “Này lớp lớp người đi ánh sao tưng bừng chói lói lòng ta/ Mai này lớp lớp người đi thét vang vang trời khải hoàn…/ Mắt Người sáng láng vầng sao thắm tươi/ Trán Người mái tóc bạc thêm/ Bóng cờ bát ngát ngày vui nước non reo cười…”.

Tha thiết một tình yêu Hà Nội, trong lòng nhà thơ lúc nào cũng nồng nàn thường trực, để rồi sau bao năm xa cách, đầu tháng 10/1954 lịch sử, nhà thơ trở về Hà Nội trong một ngày “mưa tầm tã”, và những cảm xúc dạt dào tuôn chảy ngay trong giờ phút đầu tiên của “Ngày về” với biết bao rưng rức sau chín năm kháng chiến: “Hà Nội chiều nay mưa tầm tã/ Ta lại về đây giữa phố xưa/ Nước hồ Gươm sao xanh dịu quá/ Tháp Rùa rơi lệ cười trong mưa…/ Ta đứng khóc giữa trời mưa hắt/ Leng keng chuông xe điện đổ hồi/ Lòng ta bỗng như dòng suối mát/ Ta đã về đây, Hà Nội ơi!..”. Cảm xúc vui sướng đến trào nước mắt là cảm xúc có thật của những người về hôm ấy. Bởi để có được ngày về, là bao xương máu hy sinh của đồng đội, đồng chí, những con người vắng mặt trong đoàn quân chiến thắng trở về.

 Tình yêu cháy bỏng với Hà Nội là mạch nguồn chảy mãi trong sáng tác của Nguyễn Đình Thi với những: “Đất nước”, “Người Hà Nội”, “Ngày về”, “Chia tay trong đêm Hà Nội”… Những bài thơ, ca khúc hùng tráng, thiết tha, bay bổng và giàu lạc quan về quê hương Hà Nội của ông là những dấu mốc lịch sử gắn liền với sự thăng trầm của Hà Nội - thủ đô yêu dấu, trái tim của cả nước. Phải chăng mảnh đất ngàn năm văn hiến ấy đã cho ông cách cảm, cách nghĩ để rồi bật ra những nốt nhạc trầm bổng, những ca từ tuyệt đẹp với Hà Nội mến yêu “Bóng Tháp Rùa thân mật êm ấm lòng…”, có “Tíu tít gánh gồng đây Ô Chợ Dừa, kia Ô Cầu Dền làn áo xanh nâu Hà Nội tươi thắm…/ Quanh co chen quanh rộn ràng Đồng Xuân, xanh tươi bát ngát Tây Hồ, Hàng Đào ríu rít Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai…”.  

Minh Đăng   


Ý kiến bạn đọc