Multimedia Đọc Báo in

Những bài thơ chúc Tết của Bác Hồ được phổ nhạc

04:27, 10/02/2024

Sinh thời, hầu như năm nào Bác Hồ cũng có thơ chúc Tết mừng Xuân. Thế nên, đã thành thông lệ hằng năm, sau phút giao thừa thiêng liêng, đồng bào và chiến sĩ cả nước lại hồi hộp đón nghe thơ chúc mừng năm mới của Bác.

Những bài thơ mừng Xuân của Bác ngoài nội dung mang tính thời sự, định hướng chiến lược cách mạng còn thể hiện tình cảm của Người đối với dân với nước. Điều đó gợi cảm hứng lớn để các nhạc sĩ chuyển thể những vần thơ Xuân của Người thành lời ca tiếng hát, động viên đồng bào và chiến sĩ cả nước vượt qua gian khổ hy sinh, tiến lên giành thắng lợi mới.

 

Bài thơ chúc Tết đầu tiên của Bác được phổ nhạc là bài thơ Chúc Tết Nhâm Thìn 1952:

Xuân này, Xuân năm Thìn

Kháng chiến vừa 6 năm

Trường kỳ và gian khổ

Chắc thắng trăm phần trăm.

Chiến sĩ thi giết giặc

Đồng bào thi tăng gia

Năm mới thi đua mới

Thắng lợi ắt về ta.

Mấy câu thành thật nôm na

Vừa là kêu gọi vừa là mừng Xuân.

Theo lời kể của nhà báo Lý Văn Sáu, sáng mùng Một Tết Nhâm Thìn 1952, tại một vùng quê hẻo lánh bên bờ sông Lại Giang (thuộc xóm Vạn Tín, xã Ân Hảo, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định), qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, ông và những người đang công tác tại Đài Tiếng nói miền Nam (Liên khu V) lúc bấy giờ đã thu được lời thơ chúc Tết nói trên của Bác Hồ. Bài thơ được anh em chép ra giấy và ông Võ Bài, nhạc sĩ của Đài Tiếng nói miền Nam nhanh chóng phổ nhạc theo làn điệu dân ca Liên khu V. Trong buổi phát thanh lúc 19 giờ ngày mùng Một Tết, cả ban của Đài hơn 10 người chen nhau trong “chòi phát thanh” làm bằng tranh tre, hát lời chúc Tết của Bác trong không khí vô cùng trang nghiêm, xúc động. Sau Tết, báo Cứu quốc Liên khu V đăng bản nhạc lên báo. Người dân xóm Vạn Tín còn chép bài thơ chúc Tết của Bác lên giấy hồng đào, treo trên bàn thờ; trẻ con thì nghêu ngao hát: “Xuân này, Xuân Nhâm Thìn… Thắng lợi ắt về ta...”.

Những năm 1967, 1968, chiến tranh phá hoại miền Bắc diễn ra vô cùng ác liệt. Chiến trường miền Nam cũng hết sức cam go. Thơ chúc Tết Xuân 68, Xuân 69 là hai bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác. Cả hai bài thơ như một bản tổng kết ngắn gọn thắng lợi vang dội của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước trên khắp mọi miền Tổ quốc, đồng thời là lời hiệu triệu toàn quân, toàn dân anh dũng “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”, để đi đến đích cuối cùng của cuộc trường chinh giải phóng dân tộc đằng đẵng 30 năm: “Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn”.

Thơ chúc Tết Mậu Thân 1968:

Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua

Thắng trận tin vui khắp nước nhà

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta.

Thơ chúc Tết Kỷ Dậu 1969:

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào

Bắc Nam sum họp Xuân nào vui hơn.

Cả hai bài thơ với lời thơ đẹp, hào sảng, âm điệu trong sáng, hào hùng đã khơi dậy nguồn cảm hứng sáng tạo ở người nghệ sĩ.

Huy Thục là nhạc sĩ đã thành công khi phổ nhạc bài thơ chúc Tết 1968 thành bài hát “Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua”. Riêng bài thơ chúc Tết Kỷ Dậu 1969 có đến 8 ca khúc của các nhạc sĩ cùng phổ thơ. Tuy nhiên, nhạc sĩ Huy Thục thêm một lần nữa ghi điểm. Ông trở thành nhạc sĩ thành công nhất trong việc phổ thơ chúc Tết của Bác Hồ.

Nhạc sĩ Huy Thục kể lại: Giữa tháng 12/1968, đang cùng đội văn công xung kích của Tổng cục Chính trị hoạt động ở chiến trường Trị Thiên thì ông được Tư lệnh mặt trận trao cho một bức điện khẩn, trong đó có bài thơ chúc Tết 1969 của Bác Hồ. Dưới bài thơ là lời ghi chú: “Yêu cầu phổ nhạc bài thơ này, ca khúc phải gửi ra Hà Nội trước ngày 20/12 để mùng Một Tết có thơ và ca khúc đăng trên báo Nhân Dân và phát trên Ðài Tiếng nói Việt Nam”. Nhạc sĩ Huy Thục tâm sự: “Bài thơ của Bác ngắn gọn, súc tích và rất hay, mang tính khái quát cao. Trong đó chứa đựng những thành tựu của một năm đã qua và mang tính chất “hịch”, có ý nghĩa chiến lược cho năm tới và các năm sau. Phải phổ nhạc làm sao để giữ được tứ thơ, hồn thơ quyện được vào chặng đường lịch sử của quân và dân ta ở cả hai miền Nam Bắc mà Người đã khẳng định trong thơ chúc Tết Kỷ Dậu - 1969. Phổ nhạc cho thể thơ lục bát (6/8) cực kỳ khó, từ trước tới nay rất ít nhạc sĩ phổ nhạc thành công. Tôi đã cố gắng tối đa coi đó là niềm vinh dự được phổ thơ của Bác, là nguồn động viên cuộc đời người sáng tác nhạc”.

Chương trình phát thanh Tết Kỷ Dậu năm đó sau lời chúc Tết của Bác Hồ là bài hát phổ thơ của nhạc sĩ Huy Thục: “Tiến lên chiến sĩ đồng bào”. Lời bài hát với âm điệu hào hùng vang lên như thôi thúc, giục giã đồng bào và chiến sĩ cả nước đi đến trận đánh cuối cùng - đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử - mùa Xuân thống nhất đất nước, Bắc - Nam sum họp một nhà như Bác Hồ hằng mong mỏi.

 Nguyễn Duy Xuân


Ý kiến bạn đọc