Multimedia Đọc Báo in

Ô nhiễm môi trường từ lò sấy nông sản

07:59, 13/12/2021

Nhiều cơ sở sấy nông sản ở huyện Cư M’gar vẫn đang tồn tại trong các khu dân cư nhưng không chấp hành quy định về bảo vệ môi trường đã phát sinh khói, bụi gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân xung quanh.

Huyện Cư M’gar đang bước vào mùa thu hoạch cà phê, với tổng diện tích gần 37.000 ha. Đây cũng là thời điểm các lò sấy nông sản bước vào thời gian cao điểm hoạt động. Thông thường mỗi lò sấy hoạt động từ 1 - 2 tháng (cùng với giai đoạn thu hoạch cà phê), điều đó cũng đồng nghĩa với việc người dân phải chịu đựng cảnh khói, bụi, tiếng ồn từ các lò sấy trong khoảng thời gian nói trên.

Nguyên liệu đốt tại các lò sấy chủ yếu là vỏ trấu cà phê, hay một số vật liệu có sẵn nên thường gây ra tình trạng khói gây ô nhiễm môi trường.

Lò sấy của Công ty TNHH MTV nông sản Hồng Tự ở tổ dân phố Toàn Thắng (thị trấn Ea Pốk) nằm ở trong khu đông dân cư, hệ thống sấy lại khá thô sơ và thủ công với nguyên liệu sấy chủ yếu là vỏ trấu cà phê, hoặc một số vật liệu có sẵn nên mỗi lần vận hành lại gây tình trạng khói làm ảnh hưởng đến người dân xung quanh… Anh Trần Văn Thương, một hộ dân sống ở tổ dân phố Toàn Thắng bức xúc: “Lò sấy hoạt động trong khu dân cư, khói thoát ra làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, đêm ngủ rất khó thở, tội nhất là người già và trẻ con… Mặt khác, khói cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc trồng trọt, chăn nuôi”.

Không chỉ ở thị trấn Ea Pốk, hiện nay tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Cư M’gar đều đang tồn tại những lò sấy cà phê kiểu này. Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cư M’gar, toàn huyện hiện có 130 lò sấy nông sản lớn nhỏ đang hoạt động, phần lớn các lò sấy đều nằm trong các khu dân cư, tập trung chủ yếu tại các xã Ea Kiết, Cư Dliê M’nông, Ea M’droh, Ea Kpam, Ea Tar, Quảng Hiệp và thị trấn Ea Pốk… Điều đáng nói, nhiều lò sấy còn xem nhẹ đầu tư xử lý tác động đối với môi trường...

Bên trong một lò sấy cà phê tại thị trấn Ea Pốk.

Trước thực trạng trên, UBND huyện Cư M’gar đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ và quyết liệt. Qua đó, một số lò sấy đã chủ động di dời ra xa khu vực đông dân cư, hay đầu tư nâng cấp hệ thống nhà xưởng, hoặc can thiệp bằng các biện pháp về công nghệ để cải thiện môi trường khói bụi. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, còn không ít lò sấy chưa có sự quan tâm, đầu tư đúng mức để giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Ông Nguyễn Công Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết: “Sau khi được tuyên truyền, vận động, đến nay có khoảng 90% các hộ dân, đại lý, doanh nghiệp đã dần thay đổi phương thức sấy cà phê… Để khắc phục triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường trong sấy nông sản, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thường xuyên thanh tra, kiểm tra hoạt động của các lò sấy, nhất là những lò ở trong khu dân cư. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường, cũng như vận động người dân tích cực phát hiện, tố cáo hành vi vi phạm của các cơ sở trong lĩnh vực này”.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.