Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên

19:57, 20/10/2023

Ngày 20/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên.

Hội nghị do ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN và ông Nguyễn Tuấn Hà – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk đồng chủ trì. Hội nghị còn có sự tham gia của lãnh đạo các Vụ, Cục NHNN, NHNN chi nhánh, đoàn đại biểu Quốc hội, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon Tum.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại hội nghị.

Theo báo cáo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN, tín dụng tại khu vực Tây Nguyên tính đến 30/9/2023 đạt khoảng trên 508 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với cuối 2022 (toàn quốc cuối tháng 9 tăng 6,92%) và chiếm khoảng 4,01% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được các TCTD quan tâm đầu tư, với dư nợ đạt hơn 297 nghìn tỷ đồng, tăng 3,15% so với cuối năm 2022 (tăng trưởng của toàn quốc là 4,37%), chiếm tỷ trọng trên 58% tổng dư nợ của khu vực.

Đáng chú ý, tín dụng đối với các sản phẩm nông sản chủ lực, thế mạnh của vùng có mức tăng trưởng tốt, 2/3 mặt hàng thế mạnh có tốc độ tăng trưởng cao hơn so cùng kỳ 2022 (cà phê và cao su), dư nợ cho vay cà phê đạt trên 76 nghìn tỷ đồng, tăng 7,06% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 giảm 2,4%).

Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN Báo cáo về tình hình triển khai các chính sách, giải pháp tín dụng của ngành ngân hàng
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN báo cáo về tình hình triển khai các chính sách, giải pháp tín dụng của ngành ngân hàng.

Bên cạnh đó, đến 30/9/2023, NHCSXH đang triển khai hơn 20 chương trình tín dụng tại khu vực Tây Nguyên, với tổng dư nợ đạt gần 27 nghìn tỷ đồng, tăng 10,13% so với năm 2022 (toàn quốc tăng 9,5%). Ngoài ra, ngành ngân hàng còn tích cực đầu tư cho vay các dự án trọng điểm, công trình cấp bách để phát triển cơ sở hạ tầng khu vực Tây Nguyên.

Hội nghị đã dành nhiều thời gian để một số TCTD và các doanh nghiệp, hiệp hội chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng với lãi suất hợp lý.

Quang cảnh hội nghị.

Một số khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp đề cập đến như: Vấn đề hạn mức tín dụng; khoanh nợ, giãn nợ, lãi suất cho vay quá cao… Những vấn đề này chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, phục hồi kinh tế.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Hà – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng đây là hội nghị quan trọng để ngành ngân hàng và doanh nghiệp cùng nhau tháo gỡ những khó khăn. “Qua những ý kiến của doanh nghiệp, tôi mong muốn ngành ngân hàng sẽ có những giải đáp để khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp sẽ được tháo gỡ”, ông Nguyễn Tuấn Hà chia sẻ.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN kết luận hội nghị.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN khẳng định, thời thời gian tới NHNN sẽ cùng với các ngân hàng thương mại nghiên cứu để có được cơ chế chính sách một cách phù hợp một cách tích cực nhất để hỗ trợ cho 5 tỉnh vùng Tây Nguyên.

“Sau Hội nghị này chúng tôi sẽ chỉ đạo Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt nam sẽ là đầu mối cùng với các ngân hàng thương mại khác nghiên cứu một cách thấu đáo, trên tinh thần khẩn trương nhất để đưa ra được những giải pháp tiếp cận mở rộng và hỗ trợ trực tiếp cho việc tái canh cây cà phê. Bên cạnh đó là giúp cho việc thu mua, chế biến, xuất khẩu hiệu quả nhất”, ông Tú nhấn mạnh.

Đinh Hằng


Ý kiến bạn đọc