Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ giống bơ Úc

06:46, 07/07/2023

Thời gian gần đây, bơ rớt giá khiến nhiều người trồng bơ lao đao, thậm chí có hộ đã chặt bỏ bơ để trồng loại cây trồng khác thay vào hòng đem lại thu nhập cao hơn.

Tuy nhiên, hiện nay tại xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) vẫn đang phát triển một vườn bơ xanh tốt hơn 10 ha, với nhiều giống bơ chất lượng cao, trong đó nổi trội là giống bơ Úc. Những sản phẩm bơ tươi này đã được chuỗi siêu thị từ Hà Nội đặt mua hết, mặc dù chưa đến kỳ thu hoạch.

Giới thiệu về đặc điểm sự khác biệt của quả bơ Úc với khách tham quan.

Ông Trịnh Xuân Mười, chủ nhân của vườn bơ cho biết: Giống bơ Úc này đến nay đã khẳng định sự thích nghi với thổ nhưỡng và khí hậu của Tây Nguyên, đặc biệt là điều kiện tiểu khí hậu của Buôn Ma Thuột sau gần 6 năm - kể từ khi ông cùng các chuyên gia Việt Nam mang giống từ Úc về.

Theo các chuyên gia của Úc, những người thường xuyên sang thăm vườn bơ của ông Mười cho biết, với loại bơ này không nên để tán cây quá to. Nếu trồng thuần cần bố trí khoảng cách 5 m x 5 m, tương đương mật độ 400 cây/ha. Giữ bình quân mỗi cây chừng 50 kg quả, tương đương 20 tấn/ha. Quả bơ Úc tròn hơn hình oval, khi chín ruột vàng ươm, thịt bơ dẻo mịn, sít chặt vào hạt (không lỏng hạt), vỏ tương đối dày, đặc biệt là vị béo thơm ngon đậm đà, thời gian chín kéo dài, khi vận chuyển đi xa không bị hạt tác động phần thịt quả, hạn chế tối đa hư hỏng. Hiện nay giá bán sản phẩm bơ tươi được đặt mua tại vườn gấp 4 - 5 lần bình quân giá bơ tươi của thị trường, cho thấy hiệu quả kinh tế sản phẩm bơ Úc này là rất cao.

Các chuyên gia nông nghiệp của Úc và Việt Nam thường xuyên ghé thăm theo dõi quá trình phát triển của giống bơ Úc từ khi mới ghép trồng tại Buôn Ma Thuột.

Ông Mười thông tin thêm, đây là giống bơ địa phương của TP. Melbourne, thuộc bang Victoria nước Úc, được ông mang về trong một chuyến đến Australia cùng GS. Nguyễn Lân Dũng và nhiều chuyên gia Việt Nam tìm hiểu về lĩnh vực cây ăn quả của Úc, ghép trồng và nhân giống tại TP. Buôn Ma Thuột từ tháng 1/2017 đến nay. Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của các chuyên gia Úc và những chuyên gia nông nghiệp Việt Nam, gần 6 năm qua ông đã chăm sóc thuần hóa để giống bơ này thích nghi với khí hậu Tây Nguyên tạo thành một vườn bơ như hiện nay.

Trong thời gian tới ông Mười sẽ tổ chức liên kết nhân rộng mô hình bơ chất lượng này và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Cùng với sự quan tâm của các cơ quan quản lý, chuyên môn tại địa phương, sản phẩm bơ của vườn ông Mười đang được hướng dẫn các thủ tục để đánh giá cấp chứng nhận OCOP trong thời gian sắp tới.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc