Multimedia Đọc Báo in

Hướng tới đô thị Buôn Ma Thuột Xanh - Sinh thái - Thông minh - Bản sắc

06:12, 04/09/2022

Để cụ thể hóa mục tiêu xây dựng TP. Buôn Ma Thuột là đô thị Xanh - Sinh thái - Thông minh - Bản sắc, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã và đang được cấp ủy, chính quyền thành phố tích cực triển khai là xây dựng những khu đô thị xanh, hiện đại, bền vững và gắn liền với bản sắc văn hóa địa phương.

“Xanh hóa” các công trình đô thị

Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột cho biết, để tạo lập nét riêng biệt cho đô thị Buôn Ma Thuột, thời gian qua thành phố đã triển khai xây dựng nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Trong đó, một số dự án đã đưa vào hoạt động, khai thác địa hình tự nhiên, hình thành khu vui chơi cho cộng đồng như: Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Ko Tam, Khu du lịch đồi thông Mêhycô…

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung đánh giá Buôn Ma Thuột là một thành phố Xanh – Sạch – Đẹp và cũng là điểm sáng trong huy động các nguồn lực chỉnh trang đô thị. 

Hiện nay, thành phố đang khẩn trương thi công các công trình: Tiểu hoa viên cây xanh điểm dân cư trung tâm khu dân cư Km4 – Km5 phường Tân An (4,3 ha); Tiểu hoa viên cây xanh điểm dân cư đường Tôn Đức Thắng – Ngô Gia Tự; Nâng cấp cải tạo công viên Buôn Ma Thuột với tổng trị giá trên 21 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2022. Bên cạnh việc cải tạo, nâng cấp các hoa viên hiện có, thành phố đã và đang triển khai lát đá, cải tạo vỉa hè một số tuyến đường trung tâm với tổng kinh phí khoảng 15 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào tháng 2/2023.

Cùng với đó, thành phố đã và đang tiến hành rà soát các hoa viên, công viên để đầu tư đồng bộ, những công viên lâu năm đã xuống cấp sẽ được xây dựng, nâng cấp, cải tạo, tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan, góp phần chỉnh trang đô thị, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, vui chơi giải trí cho người dân. Việc quy hoạch công viên cũng được tính toán kỹ lưỡng, sao cho mỗi công viên, hoa viên là một khu rừng thu nhỏ và có một chủ đề riêng.

Thi công cải tạo một số tuyến vỉa hè trên địa bàn thành phố.

Trong các quy hoạch về điều chỉnh nông thôn mới, thành phố cũng định hướng theo hướng Xanh – Sinh thái - Bản sắc; yêu cầu hạn chế tỷ lệ nhà thiết kế, tăng tỷ lệ cây xanh, giảm mật độ xây dựng đặc biệt là giữ cảnh quan các khu buôn làng có không gian của bến nước, rừng… Các công trình và các khu đô thị gắn với bản sắc Tây Nguyên thể hiện qua kiến trúc, qua cây trồng đặc hữu gồm: bằng lăng, sao, cẩm lai, giáng hương, cà te, kơ nia.

 
“Buôn Ma Thuột có thể tự hào là một thành phố Xanh – Sạch – Đẹp, được du khách dành nhiều lời khen khi đến thăm và cũng là điểm sáng trong việc kêu gọi, huy động các nguồn lực chỉnh trang đô thị. Thành phố cũng cần xác định rõ mục tiêu, quy mô xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm, mang bản sắc riêng của vùng Tây Nguyên, trong đó chú trọng xây dựng hình ảnh người dân Buôn Ma Thuột văn minh, thân thiện, mến khách, trách nhiệm với xã hội, cộng đồng, nhiều khát vọng, năng động sáng tạo”.
 
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung

Giai đoạn 2022 – 2025, TP. Buôn Ma Thuột sẽ đầu tư 2 dự án phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật từ nguồn vay lại vốn ODA với tổng mức đầu tư trên 2.700 tỷ đồng để cải tạo hạ tầng thuộc hành lang suối Ea Nao, Ea Tam. Việc cải tạo hạ tầng hành lang hai dòng suối trên nhằm tạo cho bộ mặt đô thị dọc hai bên suối thành những khu đô thị mang tính chất Xanh – Sinh thái – Giàu bản sắc riêng. Cùng với đó sẽ có những khu trung tâm thương mại, khu công viên cây xanh dọc hai con suối này, tạo ra bộ mặt đô thị mới, đó là các dòng suối trong thành phố vừa là dòng suối cảnh quan và tạo ra sự khác biệt đối với các đô thị khác của cả nước.

Xây dựng “Thành phố xanh”

Nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng TP. Buôn Ma Thuột xứng tầm trung tâm vùng Tây Nguyên, định hướng quy hoạch trở thành đô thị Xanh - Sinh thái - Thông minh - Bản sắc, việc tăng cường trồng cây xanh trong thành phố cũng là một trong những nhiệm vụ luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm và đầu tư thực hiện.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 – 2025, TP. Buôn Ma Thuột sẽ trồng 25 ha cây xanh tại các địa phương có đất rừng phòng hộ gồm: xã Hòa Thắng, Ea Kao và phường Ea Tam; trồng rừng sản xuất diện tích khoảng 50 ha, bình quân mỗi năm trồng khoảng 16.000 cây/năm.

Đối với cây xanh phân tán, tiến hành trồng 84.000 cây/5 năm, trong đó cây xanh đô thị dự kiến trồng khoảng 42.000 cây tại các công viên, vườn hoa; thảm cỏ tại quảng trường, cây xanh trồng theo hành lang sông, suối trong phạm vi đô thị thuộc ranh giới hành chính quản lý và cây xanh thuộc các khu vực công cộng khác trong đô thị. Cây xanh nông thôn trồng khoảng 42.000 cây trên đất vườn, ven đường, ven kênh mương, bờ vùng, bờ đồng…

Để cụ thể hóa mục tiêu xây dựng “Thành phố xanh”, TP. Buôn Ma thuột cũng đã đẩy mạnh kêu gọi, huy động các tổ chức, doanh nghiệp tham gia, chung tay đóng góp thực hiện trồng cây xanh vì cộng đồng. Cùng với đó, phát động phong trào toàn dân tham gia trồng rừng, trồng cây xanh phân tán, vận động, kêu gọi xã hội hóa trồng rừng, trồng cây, xây dựng “con đường xanh”, “trường học xanh”, “khu phố xanh”, “nhà xanh”… Nhờ vậy, diện tích cây xanh của thành phố đến hết năm 2021 đã đạt 8,11 m2/người.

Những tuyến đường rợp bóng cây xanh trong lòng TP. Buôn Ma Thuột.

Theo ông Vũ Văn Hưng, để phát triển đô thị Buôn Ma Thuột hợp lý, hài hòa, phù hợp với đặc điểm tự nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc của vùng Tây Nguyên, có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, văn hóa và kỹ thuật hiện đại, thời gian tới, thành phố sẽ thực hiện việc chỉnh trang, đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, tăng cường hệ thống cây xanh công viên, xây dựng hiện đại và bền vững các chức năng trung tâm công cộng đối với các khu phố cũ. Đồng thời duy trì và phát huy sự tham gia của các buôn làng truyền thống trong đô thị để kết hợp tinh hoa của kiến trúc dân tộc truyền thống Tây Nguyên với môi trường sinh thái tự nhiên, tạo thành khu đô thị hiện đại, đồng bộ, có đặc trưng.

 

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.