Multimedia Đọc Báo in

Hơn 11.000 tỷ đồng được cam kết đầu tư vào các dự án trên địa bàn huyện Krông Pắc

17:40, 02/09/2022

Trong khuôn khổ Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ I – năm 2022, tại Hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư và phát triển nông sản, nông nghiệp bền vững diễn ra vào sáng 2/9, đã có 24 dự án đầu tư, với tổng số vốn cam kết hơn 11 nghìn tỷ đồng đã được ký kết tại Hội nghị.

Từ nhiều lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, nông nghiệp luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện Krông Pắc, với 56%. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển kinh tế của huyện còn rất lớn nhưng chưa được khai thác, nhất là phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản; công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp; phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn.

ảnh
Các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà khoa học tham gia thảo luận tại hội nghị.

Đây chính là dư địa để các nhà đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực mà huyện có lợi thế cạnh tranh, như: đầu tư phát triển các dự án nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đối với các sản phẩm cà phê, sầu riêng, hồ tiêu, mác ca, chăn nuôi,... diện tích đất quy hoạch mỗi xã tối thiểu từ 30 ha trở lên; đầu tư phát triển các dự án nhà máy sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại Cụm công nghiệp Tân Tiến, gần nút giao với cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, với tổng diện tích quy hoạch 320 ha; thu hút đầu tư các dự án nhà máy thu mua, sơ chế, đóng gói xuất khẩu nông sản có công suất từ 5.000 - 10.000 tấn sản phẩm/năm, tại xã Ea Yông, xã Krông Búk; nhà máy sản xuất bao bì, túi xách tại xã Hòa Tiến có công suất 6.000 tấn sản phẩm/năm; dự án Trung tâm thương mại huyện tại khu đô thị Đông bắc, thị trấn Phước An.

ảnh
Đại diện nông dân trên địa bàn huyện trao đổi với  các chuyên gia nông nghiệp.

Bên cạnh đó, huyện cũng kêu gọi các dự án về phát triển khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ở khu vực hồ Krông Búk hạ, với diện tích 1.146 ha; khu du lịch sinh thái hồ Ea Nhái diện tích 80 ha; khu du lịch thác Drai Dăng 12 ha; khu du lịch tâm linh Thiền viện Trúc lâm Từ Giác; khu di tích lịch sử đồn điền CADA...

Tại hội nghị, rất nhiều chuyên gia, đại biểu cho rằng: sầu riêng có từ rất lâu, nhưng trở thành thế mạnh như hiện nay là bước tiến lớn. Đặc biệt, cây sầu riêng của huyện Krông Pắc trong vài năm tới có tiềm năng, sản lượng còn rất lớn. Để phát triển bền vững thì phải giữ được chất lượng, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Và để làm được việc này chính quyền địa phương phải luôn đồng hành cùng người dân.

Bên cạnh đó, Trung ương và tỉnh Đắk Lắk cần nghiên cứu tạo được giống  sầu riêng đặc trưng như những quốc gia khác; xây dựng quy trình chăm sóc cây sầu riêng cụ thể cho vùng đất này mới giúp được người dân sản xuất được quả sầu riêng chất lượng. Cùng với khâu tổ chức sản xuất thì cần đa dạng hóa sản phẩm, vì nếu chỉ xuất khẩu quả tươi không thì sẽ gặp nhiều rủi ro.

ảnh
Ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó chủ tịch UBND phát biểu tại hội nghị.

Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc không ngừng tăng cường và đang quy chuẩn, ưu tiên phát triển xuất nhập khẩu chính ngạch, thì chính quyền, doanh nghiệp, nông dân cần có sự liên kết chặt chẽ để xây dựng các vùng trồng bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu theo quy định.

Đây cũng chính là cơ hội để quảng bá nhãn hiệu và nâng nâng tầm giá trị sầu riêng Việt Nam nói chung, của Đắk Lắk nói riêng trên thị trường thế giới.

Trong hội nghị này, huyện Krông Pắc đã ký bản ghi nhớ 24 dự án, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 11 nghìn tỷ đồng.

Huyện cam kết mọi thủ tục liên quan nghiên cứu, khảo sát, lập dự án đầu tư sẽ được thực hiện một cách nhanh nhất. Huyện Krông Pắc sẽ luôn đồng hành, trao đổi, chia sẻ tất cả các nội dung mà quý doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm.

ảnh
Lãnh đạo huyện Krông Pắc trao bản ghi nhớ cho các nhà đầu tư.

Phát biểu tại hội nghị, ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: để đưa nền kinh tế địa phương phát triển, huyện Krông Pắc cần quy hoạch và quản lý quy hoạch về đất đai để thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư.

Tập trung thu hút phát triển đầu tư các dự án nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng cho sản phẩm, như: cà phê, sầu riêng, hồ tiêu, mác ca, chăn nuôi...

Đặc biệt, Phó chủ tịch UBND tỉnh lưu ý địa phương cần xây dựng một môi trường đầu tư an toàn, có độ mở cao và cam kết để các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước, người nước yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh tại huyện Krông Pắc.

Nhóm Phóng viên

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.