Multimedia Đọc Báo in

Xanh hóa vùng đất cằn

08:07, 29/03/2022

Thực hiện chuyển đổi diện tích cây trồng để không bị “hoang mạc hóa”, hơn 4 năm qua, người dân thôn Giang Đông (xã Ea Dăh, huyện Krông Năng) đang phủ xanh vùng đất cằn tại địa phương bằng cây vải thiều chín sớm, bước đầu mang lại những chuyển biến tích cực.

Thôn Giang Đông có 182 hộ dân với hơn 980 nhân khẩu, trong đó có 151 hộ nghèo và 36 hộ cận nghèo. Bà con nơi đây chủ yếu là người Mường và người Mông từ các tỉnh phía Bắc di cư vào, trình độ dân trí thấp, không nắm kỹ thuật gieo trồng, cộng thêm điều kiện tự nhiên, khí hậu khắc nghiệt nên việc sản xuất nông nghiệp chưa hiệu quả, đời sống còn nhiều khó khăn.

Mặc dù chính quyền địa phương đã quan tâm hỗ trợ, mang nhiều giống cây như bơ, sầu riêng... về thử nghiệm, nhưng đất đai nghèo dinh dưỡng lại ở vùng đồi dốc nên kém hiệu quả. Năm 2018, Phòng NN-PTNT và chính quyền xã đã phối hợp triển khai mô hình trồng cây vải chín sớm trên diện tích 3 ha của 4 hộ dân trên địa bàn thôn Giang Đông, bước đầu mang lại những chuyển biến tốt. Đến nay, sau 4 năm trồng, màu xanh của cây vải đang rợp mát trên vùng đất khô cằn, người dân khấp khởi mừng vì cây vải sắp thu “quả ngọt”.

Người dân thôn Giang Đông (xã Ea Dăh, huyện Krông Năng) chăm sóc vườn vải chín sớm của gia đình.

Những năm trước đây, vào mùa khô, mảnh đất nơi đây cằn cỗi, không có loại cây nào sống được. Thế nhưng từ ngày trồng cây vải, 1,5 ha đất của gia đình anh Chảo A Pính (thôn Giang Đông) đang “hóa” xanh ngắt quanh năm. Anh Pính chia sẻ, đất của nhà anh là đất cát trắng pha sỏi ở vùng đồi núi nên mặc dù đã thử nghiệm trồng nhiều loại cây khác nhau như bơ, cà phê... nhưng vẫn không hiệu quả, cây thiếu chất dinh dưỡng nên còi cọc, vàng úa. Do đó, ban đầu hay tin chính quyền địa phương hỗ trợ giống cây vải để trồng thử nghiệm trên đất nhà, anh lo ngại vì sợ cây sẽ không phát triển như các cây khác.

Tuy nhiên, sau khi áp dụng mô hình, anh thực sự bất ngờ vì cây vải thiều chín sớm rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Sau hơn 4 năm chăm sóc, cây sinh trưởng và phát triển tốt, đang bắt đầu cho thu “quả ngọt”. “Vụ này cây vải đang cho thu lứa đầu, dự kiến sẽ thu hoạch được khoảng 1 tấn trái, bán theo giá thị trường hiện tại khoảng 25 - 30 nghìn đồng/kg. Như vậy, tôi sẽ kiếm được khoản thu kha khá, nhiều gấp mấy lần trồng sắn, ngô”, anh Pính phấn khởi nói.

Anh Chảo Pí Ngọc (thôn Giang Đông) cũng không giấu nổi niềm vui với những chuyển biến trên 5 sào đất của gia đình. Anh kể, trước kia đất đai khô cằn, mùa mưa mới trồng được các loại cây như sắn, ngô, đậu... Tuy nhiên, những loại cây trồng này cho năng suất thấp, mỗi mùa gia đình anh chỉ thu được khoảng 6 - 7 triệu đồng, không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt. Còn mùa khô, đất để hoang, hai vợ chồng đành lên rừng kiếm sống, làm thuê khắp nơi để nuôi 3 đứa con ăn học. Gia đình quanh năm luẩn quẩn trong cảnh đói nghèo.

Vì vậy, sau khi nghe tin được chính quyền địa phương hỗ trợ giống, phân bón và kỹ thuật để trồng cây vải, anh mừng lắm. Từ đó, anh chăm chỉ vun xới với hy vọng có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Đến nay, sau hơn 4 năm trồng, vườn vải của gia đình phát triển tốt, có những cây sai trĩu quả. Năm nay là lứa đầu cây ra trái, dự kiến thu được khoảng 3 - 5 tạ, anh phấn khởi bởi màu xanh no ấm đã và đang hiện hình trên vùng đất cằn.

Vườn vải xanh tốt trên đất cằn của gia đình anh Chảo A Pính (thôn Giang Đông, xã Ea Dăh, huyện Krông Năng).

Ông Nguyễn Nhật Phùng, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Dăh cho biết, sau 4 năm trồng thử nghiệm, nhận thấy cây vải là loại cây có thể phát triển bình thường, rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương. Vì vậy, từ những chuyển biến tích cực này, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ giống, cây trồng triển khai nhân rộng mô hình tại các thôn Giang Đông, Giang Thanh... Đồng thời, tổ chức các buổi tập huấn, chia sẻ kiến thức giúp người dân học hỏi các kỹ thuật trồng để cây vải ngày một phát triển với năng suất, chất lượng cao.

Về lâu dài sẽ định hướng xây dựng thương hiệu vải thiều chín sớm của địa phương để bà con có thêm thu nhập, thoát khỏi cảnh đói nghèo, vươn lên ổn định kinh tế. Bên cạnh cây vải thiều chín sớm, chính quyền địa phương cũng đang nghiên cứu các giống cây trồng khác phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu để giúp người dân áp dụng vào thực tế nhằm tạo thêm nguồn thu nhập, nâng cao đời sống.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.