Multimedia Đọc Báo in

Nông nghiệp chính xác - tầm nhìn mới cho tương lai

08:50, 20/12/2021

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi các hình thái phát triển của nông nghiệp trên toàn thế giới.

Cùng với đó là sự ra đời của các sản phẩm khoa học công nghệ (KHCN) giúp người làm nông có thể tính toán được chi phí và lộ trình sản xuất một sản phẩm nông sản tốt nhất theo chu kỳ sinh trưởng của các loại cây trồng, vật nuôi. Một hình thức sản xuất mới được hình thành dựa trên sự tính toán các yếu tố cấu thành sản phẩm nông sản đó là nông nghiệp chính xác (NNCX).

Có nhiều cách gọi, định nghĩa về NNCX dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Cách định nghĩa phổ biến và được nhiều người chấp nhận dựa trên mục đích của NNCX. Theo đó, NNCX là mô hình nông nghiệp dựa trên các thành tựu khoa học kỹ thuật mới về công nghệ số, dữ liệu lớn, mô hình hóa… thực hiện tiến trình sản xuất “chính xác” nhằm tiết kiệm chi phí, giảm tác động môi trường và sản xuất ra nhiều sản phẩm nông nghiệp tốt hơn. Nghĩa là nhà nông có thể sản xuất nhiều nông sản chất lượng, “chính xác” nhu cầu thị trường hơn nhưng chi phí ít hơn thông qua việc kiểm soát và sử dụng vật tư nông nghiệp chính xác, hiệu quả. NNCX được triển khai dựa trên những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 từ phương tiện, máy móc tới kỹ thuật ứng dụng theo chu kỳ vòng đời, vòng sinh trưởng của các loại cây trồng, vật  nuôi.

Vườn dưa lưới của gia đình chị Nguyễn Thị Tiệp (thôn 1, xã Ea Kly, huyện Krông Pắc) trong thời kỳ ngắt nước để cây tạo độ ngọt cho quả.

Tại Đắk Lắk, khái niệm NNCX còn khá mới mẻ trong nhận thức, nhưng trên thực tế thì doanh nghiệp và nông dân đã tham gia mô hình NNCX nhiều năm nay. Bắt đầu từ cách ghi chép nhật ký nông hộ thông qua các mốc thời gian xuống giống, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với các liều lượng cụ thể, diễn biến cây trồng sau khi có biện pháp chăm sóc được diễn tả đầy đủ nhằm hạch toán chi phí đầu vào, rút kinh nghiệm cho mùa sau.

 

“Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đang hướng dẫn các đại lý vật tư nông nghiệp và nông dân sử dụng phân bón 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp) để bảo đảm chất lượng nông sản, hạn chế tồn dư trong môi trường”.

ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh.

Cùng với đó, các nông trại nông nghiệp công nghệ cao từng bước được hình thành và đem đến những sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn chất lượng như: VietGAP, Global GAP… Ở đó, nông dân tận dụng tối đa các tiến bộ khoa học kỹ thuật mình có vào sản xuất từ hệ thống tưới phun mưa tự động, tưới nhỏ giọt đến sử dụng các loại vật tư nông nghiệp đúng kỹ thuật, đúng thời điểm, đúng liều lượng… Đơn cử như với trồng lúa thì sạ đúng mật độ từng giống, bón phân đúng thời điểm khi làm đất, khi cây sinh trưởng; với cà phê là tưới nước với liều lượng khoảng 400 lít/cây/lần tưới để sử dụng nước hiệu quả; hệ thống tưới phun mưa tại gốc với liều lượng 60 - 80 lít/giờ/gốc trong thời gian 4 – 5 giờ...

Chị Nguyễn Thị Tiệp (ở thôn 1, xã Ea Kly, huyện Krông Pắc) có vườn dưa được chăm sóc theo cách thức NNCX. Chị luôn ghi chép toàn bộ kinh nghiệm sản xuất từ lựa chọn giống, kỹ thuật trồng mỗi vụ dưa dưới dạng nhật ký sản xuất để so sánh, tính toán đầu tư cho các vụ sau. Chị cho hay, mỗi vụ dưa kéo dài khoảng 6 tháng và mỗi mùa có một cách chăm sóc khác nhau. Người trồng bón phân sai liều lượng hay tưới nước không hợp lý thì vườn cây sẽ đối mặt với nguy cơ dịch bệnh hoặc chất lượng trái không đồng đều, khó bán. Gia đình chị đang thử nghiệm cách trồng dưa lưới trên đất thay thế bầu giá thể nhằm giảm nhiệt, giảm oi bức, điều hòa tiểu không khí trong nhà kính vào mùa khô và đã đạt được những kết quả nhất định.

Mô hình vải chín sớm của ông Nguyễn Trọng Hải (bên phải), thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc).

Trong Kế hoạch số 3756/KH-UBND ngày 5/5/2021 của UBND tỉnh về việc nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2030 đã nêu rõ, việc nâng cao năng suất sẽ dựa trên nền tảng KHCN và đổi mới sáng tạo. Theo đó, KHCN đóng góp khoảng 30% vào tăng trưởng kinh tế năm 2025 (trên 35% vào năm 2030); đến năm 2025 có 7 - 10 doanh nghiệp nhỏ và vừa (năm 2030 có 10 - 15 doanh nghiệp) của tỉnh xây dựng, triển khai các dự án điểm về cải tiến năng suất, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo…

Nông nghiệp đang đối mặt với thực trạng giá cả nông sản thất thường, diện tích đất sản xuất bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa, lực lượng lao động nông thôn ngày càng giảm, nhu cầu thực phẩm an toàn ngày càng tăng, hệ lụy của biến đổi khí hậu khiến sản xuất nông nghiệp ngày càng khó khăn hơn... Trong khi đó, các loại cây trồng, vật nuôi cần được bổ sung dinh dưỡng, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, đúng kỹ thuật mới tạo ra được sản phẩm đầy đủ phẩm chất đặc trưng của nó để phục vụ và bảo vệ người tiêu dùng. Do đó, nhìn nhận đúng về NNCX sẽ tạo cơ hội để nông nghiệp phát triển đúng hướng trong tương lai.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.