Multimedia Đọc Báo in

Để chủ nghĩa cá nhân không còn “đất sống”!

10:47, 18/12/2022

Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (đăng Báo Nhân Dân ngày 3/2/1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân…”.

Cho đến nay, những lời dặn của Người trong tác phẩm trên vẫn vẹn nguyên giá trị đối với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Theo Bác Hồ, chủ nghĩa cá nhân là một loại giặc, nguy hiểm hơn cả thực dân, đế quốc. Bởi vì, thực dân, đế quốc là kẻ thù, chúng ta thấy, có thể dùng vũ khí, dùng súng và lựu đạn để tiêu diệt. Còn chủ nghĩa cá nhân thì hết sức gian giảo, xảo quyệt, nó ở ngay trong lòng ta, trong mỗi người, trong tổ chức của ta…

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và các đại biểu tham quan triển lãm ảnh và sách: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Tạp chí Cộng sản và Báo Nhân dân phối hợp tổ chức _Ảnh: TTXVN
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và các đại biểu tham quan triển lãm ảnh và sách: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Tạp chí Cộng sản và Báo Nhân dân phối hợp tổ chức. Ảnh: TTXVN

Quả thật, không nói gì to tát, vĩ mô, ngay trong mỗi cơ quan, đơn vị, nếu từ người lãnh đạo cho đến nhân viên, ai nấy đều có tư tưởng chủ nghĩa cá nhân hẹp hòi thì sẽ nảy sinh nhiều nguy hại từ bầu không khí làm việc cho đến tinh thần đoàn kết chung. Nếu thủ trưởng lãnh đạo cơ quan theo kiểu “chia để trị” hoặc mỗi người luôn xem “mình là nhất, mình là một, mình là tất cả”, độc đoán, vị kỷ thì bầu không khí làm việc của toàn thể cơ quan sẽ có nhiều điều rất khó chịu. Cán bộ, nhân viên luôn nghi ngờ lẫn nhau, dè dặt, giữ kẽ từng lời ăn tiếng nói, không những không bao giờ có ý kiến đóng góp mà còn không dám chịu trách nhiệm, luôn sợ sai sẽ bị kẻ khác “đè”. Ngay cả những người chuyên môn giỏi, tính cách sống thẳng thắn cũng cảm thấy mình “hèn” đi, sống trong một vỏ bọc, không dám phát huy hết khả năng làm việc vì sợ có kẻ cho mình là nịnh nọt, lấy điểm với “sếp”. Nếu ai nấy cũng vì “nồi cơm của gia đình” thì tinh thần, ý chí đấu tranh tự phê bình, phê bình chắc chắn sẽ bị triệt tiêu. Như vậy, điều tai hại nhất là công việc chung sẽ luôn bị đình trệ, không có hướng phát triển tích cực. Sống và làm việc trong không khí “bằng mặt mà không bằng lòng”, chắc chắn sẽ có nhiều người tìm cách ra đi, nhất là những người có chuyên môn khá sẽ tìm đến các cơ quan khác để làm việc hoặc “nhảy” ra ngoài.

Qua những vấn đề nêu trên cho thấy, việc chống chủ nghĩa cá nhân ở mỗi cơ quan, đơn vị cũng phải bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất, nhất là mọi người cần chung sức tạo dựng một không khí tâm lý làm việc thoải mái, anh em sống chan hòa, có tinh thần đoàn kết cao. Điều này trước hết cũng phải bắt đầu từ những lãnh đạo của cơ quan, phải biết sống, gắn bó, chăm lo cho đời sống của mọi người. Có như vậy, khi triển khai công việc của cơ quan, mọi người mới có sự thống nhất cao và có sự quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ chung.

Đối với mỗi người, trong cuộc sống, công việc hằng ngày, có thu nhập cao chưa phải là tất cả mà điều quan trọng nhất là môi trường, không khí làm việc có thật sự thoải mái, có thể phát huy được khả năng của mình hay không. Do đó, nếu được cơ quan động viên, khuyến khích, mỗi cán bộ, nhân viên sẽ luôn có ý chí, cố gắng phấn đấu, phát huy hết khả năng chuyên môn nghiệp vụ của mình để đóng góp cho sự phát triển chung. Nếu được sống và làm việc trong môi trường như vậy, chắc chắn mỗi người sẽ đẩy lùi được chủ nghĩa cá nhân, luôn xác định cho mình một cách sống, thái độ làm việc nghiêm túc, biết giữ mối quan hệ đoàn kết, thân ái với đồng nghiệp.

Có thể nói, trong mỗi tập thể, cộng đồng xã hội, không tránh khỏi xảy ra những hành vi cá biệt, những va chạm, những việc làm chưa đúng ở lúc này, lúc khác. Do đó, quan trọng nhất là mỗi người phải luôn biết cố gắng nhường nhịn, lấy lợi ích tập thể đặt lên trên hết để dung hòa những vấn đề xích mích, va chạm nhau trong cuộc sống, công việc, giữ gìn bầu không khí làm việc thật sự thoải mái, chân thành, chan hòa, không để chủ nghĩa cá nhân có “đất sống”…

Tường Mạnh


Ý kiến bạn đọc