Multimedia Đọc Báo in

Voi – linh vật của người M'nông

06:21, 13/02/2016

Trong tín ngưỡng của người M’nông, voi là con vật đứng hàng đầu trong loài vật, người ta tin rằng thần voi và hồn voi là lớn nhất và quan trọng nhất.

Người M’nông quan niệm rằng có sự hiện diện của thần Nguăch Ngual - vị thần cai quản, chăn nuôi đàn voi trong rừng và đàn voi nhà ở buôn làng. Vị thần này được coi là phúc thần, là người mang đến sự may mắn và hạnh phúc cho đồng bào. Đàn voi rừng có đông đúc, đàn voi nhà có phát triển hay không đều có sự tác động của thần Nguăch Ngual. Đồng bào M’nông cho rằng thần Nguăch Ngual nuôi nhiều voi rừng và đàn voi rừng thần gọi là đàn trâu. Vị thần này chẳng những quan tâm phù hộ, giúp cho các thợ săn bắt được voi rừng mà còn truyền dạy cách nuôi voi, cách thức cúng con voi cho đồng bào. Cho nên, trong các lễ cúng voi, người M’nông thường khấn vái thần Nguăch Ngual cùng với vài vị thần linh thiêng khác để cầu mong thần phù trợ.

Đồng bào M’nông còn tin rằng, khi voi rừng chết, thần Nguăch Ngual lấy cặp ngà voi cất giữ, khi thấy người nào nghèo khó mà tốt bụng thì thần sẽ cho. Vì vậy, những người nào đi rừng lượm được ngà voi hay đi mua voi về thì việc đầu tiên là phải tổ chức lễ cúng cho voi để cầu phúc. Nghi lễ cúng voi có nhiều loại và nhiều hình thức rất phong phú: cúng trước khi đi săn; cúng trong lúc đi săn trong rừng; cúng khi voi mới được mua về; cúng voi nhập buôn; cúng đặt tên cho voi; cúng sức khỏe cho voi; cúng các công cụ săn voi mới vừa được làm xong; cúng khi voi ốm; cúng để cầu phúc thường xuyên cho voi; cúng khi bán voi; cúng khi voi sinh nở; cúng khi mất voi; cúng khi voi được tìm thấy lại; cúng cắt ngà voi; cúng khi bán ngà voi; cúng voi con bắt đầu tập chuyên chở... Lễ thức của từng loại cúng cũng rất khác nhau. Ngoài những lễ vật thông thường như rượu cần, thịt gà, thịt heo, người ta thường dùng lời khấn thần. Mỗi lễ cúng đều có lời khấn các vị thần khác nhau. Các lễ cúng lớn như lễ cúng voi nhập buôn, cúng cầu phúc cho voi đều phải lập đàn cúng. Tập quán này được hình thành và duy trì không chỉ vì con vật có giá trị về kinh tế, đem lại một số lợi ích, hay con người có nhiều thiện cảm với chúng, mà nó còn là một mắt xích tinh thần trong hệ thống quan niệm và kinh nghiệm của nghề săn bắt thuần dưỡng voi rừng và chăn nuôi voi của người M’nông.

Hội voi ở Buôn Đôn
Hội voi ở Buôn Đôn

Voi chẳng những được tôn sùng thờ cúng với các lễ nghi huyền bí, thiêng liêng mà còn gắn với những hình thức kiêng cữ, cấm kỵ rất phức tạp và có tính bắt buộc đối với người M’nông. Từ người thợ săn voi, các nài voi, các chủ voi đến những thành viên trong gia đình đều phải thực hiện những điều kiêng cữ một cách nghiêm ngặt. Người M’nông cho rằng, kiêng cữ là cách để thực hiện điều tốt lành, gìn giữ sự trong sạch, tránh né, loại trừ những điều xấu xa, ô uế, không làm những điều gây xúc phạm đến thần linh; việc kiêng cữ được thực hiện tốt hay không tốt không chỉ liên quan đến con voi mà còn tác động đến cuộc sống của con người. Người ta tin rằng voi nhà giở chứng đánh lại người, quấy phá, lì lợm hoặc đau bệnh, bỏ ăn đều do con người vi phạm các điều cấm kỵ, làm thần voi phật lòng, thần sẽ trừng phạt. Người nuôi voi quan niệm rằng, con voi chỉ thích sự thanh khiết, không chịu được sự ô uế, nếu trong gia đình hoặc trong làng buôn có ai làm điều xấu, gây ô uế thì con voi sẽ “phản ứng” ngay với những biểu hiện bất thường về tình trạng tâm lý và sức khỏe của voi như: hay ngủ ngày, ngủ sáng, đi đứng lung tung, móng chân bị vỡ, nanh con cái bị gãy, ngà con đực bị nứt, lưng bị phỏng, da bị lở... Khi đó, người chủ voi phải mời thầy cúng để cúng tẩy xóa ô uế cho con voi. Người M’nông có câu: “Khit rpu tah, khit rveh tâp” (Con trâu chết xẻ thịt, con voi chết phải chôn), quy định người nuôi, sử dụng voi không được ăn thịt voi, voi chết phải được chôn cất, cúng bái tử tế. Ai vi phạm điều này phải cúng một con trâu và 4 ché rượu. Trong lễ cúng phải làm con voi giả, ché giả, chiêng giả để “đền” cho thần Nguăch Ngual. Cúng xong thần mới cho phép cưỡi lên lưng voi.

Voi là vật nuôi có giá trị của đồng bào Tây Nguyên. Voi là một phần di sản văn hóa dân gian của đồng bào, biểu hiện rõ nét trong nghệ thuật tạo hình, văn học dân gian, lễ hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng…Những quan niệm về linh vật liên quan đến voi đã làm người dân Tây Nguyên từ xưa biết quý trọng, đối xử tốt với voi. Đây thực sự là những tập tục tốt đẹp giúp bảo tồn, chăm sóc, bảo vệ đàn voi rừng và voi nhà trước nguy cơ bị giết hại lấy ngà, lông đuôi làm đồ trang sức, khai thác quá mức phục vụ du lịch. 

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc