Multimedia Đọc Báo in

Ngày xuân uống rượu men lá của người Tày

07:29, 08/02/2016

Trong hành trang vào Tây Nguyên lập nghiệp, đồng bào các dân tộc Việt Bắc đã mang theo những tập quán sinh hoạt, văn hóa tinh thần độc đáo mà một trong những sản phẩm tiêu biểu là rượu men lá của người Tày ở xã Ea Tam, huyện Krông Năng.

Với sự giới thiệu nhiệt tình của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Ea Tam, ông Bế Văn Đường (thôn Tam Trung) đã quyết định bỏ một buổi hái cà phê để ở nhà… uống rượu. Khách vào nhà, ông Đường xởi lởi lấy chai rượu ngô men lá rót mời khách theo truyền thống bao đời của người Tày. Vừa rót ông vừa giải thích: “Phải uống bằng thìa hoặc ly làm từ cây nứa mới đúng kiểu người Tày, nhưng ở đây thường dùng ly thủy tinh cho tiện”. Đã từng “ngất ngây” với rượu ngô men lá trong chuyến công tác tại các tỉnh Tây Bắc, nhưng tôi cũng thật sự ấn tượng khi nhấp ly rượu màu trắng đục, êm, nồng và thơm phức. Được vài lượt rượu, ông Đường bắt đầu chia sẻ về thứ rượu - thuốc của đồng bào mình: “Chẳng biết rượu men lá có từ khi nào, chỉ biết rằng người Tày sinh sống chủ yếu ở vùng núi cao xứ lạnh nên rượu như một phần không thể thiếu trong mỗi gia đình và cũng nhờ uống rượu men lá mà gân cốt dẻo dai, đi rẫy, cuốc nương không mỏi”. Quê ở huyện Ba Bể, Bắc Kạn, từ nhỏ, ông Đường đã thấy trong nhà lúc nào cũng có vài ba chum rượu. Vào Tây Nguyên lập nghiệp năm 2006, ông cũng mang theo những kinh nghiệm về nghề nấu rượu của gia đình. Giờ đây, ông là một trong những hộ nấu rượu quy mô lớn nhất tại địa phương với mức hơn 30 lít/ngày, mỗi dịp tết lượng tiêu thụ lên đến cả ngàn lít. Theo ông, men lá có thể nấu được nhiều loại rượu như rượu sắn, ngô, gạo… nhưng người Tày chỉ thích uống rượu nấu từ ngô. Cứ 10 kg ngô thì trộn với 6 - 7 cục men, nếu cho quá nhiều hoặc quá ít thì khi nấu rượu sẽ không ngon, thậm chí sẽ không thể thành rượu. Ngô dùng để nấu rượu phải là ngô sạch, không mốc, mọt, hạt chắc mẩy đều, đem xay dập, nấu chín rồi ủ men. Thời gian ủ thường từ một tháng đến tháng rưỡi, nếu trời lạnh phải thắp bóng đèn để tăng nhiệt độ, giúp cơm rượu chín đều và thơm hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để có rượu ngon là phải có men tốt mà không phải ai cũng có thể làm được. Theo ông Đường, men lá sử dụng hơn 10 loại rễ và lá cây mọc ở sườn núi gần suối hoặc vách núi đá như riềng, ớt dại, nét tỳ, bioóc óc cốc… Các loại cây này đem đun sôi, chắt lấy nước rồi trộn với bột gạo tẻ theo công thức, tỷ lệ phù hợp rồi vo thành từng cục men. Với người Tày, men có thể thiếu một vài thứ, nhưng bắt buộc phải có cây nét tỳ vì đây là nguyên liệu quan trọng nhất tạo nên men. Do vùng núi Voi gần nhà ông không đủ các loại cây này, nên ông phải nhờ người thân có kinh nghiệm làm men từ ngoài Bắc đem vào. Đặc biệt, rượu ngô men lá khi uống vào có vị ngọt, thơm của ngô và độ cồn thấp nên ít ảnh hưởng đến sức khỏe người uống.

Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc được xã Ea Tam tổ chức hằng năm (ảnh do Đảng ủy xã Ea Tam cung cấp).
Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc được xã Ea Tam tổ chức hằng năm (ảnh do Đảng ủy xã Ea Tam cung cấp).

Trong khi đó, anh Nông Văn Quân (thôn Tam Phong) cũng là một người nấu rượu men lá có tiếng ở địa phương. Anh cho biết, từ bao đời nay, người Tày dùng những hạt ngô ăn không hết để nấu rượu dùng dần và đãi khách quý. Theo phong tục của người Tày, rượu là kết tinh của núi rừng nên không uống nhiều, tuy nhiên vào ngày Tết Nguyên đán hay dịp lễ hội thì rượu men lá là thứ không thể thiếu. Đặc biệt, từ chối lời mời uống rượu của gia chủ trong ngày tết là điều cấm kỵ trong phong tục của người Tày. Ông Đinh Công Hưởng, Bí thư Đảng ủy xã Ea Tam cho biết, 94% cư dân tại địa phương là người các dân tộc Tày, Nùng, Thái… từ các tỉnh phía Bắc di dân vào từ khoảng 20 năm trước. Bên cạnh đoàn kết phát triển kinh tế, bà con cùng nhau gìn giữ các nét đẹp trong văn hoá truyền thống của từng dân tộc. Vào dịp tết cổ truyền hằng năm,  xã đều tổ chức Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc với nhiều hoạt động đặc trưng của đồng bào như lễ hội lồng tồng, cúng thổ công, mừng cơm mới và các trò chơi dân gian như tung còn, đẩy gậy, đi cà kheo… Trong lễ hội ấy, những hũ rượu ngô men lá sẽ không bao giờ cạn. Ông Hưởng cho biết thêm, trên địa bàn xã hiện có nhiều người nấu rượu men lá, qua đó góp phần phát triển kinh tế địa phương và giữ gìn văn hóa truyền thống của các dân tộc. Để duy trì và phát triển nghề truyền thống này, xã Ea Tam đã đề xuất với huyện Krông Năng về việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rượu men lá. Theo đó, địa phương sẽ quy hoạch vùng trồng cây nguyên liệu làm men, xử lý môi trường, chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm và tập hợp các hộ nấu rượu để liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Trước đó, từ tháng 7-2015, UBND tỉnh cũng đã có quyết định đưa nghề nấu rượu men lá thôn Tam Trung và Tam Phong, xã Ea Tam vào Đề án phát triển làng nghề giai đoạn 2014-2015 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh Đắk Lắk.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.