Multimedia Đọc Báo in

Đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn qua mắt người nước ngoài

15:15, 29/04/2011

Nếu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta là một thiên huyền thoại thì đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn là biểu hiện sinh động nhất của huyền thoại ấy.

Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn là một công trình vĩ đại, nói lên ý chí, nghị lực, tinh thần dũng cảm và sáng tạo phi thường của dân tộc ta, quyết đem sức người, sức của của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn, là một trong những nhân tố chiến lược có ý nghĩa quyết định đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Nhiều chính khách, tướng lĩnh, nhà sử học, nhà văn, nhà báo... nước ngoài cũng đã tốn không ít giấy mực để viết về con đường này. Nhiều sử gia, tướng lĩnh nước ngoài đã so sánh đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn với những con đường nổi tiếng trong lịch sử như: con đường vượt dãy Py-rê-nê của tướng Han-ni-ban để đánh bại người La Mã thời kỳ trước Công nguyên; con đường 10 nghìn cây số của A-lêch-xăng-đrơ, hoàng đế Ma-xê-đoan chinh phục Ấn Độ; con đường của 43 nghìn quân Na-pô-lê-ông vượt qua dãy núi An-pơ bão tuyết tiến vào I-ta-li-a...Có thể so sánh về độ dài, về mục đích quân sự, nhưng chưa có con đường nào trên thế giới lại so sánh được về mặt tầm vóc, hiệu quả và ý nghĩa của đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn. Việt Nam đã đi vào lịch sử nhân loại như một dân tộc có nhiều đỉnh cao về nghệ thuật quân sự, một dân tộc chưa bao giờ khuất phục trước bất cứ kẻ thù xâm lược nào. (1)
Cựu Ngoại trưởng Mỹ H. Kit-xinh-giơ đã không ngần ngại thừa nhận rằng: "Còn tồn tại đường mòn Hồ Chí Minh thì chiến tranh không bao giờ kết thúc". (2)

Đường mòn Hồ Chí Minh trong chiến tranh. (Ảnh: T.L)
Đường mòn Hồ Chí Minh trong chiến tranh. (Ảnh: T.L)

Báo Le Figaro (Pháp), ngày 31-12-1971, đã chua chát nhận xét: "Điều làm phía ta buồn phiền là đường Hồ Chí Minh không thể phá hủy được. Chính con đường mòn quyết định hòa bình hay chiến tranh. Nước Mỹ đã chi tiêu hàng tỷ USD hòng bóp nghẹt con đường. Nó vẫn tồn tại". (3)

Tiến sĩ Giôn Pra-đôt, nghiên cứu viên tại Cục Lưu trữ An ninh Quốc gia Mỹ, đã viết cuốn sách tựa đề "Con đường đẫm máu: Con đường Hồ Chí Minh và cuộc chiến tranh Việt Nam" (The Blood Road: The Ho Chi Minh trail and the Viet Nam war). Trong đó, tác giả đã đánh giá, hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh "là một trong những thành tựu về công binh lớn nhất trên thế giới thế kỷ 20" (4).

Một nhà báo nước ngoài đã từng viết: "Đường mòn Hồ Chí Minh không chỉ là con đường tiếp tế. Nó còn là biểu tượng của cả cuộc chiến tranh Việt Nam...Nó không đóng vai trò nổi bật, nó chỉ giữ vai trò thứ yếu. Nhưng nó như người mẹ trong gia đình, giấu mặt đi để các con được tuyên dương". (5) Nếu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta như một cơ thể, thì đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn huyền thoại chính là huyết mạch để nuôi cơ thể đó.

Nhà báo Jacques C. Despuech, tác giả cuốn "Cuộc tấn công ngày Chúa lên trời", từng ở Việt Nam trong nhiều năm Mỹ gây ra cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, đã nhận xét: "Con đường mòn ấy, con đường ra tiền tuyến dài hàng chục ngàn ki-lô-mét bị trọng pháo, bom phá tạo thành các núi lửa khổng lồ suốt ngày đêm. Vậy mà con đường ấy vẫn như mạng nhện muôn ngả, thực sự trở thành công cụ trọng yếu duy nhất trong lịch sử tiếp vận quân sự Việt Nam...Con đường mòn ấy không chỉ là vật thể mà nó là con đường dân tộc, con đường của tâm linh, nên có sức bền vững diệu kỳ..."(6)

Một nhà báo Pháp trên tờ Le Figaro, đã bình luận: "Con đường Hồ Chí Minh trở thành câu chuyện thần thoại ở Đông Dương, chính con đường mòn đã quyết định hòa bình hay chiến tranh. Quân đội mạnh nhất thế giới đã không làm gì được con đường này. Máy bay khổng lồ B52 đã ném bom xuống đường mòn Hồ Chí Minh để hủy diệt, nhưng nó vẫn tồn tại, là con rắn trăm đầu luôn mọc lại".
John Alex M.C Cone, Giám đốc CIA, đã thẳng thắn báo cáo với Tổng thống Mỹ: "...Muốn thắng được cuộc chiến tranh này thì phải xóa hẳn con đường mòn ấy, cái "cuống nhau" nuôi sống Việt cộng miền Nam..."(7).

96 chuyên viên quân sự cao cấp của Lầu Năm Góc được tập hợp lại để ra sức nghiên cứu tìm cách phá con đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn chiến lược.  Đế quốc Mỹ đã tập trung các phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất để ngăn chặn, hủy diệt con đường này. Nhưng với quyết tâm sắt đá "đường chưa thông, không tiếc máu xương", "thông đường, thông xe trong mọi tình huống", “địch đánh, ta cứ đi", bộ đội Trường Sơn đã dũng cảm rà phá hơn 12 nghìn quả bom từ trường, 83 nghìn quả mìn các loại, đào và đắp hơn 7 triệu m3 đất để lấp hố bom và các đoạn đường sạt lở. Lực lượng binh chủng phòng không trên đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn đã đánh trên 100 nghìn trận, bắn rơi 2.450 máy bay các loại, bắt sống nhiều giặc lái và tiêu diệt hàng nghìn lính ngụy đổ bộ bằng đường không.

Hơn 2 triệu lượt bộ đội, cán bộ vào ra chiến trường, hàng triệu tấn vũ khí, đạn dược, hàng hóa...được vận chuyển phục vụ các chiến trường liên tục chiến đấu, càng đánh càng thắng, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng, đặc biệt ở giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh. Có thể khẳng định, không có đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn sẽ không có Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

"Trường Sơn xẻ dọc, xẻ ngang
Xẻng tay mà viết nên trang sử vàng.
Trường Sơn vượt núi băng sông
Xe đi trăm ngả, chiến công bốn mùa.
Trường Sơn đông nắng, tây mưa.
Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình".

(Tố Hữu)

 

N.X

--------
(1) Báo Nhân Dân cuối tuần, số 20, ngày 17-5-2009.
(2) T/chí Lịch sử Đảng, số 5 - 1999 - tr 39.
(3) T/chí Việt Nam và Đông Nam Á Ngày nay, số 8, tháng 4-1998.
(4) Báo Nhân Dân, số 19620, ngày 15-5-2009.
(5) Báo An ninh thế giới, số 857, ngày 16-5-2009.
(6)(7) Theo Sự kiện và Nhân chứng.


Ý kiến bạn đọc