Multimedia Đọc Báo in

Nguy cơ mất an toàn lưới điện do việc săn bắn chim đậu trên các trụ điện

09:18, 12/02/2014
Đầu năm 2014, trong quá trình tổ chức kiểm tra đường dây và trạm chuẩn bị cho công tác cung cấp điện trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, Đội Quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp của Điện lực M’Drak đã phát hiện tại vị trí trụ 240(ĐD373E49) có một sứ chuỗi thủy tinh bị bể 2 bát sứ.
 
Nguyên nhân được xác định là do việc săn bắn chim của một số người thiếu ý thức đã vô tình làm vỡ sứ cách điện đối với đường dây 35kV. Đây là đường dây 35kV trung tính cách đất song may mắn là dây dẫn không rơi xuống đất nếu không hậu quả sẽ rất khó lường. Để bảo đảm an toàn trong vận hành và tránh gây sự cố mở rộng, Điện lực M’Drak đã đề nghị cắt điện đột xuất để thay sứ chuỗi thủy tinh bị bể. Theo tính toán, thiệt hại ước tính gần 4.500 kWh điện thương phẩm; 3 Nhà máy điện không phát được điện lên lưới điện quốc gia do phải ngưng cung cấp điện để cắt điện sửa chữa; ngoài ra còn mất một số chi phí mua sứ mới, nhân công, phương tiện đi kiểm tra và sửa chữa khắc phục hậu quả.

Đây không phải là trường hợp duy nhất vỡ sứ cách điện do hậu quả của việc săn bắn chim đậu trên các trụ điện đường dây trung áp. Trong năm 2013, Điện lực M’Drak đã phải thay thế hơn 10 vị trí sứ cách điện bị vỡ do việc săn bắn chim gây nên. Bên cạnh đó, đơn vị cũng phát hiện nhiều vụ vi phạm an toàn hành lang lưới điện do những người thiếu ý thức và hiểu biết gây ra, cụ thể như: dùng ná bắn vỡ sứ; trồng cây gần hành lang lưới điện; đốt nương rẫy dưới đường dây; bắt chim trên cột điện; thả diều; tháo bu lông néo cột… Các vụ việc này đã gây ra nhiều sự cố, ảnh hưởng đến việc sử dụng điện của khách hàng. Trong khi đó, theo Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17-8-2005 của Chính phủ, tất cả các hành vi trên bị nghiêm cấm. Nghị định này cũng quy định trách nhiệm cụ thể của ngành điện, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan khi phát hiện công trình lưới điện cao áp bị xâm phạm, phá hoại...

Thiết nghĩ, việc bảo vệ an toàn hệ thống điện quốc gia không chỉ là nhiệm vụ của bất kỳ một cá nhân, tổ chức riêng lẻ nào. Việc làm này cần có sự phối hợp chặt chẽ các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, đặc biệt là nhân dân sinh sống nơi có đường dây đi qua. Vì vậy, cần tổ chức tích cực và sâu rộng hơn nữa các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân nhằm tạo nên những bước chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ an toàn lưới điện.

Bùi Văn Quảng


Ý kiến bạn đọc