Multimedia Đọc Báo in

Bạn đọc viết

Xung quanh tình trạng học trái tuyến ở huyện Krông Bông

08:02, 26/08/2011

Những năm gần đây, tình trạng xin học trái tuyến xảy ra phổ biến ở huyện Krông Bông, nhất là ở bậc học THCS.

Một số gia đình xin cho con học trái tuyến vì muốn con học gần nơi bố mẹ công tác để tiện đưa, đón chăm sóc; song phần lớn là do họ muốn cho con học ở những ngôi trường có  “thương hiệu” (đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên giỏi) để sau khi tốt nghiệp THCS con họ sẽ được  nhập học vào Trường THPT Krông Bông tại thị trấn Krông Kmar (nhiều bậc phụ huynh không muốn con em mình vào học tại Trường THPT Trần Hưng Đạo mới thành lập đóng tại xã Cư Drăm). Vì thế, trong mùa tuyển sinh vào các lớp đầu cấp THCS ở Krông Bông, những cuộc “chạy đua” vào các “trường điểm” của các bậc phụ huynh khá sôi động. Một số trường có nhiều học sinh xin học đã đặt ra rất nhiều “tiêu chuẩn” trong khâu tuyển sinh như học sinh phải có hộ khẩu tại địa bàn, có học lực khá và giỏi và có thêm “tiêu chuẩn”… quen thân! Tình trạng học trái tuyến khiến cho mấy năm gần đây trường THCS chuẩn quốc gia Nguyễn Viết Xuân (thị trấn Krông Kmar) luôn trong tình trạng “quá tải” sĩ số, trong khi một số trường như THCS Hòa Phong, THCS Phan Chu Trinh thì phải co lớp do số lượng học sinh giảm. Riêng tại Trường THCS Hòa Phong, từ năm học 2006- 2007 đến nay đã có hơn 40 học sinh chuyển sang học trái tuyến ở Trường THCS Nguyễn Viết Xuân.

Tình trạng học trái tuyến có thể gây ra những hậu quả như: một số trường “điểm” không đủ cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh; làm xáo động biên chế giáo viên trong những năm tiếp theo. Đặc biệt, các trường học vùng 2, 3 sẽ thiếu đội ngũ học sinh giỏi bởi nhiều học sinh giỏi, khá đều xin vào học tại trường “điểm”. Để hạn chế tình trạng học trái tuyến, vừa qua, Phòng GD-ĐT huyện Krông Bông đã đặt ra những quy định như: học sinh muốn nhập học trái tuyến ở trường nào thì phải có Hộ khẩu gia đình đúng tuyến trường đó, có Biên bản họp Hội đồng sư phạm xét duyệt học trái tuyến, xác nhận của chính quyền xã nơi đi-đến và được sự phê duyệt của Phòng GD-ĐT huyện.

Thiết nghĩ, bên cạnh những quy định trên, ngành giáo dục huyện cần có biện pháp phân tuyến học. Phân tuyến càng chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng thì việc triển khai tuyển sinh càng thuận lợi. Việc phân tuyến nên dựa trên những nguyên tắc như: số học sinh cuối cấp tiểu học (lớp 5), số học sinh còn theo học lớp 9, khảo sát cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của mỗi trường; số trẻ trong độ tuổi có hộ khẩu thường trú trên địa bàn…  để quy định số lượng học sinh. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần nâng cao nhận thức trong việc học tập của con em: cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc giáo dục con cái chứ không phải là xin cho con cháu vào học trường điểm, lớp chọn là có thể tiến bộ; nên hiểu khả năng con mình để chọn trường, chọn lớp cho phù hợp v.v…

Mai Toàn

 


Ý kiến bạn đọc