Multimedia Đọc Báo in

Đào tạo miễn phí cấp giấy phép lái xe hạng A4: Vẫn gặp khó!

08:49, 21/01/2014
Với đặc điểm địa hình của vùng đất Tây Nguyên nói chung, Dak Lak nói riêng, chiếc xe công nông trở nên đa năng, mang lại hiệu quả kinh tế, giảm sức người. Trong bối cảnh hiện nay, xe công nông vẫn là phương tiện khó có thể thay thế đối với người nông dân. Nhưng việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe hạng A4 (được phép lái xe công nông) vẫn còn nhiều nan giải.
 
Tại tất cả các địa phương trong tỉnh, không khó để có thể bắt gặp những chiếc công nông tự chế (xe đầu dọc, đầu ngang (gọi tắt là xe công nông)) lưu thông trên đường. Mỗi xe một kiểu, chở người, chở hàng không theo quy định nào cả. Có khi trên thùng xe, người ta cắm hai cọc gỗ mắc võng nằm ngủ vô tư mặc dòng xe qua lại như mắc cửi. Một điều đáng chú ý là hầu hết các “bác tài” này đều không có Giấy phép lái xe hạng A4, chạy trên đường không tuân thủ các quy tắc giao thông. Hầu hết những người tham gia giao thông đều sợ khi lưu thông cùng với những chiếc xe tự chế này, bởi các loại xe này không có đèn báo chuyển hướng, tầm nhìn phía sau bị che khuất bởi hàng hóa cồng kềnh và người lái xe lại không có giấy phép lái xe... Những xe công nông được đặt biệt danh là “5 không”: không còi, không đèn, không đăng ký, không kiểm định và không bằng lái nên chúng như những “hung thần” đường.
 
Theo Phòng CSGT (Công an tỉnh), từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe công nông, làm 6 người chết, 6 người bị thương (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2012). Đơn cử như vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra lúc 17 giờ ngày 30-6 trên địa bàn xã Ea Knuêk (huyện Krông Pak) giữa xe máy mang BKS 47M1-173.48 do Y Miên Niê (21 tuổi, trú tại buôn Nhái, xã Ea Knuêk) điều khiển, chở phía sau Y Họp Ayun (20 tuổi, trú cùng thôn) với xe máy công nông không BKS do Y Ten Ayun (41 tuổi, trú tại buôn Riêng A, xã Ea Knuêk) điều khiển. Vụ tai nạn đã làm Y Họp Ayun chết trên đường đi cấp cứu, Y Miên và Y Ten bị thương nặng. Hay như khoảng 8 giờ ngày 5-10, anh Y Bluc Byă (31 tuổi, trú tại buôn Ea Knốp, xã Cư Ni (Ea Kar) điều khiển xe công nông chở thuê khoảng 4 tấn lúa đi từ thôn Ea Rớt, xã Cư Bông về xã Cư Ni. Khi đến đoạn đường liên thôn Ea Rớt, do đường dốc, xe công nông lại chở nặng nên đã lật nhào xuống đường khiến Y Bluc bị đè tử vong tại chỗ. Mới đây nhất, vào khoảng 18 giờ 30 ngày 23-10, tại đường liên xã thuộc thôn 9, xã Ea Ngái, huyện Krông Buk xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe máy của anh Bùi Khánh Dương (30 tuổi, trú tại buôn Xóm A, xã Cư Pơng, huyện Krông Buk) điều khiển đi từ xã Ea Ngai về xã Cư Pơng với xe công nông không BKS do anh Đoàn Công Ngà (29 tuổi, trú tại xã Pơng Drang, huyện Krông Buk) điều khiển theo hướng ngược chiều. Hậu quả, anh Dương chết tại chỗ, xe máy bị hư hỏng nặng…
Xe công nông phục vụ đắc lực cho công việc của người nông dân, nhưng không ít hiểm họa cũng đang rình rập từ loại phương tiện này
Xe công nông phục vụ đắc lực cho công việc của người nông dân, nhưng không ít hiểm họa cũng đang rình rập từ loại phương tiện này.
 
Theo báo cáo của Sở GTVT, hiện nay trên địa bàn tỉnh có tới 70 nghìn xe công nông (xe tự chế, đầu ngang, máy kéo nhỏ). Tuy nhiên, mới có 46.394 phương tiện đã được đăng ký, đăng kiểm. Qua khảo sát có tới 97% số người điều khiển máy kéo nhỏ chưa qua đào tạo cấp Giấy phép lái xe hạng A4 (đủ tiêu chuẩn lái xe công nông) nên rất khó khăn cho việc xử lý vi phạm. Nếu xử lý dứt khoát sẽ gây khó khăn cho sản xuất, trồng trọt của nhân dân, không khéo lại tạo hiệu ứng không tốt. Trước thực trạng trên, Ủy ban ATGT Quốc gia đã cấp kinh phí đào tạo Giấy phép lái xe hạng A4 cho người nông dân, được thí điểm tại Dak Lak. Trong đợt đào tạo thí điểm này, một số xã khó khăn thuộc 5 huyện là Ea Súp, M'Drak, Lak, Krông Bông, Buôn Đôn đã được chọn để đào tạo. Theo đó mỗi huyện chọn 100 người có hoàn cảnh khó khăn thuộc một số xã để được học Giấy phép lái xe hạng A4 miễn phí theo chương trình chỉ đạo của Ủy ban ATGT Quốc gia. Tuy nhiên kết quả đạt được là không như mong muốn của những người tổ chức. Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Bùi Trọng Hóa cho biết, ngay sau khi có sự hỗ trợ từ Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban ATGT tỉnh đã cùng Trường Cao đẳng Nghề số 5 triển khai thực hiện. Tuy nhiên trong quá trình làm thủ tục nhập học, rất nhiều học viên trong danh sách do các huyện gửi lên đã không đủ điều kiện học do…không biết chữ, trong đó nhiều nhất là huyện M’Drak chỉ có 60/100 học viên đủ tiêu chuẩn nhập học. Ông Bùi Trọng Hóa băn khoăn, đây là vấn đề vô cùng nan giải, bởi việc “không biết chữ” không phải là trách nhiệm của những cơ quan liên quan trong vấn đề bảo đảm an toàn giao thông. Trong khi đó, để bảo đảm số lượng học viên như yêu cầu của Ủy ban ATGT Quốc gia, các địa phương khác đã nhanh chóng lấp chỗ trống của huyện M’Drak (huyện Krông Bông 109/100, Lak 111/100). Đó mới chỉ là danh sách được duyệt bởi  nhu cầu thực tế của người dân là lớn hơn rất nhiều. Một vấn đề đáng chú ý nữa là theo báo cáo khảo sát của Trường Cao Đẳng Nghề số 5 trong quá trình tuyển sinh và đào tạo, rất nhiều trường hợp cho rằng, “cần gì phải học vì chưa có kiểm tra về Giấy phép lái xe hạng A4 đâu mà học!”.

Người điều khiển xe công nông không đủ tiêu chuẩn học, không có điều kiện học và không muốn học để được cấp Giấy phép lái xe hạng A4, nhưng xe công nông vẫn là phương tiện chưa thể thay thế. Thế nên hàng ngày, những người tham gia giao thông vẫn phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy từ phương tiện này.

Thực tế từ ngày 1-1-2008 cùng với các loại xe 3 bánh, xe công nông đã chính thức bị “khai tử”. Chính phủ ra nghị quyết cùng những phân tích về nhu cầu cấp bách, thực tiễn về một loại phương tiện vận tải tương tự, phù hợp cho đời sống, sản xuất của người dân cả nước để thay thế. Tuy nhiên cho tới nay những thông tư, chính sách, quy chuẩn...về phương tiện đó vẫn còn bế tắc.

Giang Nam

 

 


Ý kiến bạn đọc