Multimedia Đọc Báo in

Những nông dân làm giàu từ hai bàn tay trắng

09:12, 06/10/2010

Nhờ cần cù, năng động trong cách nghĩ cách làm từng bước chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, nhiều nông dân trong tỉnh không chỉ thoát nghèo, mà còn vươn lên làm giàu chính đáng…

Hiệu quả từ mô hình nuôi, trồng kết hợp
Năm 1995, gia đình anh Lãnh Văn Toàn (dân tộc Tày) từ Cao Bằng vào Dak Lak lập nghiệp, khi đặt chân đến buôn Krông, xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) gần như chỉ hai bàn tay trắng, khó khăn lắm mới dựng tạm được túp lều trú mưa, nắng để khai khẩn đất hoang trồng bắp, mì. Loay hoay mãi với cảnh nghèo khó, đến năm 2007, được Ngân hàng Chính sách - Xã hội cho vay 7 triệu đồng làm vốn, anh Toàn mua thêm một số cây, con mới như lúa cao sản, bắp lai… bò, ngan để thực hiện mô hình sản xuất khép kín, trồng trọt kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tận dụng nguồn nông sản mì, bắp, rau quả, thực phẩm dư thừa... làm thức ăn chăn nuôi, đồng thời, để xử lý chất thải từ chăn nuôi có hiệu quả, anh mua men vi sinh về ủ lấy phân bón cho cây trồng. Khi đã có vốn kha khá, anh Toàn mua máy xay xát lúa đặt tại nhà, vừa giúp bà con trong buôn không phải đi xa hàng chục cây số lên trung tâm xã xay xát như trước đây, vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình. Nhờ cần cù, ham học hỏi, biết áp dụng tiến bộ  khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, anh Toàn không những trả hết nợ cho ngân hàng mà còn có lưng vốn mở rộng quy mô sản xuất, kinh tế gia đình dần khá lên rõ rệt. Đến nay, anh có trong tay 1 ha lúa nước, 3 ha bắp, mì, 5 con bò và gần 100 con gà, ngan, thu nhập bình quân mỗi năm, trừ các chi phí lãi chừng 60 triệu đồng.

Anh Lãnh Văn Toàn.
Anh Lãnh Văn Toàn.

Kinh tế đi lên từ giống vịt bầu cánh trắng
Năm 2006, tình cờ xem truyền hình giới thiệu về cách nuôi vịt đẻ, anh Lê Văn Thục, thôn 11, xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) đã nảy sinh ý tưởng vay vốn mua 100 con vịt cỏ nuôi đẻ chạy đồng, lấy trứng bán cho thương lái, song, do là vịt chạy đồng phụ thuộc nhiều vào mùa vụ lúa nước, nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Sau nhiều năm lăn lộn với nghề, vừa chăn nuôi vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, năm 2008, anh Thục quyết định chuyển đổi từ vịt cỏ chạy đồng sang nuôi vịt bầu cánh trắng với hình thức trang trại tập trung, thả vườn. Với khuôn viên khoảng 300 m2, lợi thế gần hồ, được anh bao bọc tường rào cẩn thận, nên việc chăn nuôi ít tốn công lao động lại dễ dàng trong việc theo dõi, chăm sóc đàn hơn trước. Cùng với nuôi 2.000 con vịt mỗi năm, anh Thục còn nuôi thêm 300 con gà thịt, 200 gà sao, 300 ngan Pháp, cộng với nửa sào hồ nước anh thả cá rô phi, tạo môi trường thoáng đãng, đàn gia cầm phát triển đều, ít dịch bệnh. Anh Thục cho biết, từ khi khởi nghiệp bằng giống vịt mới đến nay, công việc vô cùng thuận lợi. Đặc biệt vịt nuôi vườn cho năng suất trứng cao hơn vịt chạy đồng từ 5 – 10%, và đều đặn với tỷ lệ đẻ đạt trên 80%, trứng lại to hơn giống vịt cỏ. Năm 2009, anh Thục đầu tư thêm lò ấp trứng lộn để bán ra thị trường thay vì chỉ bán trứng tươi như trước kia nhằm tăng thêm lợi nhuận. Bên cạnh chăn nuôi, anh Thục còn trồng thêm 5 sào lúa, 1 ha cà phê. Phân gia cầm thải ra cũng chính là  nguồn phân bón rất tốt cho cây cà phê. Với mô hình sản xuất này, mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 600 triệu đồng.
Anh Lê Văn Thục với mô hình nuôi vịt bầu cánh trắng.
Anh Lê Văn Thục với mô hình nuôi vịt bầu cánh trắng.

Làm giàu nhờ chịu khó lao động
Trước đây, cuộc sống gia đình chị Lê Thị Hợi (thôn Ea Heo, xã Ea Tân, huyện Krông Năng) rất khó khăn, hai vợ chồng vừa đi làm thuê, vừa khai khẩn đất hoang trồng rau màu, đậu, bắp để mưu sinh. Với bản tính cần cù, chịu khó, năm 2005, chị mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng 7 ha cà phê, song, do ban đầu chưa hiểu rõ về đặc tính của cây trồng, chăm bón kém nên hiệu quả còn thấp, cây chậm phát triển. Không nản lòng, chị tích cực học hỏi thêm bạn bè, đọc sách báo và tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi do địa phương tổ chức, nhờ vậy, chị dần biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong từng khâu chăm sóc, tỉa cành, bón phân… cho cà phê, từ đó, năng suất, sản lượng tăng lên đáng kể: từ 1,3 tấn cà phê nhân/ha, nay tăng lên 2 tấn cà phê nhân/ha. Lấy ngắn nuôi dài, chị tận dụng đất vườn nhà trồng 1.000 trụ tiêu, đồng thời, mùa nào thức nấy, trồng xen nhiều loại rau màu trong vườn để tăng thêm thu nhập. Bên cạnh đó, để tối ưu hóa lợi nhuận từ nguồn rau xanh, thực phẩm thừa trong gia đình, chị Hợi nuôi thêm hàng trăm con gà, ngan các loại. Chị còn mua men vi sinh về ủ phân gia cầm, vỏ cà phê để bón cho cây trồng rất hiệu quả, lại giảm được đáng kể mầm bệnh cho cây trồng, vật nuôi... Đến nay, kinh tế gia đình chị Hợi đã ổn định, thu nhập bình quân mỗi năm, trừ chi phí cũng lãi được 60 triệu đồng, năm 2009 chị đã xây dựng được một căn nhà khang trang, mua sắm phương tiện sinh hoạt và nuôi dạy 2 con ăn học đầy đủ.
Chị Lê Thị Hợi đang chăm sóc vườn rau trồng xen với các thụ tiêu.
Chị Lê Thị Hợi đang chăm sóc vườn rau trồng xen với các trụ tiêu.

 

Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc