Multimedia Đọc Báo in

Sự khác biệt vùng miền về tỷ lệ tử vong trẻ em

17:44, 07/12/2012

Theo đánh giá của Điều phối viên Liên hiệp quốc tại Việt Nam, những tiến bộ trong việc nỗ lực đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ thứ 4 (MDG4) về giảm tử vong trẻ em không đồng đều trên phạm vi cả nước và có nhiều sự khác biệt giữa các vùng miền.

Cụ thể, khả năng tử vong trước 5 tuổi của trẻ em dân tộc thiểu số cao hơn trẻ em dân tộc Kinh gấp 3 lần. Một số tỉnh còn có tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh cao hơn các tỉnh khác từ 5 đến 6 lần.

Về tiến độ thực hiện MDG4, báo cáo mới đây của Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 58‰ năm 1990 xuống còn 23,3‰ năm 2011. Như vậy, chúng ta còn tới 4 điểm nữa để đạt mục tiêu đặt ra là giảm 2/3 tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giai đoạn 1990 – 2015. Đối với tử vong trẻ dưới 1 tuổi, Việt Nam đã giảm từ 44,4 ‰ năm 1990 xuống còn 15,5‰ năm 2011 và chỉ còn thiếu 0,7 điểm để có thể đạt được mục tiêu giảm tử vong trẻ em dưới 1 tuổi xuống còn 14,8‰ vào năm 2015.

Cũng theo đánh giá của Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), tỷ lệ tử vong trẻ đã giảm đáng kể từ năm 1990, tuy nhiên, trong những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2007 đến nay, tốc độ giảm chậm lại và có sự chênh lệch đáng kể giữa thành thị và nông thôn, giữa các nhóm thu nhập khác nhau… Nguyên nhân lớn nhất khiến trẻ em tử vong là do những bệnh bẩm sinh và những yếu tố liên quan đến chăm sóc tiền sản (hơn 50% trường hợp trẻ em dưới 5 tuổi tử vong xảy ra trong vòng 28 ngày sau khi sinh). Viêm phổi và tiêu chảy là hai nguyên nhân lớn kế tiếp khiến trẻ tử vong.

Theo khuyến nghị của đơn vị này, các bộ, ban, ngành, đoàn thể có liên quan và chính quyền địa phương cần tích cực và chủ động phối hợp với ngành Y tế trong việc thực hiện các can thiệp góp phần giảm tỷ lệ tử vong trẻ em. Ngoài ra, cần tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại các địa phương; tích cực và triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số - sức khỏe sinh sản, bảo vệ bà mẹ - trẻ em và kế hoạch hóa gia đình. Bên cạnh đó, cần lưu ý một số giải pháp không tốn kém nhưng rất hiệu quả mà mọi trẻ em đều cần được tiếp cận như tiêm vắc xin; dùng dung dịch có muối và kẽm qua đường miệng; dùng kháng sinh...

K.O (nguồn website ĐCSVN)
 


Ý kiến bạn đọc