Multimedia Đọc Báo in

Ân cần cũng là phương thuốc!

08:36, 05/11/2013
Một tuần nằm điều trị tại phòng bệnh số 03, Khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Đa khoa tỉnh vì bị sốt xuất huyết, có biết bao điều tôi đã được nghe và chứng kiến tại đây: từ cảnh ngộ éo le, cuộc sống khó khăn hay giàu có đến những mệt mỏi, đớn đau, vật vã vì bệnh tật của các bệnh nhân; và còn nữa mỗi ngày như mọi ngày là tất bật công việc khám và điều trị của các y bác sĩ. Đều đặn bắt đầu một ngày mới của mỗi bệnh nhân đến điều trị ở đây là kẹp nhiệt độ, đo huyết áp, được thăm khám và vô thuốc. Vẫn như mọi lần, bác sĩ lần lượt đi từng giường bệnh, đọc hồ sơ bệnh án, kết hợp khám và hỏi cụ thể tình trạng sức khỏe hiện tại qua người bệnh rồi chỉ định dùng thuốc. Sau gần một tuần điều trị, sức khỏe dần hồi phục, khi bác sĩ đến bên giường bệnh của tôi, tôi ngồi dậy và cười rất tươi. Thay vì những câu hỏi mở đầu như nhiều ngày trước đó như: “Em còn ra máu không, còn đau đầu không?” thì hôm nay bác sĩ cũng cười rất tươi và bảo: “Nhìn em khỏe hơn nhiều rồi, mấy hôm trước thì ỉu xìu. Nhìn thấy người bệnh cười là bọn chị cũng vui lắm đấy!”. Chợt phía giường bên cạnh, một bệnh nhân nam, nhà ở xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột kêu lên, gương mặt nhăn nhó vì cô sinh viên thực tập loay hoay lấy ven mãi chưa được. Nữ bác sĩ lại gần và nhẹ nhàng: “Em phải chú ý, thực hành trên vật phẩm hoàn toàn khác với thực hiện điều trị trực tiếp trên người bệnh. Chỉ đơn giản khi thực hiện một mũi tiêm, không phải cứ tiêm là tiêm mà nhiều khi phải kết hợp quan sát cả nét mặt của người bệnh. Mình làm không cẩn trọng là họ đau lắm đấy…!”.

Chẳng bệnh nhân nào muốn gắn bó với bệnh viện cả. Với tôi những câu chuyện, cử chỉ của đôi lần thăm khám như thế cũng khiến chuỗi ngày điều trị như ngắn lại, dù mệt mỏi nhưng vẫn tìm được niềm vui. Và những câu chuyện nho nhỏ như thế càng thêm ý nghĩa, thêm ấm lòng trước sự suy giảm lòng tin của người dân khi thời gian gần đây vấn đề y đức đang bị xã hội lên tiếng do thiếu đi những cái cốt lõi nhất: đó là lương tâm và trách nhiệm của những người thầy thuốc. Càng ngẫm càng thấm thía lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lương y phải như từ mẫu”… Bệnh tật dù có đớn đau, nguy kịch nhưng ngoài những phác đồ điều trị, sự ân cần, tận tụy của y bác sĩ cũng là phương thuốc giúp người bệnh thêm niềm lạc quan để chống chọi với bệnh tật.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc