Multimedia Đọc Báo in

Biết nghe lời... con

14:43, 03/11/2013
Quan niệm “Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” từ lâu đã trở thành thứ chuẩn mực “cứng” yêu cầu con trẻ phải biết nghe lời cha mẹ. Nghe lời, lễ phép với người lớn, gọi dạ bảo vâng… được xem là những tiêu chuẩn để đánh giá một đứa trẻ ngoan hay không ngoan. Có lần, tôi và con gái cùng xem chương trình truyền hình có nội dung giáo dục lễ giáo cho trẻ. Tôi có nói với cháu đại ý rằng con phải ngoan ngoãn, lễ phép như các em bé trên ti vi. Câu trả lời của con gái “Nhưng mẹ có giống mẹ ti vi đâu” làm tôi thực sự bối rối. Có lẽ, các bậc cha mẹ cũng nên học cách nghe lời con” chăng?

Trong tương tác với người khác, người lớn có thể diễn đạt nhu cầu và lợi ích của mình theo nhiều cách khác nhau nhưng con trẻ thì thường chỉ có hai biểu hiện là nghe lời hay không nghe lời, phục tùng hay chống đối. Sự phản ứng không phục tùng của trẻ dễ khiến người lớn chúng ta tức giận và khi uy quyền không được thực thi thì bạo lực, cưỡng bức có thể xuất hiện. Trên thực tế trong mỗi gia đình, có biết bao nhiêu là ví dụ cho thấy những xung đột giữa bố mẹ và con cái bắt nguồn từ sự không thấu hiểu của bố mẹ đối với con cái của mình.

Cố gắng nghe lời con trẻ để hiểu được suy nghĩ, nhu cầu, cách nhìn của con đối với vấn đề nào đó thực sự là điều quan trọng cho cả con và cả cha mẹ. Bởi vì cách hiểu sai sẽ là đầu mối cho cách giải quyết, ứng xử sai lầm và thường thì con trẻ chịu thiệt thòi hơn.

Trong cuộc sống, có nhiều trẻ không chịu nghe lời, bị nhận xét là đứa trẻ hư. Nhưng có khi nào, người lớn nghĩ rằng, thực ra trẻ học tấm gương không chịu nghe lời từ chính người lớn. Trẻ bị buộc phải phục tùng quá nhiều thì sẽ có xu hướng áp dụng lối bắt người khác phải phục tùng lại mình. Trong chừng mực nhất định, những ông bố bà mẹ luôn chỉ huy, quyền uy đối với con mình là những người đã từng được giáo dục trong môi trường gia đình mà nguyện vọng cá nhân liên tục không được đáp ứng. Người lớn thường tưởng rằng, sự áp đặt của mình chỉ mang lại điều tốt cho trẻ nhưng đôi khi sự áp đặt đó lại là sự đối xử bất bình đẳng ngay chính với những đứa con của mình.

Tuy vậy, lắng nghe con và nuông chiều, dung túng con là hai vấn đề khác nhau. Biết lắng nghe con thực chất là để thấu hiểu con, giải thích được những hành động của con, từ đó có những cách giải quyết thỏa đáng. Lắng nghe con trẻ còn bao hàm sự khai sáng, định hướng về giá trị. Từ đó, trẻ sẽ có khả năng tự nhận thức điều gì nên làm, điều gì nên tránh, điều gì là đáng được tôn trọng và điều gì sẽ bị khinh bỉ… Điều đó thật tốt cho con, tốt cho các bậc cha mẹ và tốt cho cả xã hội.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(Video) Sôi nổi Giải Bóng đá mini nam Báo Đắk Lắk mở rộng lần thứ X – Năm 2024
Chào mừng kỷ niệm 99 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), nhằm tạo sân chơi bổ ích cho những người yêu thích môn bóng đá mini, từ ngày 13 đến 15/6, Báo Đắk Lắk đã tổ chức Giải Bóng đá mini nam Báo Đắk Lắk mở rộng lần thứ X – Năm 2024.