Multimedia Đọc Báo in

Xã Gia Điền – vùng quê ra đời bài thơ “Bầm ơi” của nhà thơ Tố Hữu

17:39, 28/03/2013

Làng Gia Điền, xã Hùng Cường, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ (cũ) trong những năm kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) là nơi làm việc của cơ quan Văn nghệ kháng chiến của Trung ương do đồng chí Tố Hữu lãnh đạo, làm việc trong căn nhà gỗ 5 gian, lợp lá cọ của bà Gái ở xóm Gốc Gạo.

Các bài thơ: Phá đường, Cá nước, Bầm ơi, Bà Bủ, Mưa rơi, Lên Tây Bắc… cùng nhiều tác phẩm khác đã được nhà thơ Tố Hữu sáng tác, biên dịch tại nhà bà Gái trong thời gian này.


Nhà thơ Tố Hữu
Nhà thơ Tố Hữu

 

Theo thổ ngữ vùng trung du Phú Thọ, Vĩnh Yên thì các cụ già được gọi là “ông bủ, bà bủ”, còn mẹ dù già hay trẻ được gọi là “bầm” và xưng là “em”. Các văn nghệ sĩ cũng “nhập gia tùy tục”, gọi bà Gái chủ nhà là “bầm”,  xưng mình là “em”. Bà Gái mới gần 60 tuổi đang là mẹ của một chiến sĩ vệ quốc đoàn – anh Phùng Văn Khải đã xung phong tòng quân hơn một năm trước đó.

Nhà thơ Tố Hữu sáng tác bài thơ “Bầm ơi” xuất phát từ tâm tư tình cảm của bà Gái với người con trai xa nhà.

Ban ngày, bà Gái vẫn vác cuốc lên đồi, xuống ruộng tăng gia, tối về các văn nghệ sĩ cứ thấy bà vẻ mặt đượm buồn, có khi thút thít khóc bên căn nhà ngang vì thương nhớ anh Khải đã lâu không thấy “đánh thư” về. Để giúp bà Gái nguôi ngoai nỗi nhớ, niềm thương người con trai đánh giặc xa nhà, anh em văn nghệ sĩ đã thống nhất kế hoạch viết một bài thơ mạo danh anh Khải gửi về cho bầm, đem đọc cho bà Gái nghe.

Nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác bài thơ “Bầm ơi” thật tình cảm, thiết tha, đầy tình mẫu tử nhớ thương:

“Ai về thăm mẹ quê ta,

Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm,

Bầm ơi có rét không bầm,

Heo heo gió núi lâm thâm mưa phùn,

Con đi trăm núi ngàn khe,

Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm

Nhớ thương con, bầm yên tâm nhé,

Bầm của con, mẹ Vệ Quốc Quân

Con đi mỗi bước gian lao,

Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm,

Bao bà cụ từ tâm như mẹ,

Yêu quý con như đẻ con ra,

Cho con nào áo, nào quà,

Cho củi con sưởi, cho nhà con ngơi,

Con đi con lớn lên rồi,

Chỉ thương bầm ở nhà ngồi nhớ con,

Nhớ con – bầm nhé đừng buồn,

Giặc tan con lại sớm hôm cùng bầm,

Mẹ già tóc bạc hoa râm

Chiều nay chắc cũng nghe thầm tiếng con”

Bài thơ làm xong vài hôm, anh em văn nghệ sĩ nói dối là thơ của anh Khải gửi về và ra xã nhận hộ, rồi cử một người đọc chậm từng câu để bà Gái nghe cho rõ. Nghe xong, nét mặt bà Gái rạng rỡ hẳn lên và nói với mọi người:

“Thằng Khải nó thương tôi quá nhỉ, lại còn bảo tôi “Nhớ con bầm nhé đừng buồn, giặc tan con lại sớm hôm cùng bầm”. Khi chưa đi “Vệ quốc” nó ít lời lắm, đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn. Giá mà nó được chỉ huy (lãnh đạo đơn vị) cho về phép, tôi sẽ cưới vợ cho nó, nó sẽ đẻ thằng cu hay con cún rồi nó lại đi đến bao giờ mặc nó, “trai thời loạn, gái thời bình mà”.

Việc làm không đúng sự thật của anh em văn nghệ sĩ, người thực là nhà thơ Tố Hữu đã thắng lợi hoàn toàn. Bà Gái thì thanh thản thoải mái hơn, ít khi nghe thấy bà thút thít khóc vì nhớ con như trước.

Bài thơ “Bầm ơi” được đăng trên báo “Vệ Quốc Quân”, “Quân du kích”, có người đồng đội của anh Khải đã chép gửi về quê tặng mẹ, tặng bầm mình ở tận Vĩnh Yên, Thanh Hóa.

Ba chục năm trước đây, Đại tá Phùng Văn Khải đến thăm nhà thơ Tố Hữu ở Hà Nội để cảm ơn tác giả bài thơ “Bầm ơi” đã động viên, an ủi mẹ anh yên tâm khi tạm xa anh. Tố Hữu đã gửi tặng nhân vật trong bài thơ “Bầm ơi” 3 mét vải lụa – quà của Bác Hồ tặng con gái đầu lòng của ông khi mới ra đời.

Sau 50 năm xa cách, tháng 4-1997 nhà thơ Tố Hữu đã trở lại Gia Điền. Ông đã đến ngay xóm Gốc Gạo, thăm lại căn nhà bà Gái ngày xưa, nhưng bà đã quy tiên 10 năm trước đó và nghe lãnh đạo xã Gia Điền (nay đã được chia tách thành xã riêng) báo cáo tình hình kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân trong xã.

“Uống nước nhớ nguồn”, để tri ân một vùng quê đất Tổ Hùng Vương, cái nôi của nền Văn nghệ kháng chiến năm xưa, nhà thơ Tố Hữu đã cho xây một tấm văn bia kỷ niệm ngay trên mảnh vườn – nền nhà bà Gái năm xưa, ghi rõ: Nơi đây là nơi làm việc của Hội văn nghệ kháng chiến 9 năm chống Pháp (1945-1954).

Thái Sơn


Ý kiến bạn đọc