Multimedia Đọc Báo in

Lịch sử Điện ảnh Việt Nam và phát hành phim - chiếu bóng Dak Lak

11:06, 16/03/2013

Trong bối cảnh gay go, quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 15-3-1953, tại đồi Cọ, bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 147/SL thành lập “Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam”.

Các nghệ sĩ  biểu diễn  cổ động cho đợt phim chào mừng bầu cử Quốc hội khóa XII.
Các nghệ sĩ biểu diễn cổ động cho đợt phim chào mừng bầu cử Quốc hội khóa XII.

Ngay từ khi mới thành lập, điện ảnh đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, động viên toàn dân tham gia kháng chiến chống xâm lược. Năm 1959, bộ phim truyện Việt Nam đầu tiên “Chung một dòng sông” đã ra đời và gây tiếng vang lớn. Sau thành công của phim “Chung một dòng sông” là một loạt phim về đề tài cách mạng, về kháng chiến chống thực dân như: “Chim vành khuyên”, “Chị Tư  Hậu”, “Kim Đồng”, “Lửa trung tuyến”…; trong lĩnh vực phim tài liệu và phim hoạt hình cũng có nhiều phim xuất sắc như: “Nước về Bắc Hưng Hải”, “Cây tre Việt Nam”, “Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi”. Chỉ trong 5-6 năm, điện ảnh Việt Nam đã có thể sản xuất các thể loại phim, có những tác phẩm trở thành kinh điển và đi vào lịch sử điện ảnh dân tộc.

Dạ hội  điện ảnh tại huyện Cư M’gar chào mừng  Đại hội  lần thứ XI  của Đảng.
Dạ hội điện ảnh tại huyện Cư M’gar chào mừng Đại hội lần thứ XI của Đảng.

Năm 1965, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và đưa quân xâm lược miền Nam. Cả nước tiến hành cuộc chiến tranh thần thánh, miền Bắc vừa xây dựng CNXH vừa chống chiến tranh phá hoại, miền Nam tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Trong thời kỳ này nhiều bộ phim truyện xuất sắc đã ra đời như: “Nổi gió”, “Đường về quê mẹ”, “Chuyện vợ chồng anh Lộc”, “Vĩ tuyến 17, ngày và đêm”…, phim tài liệu thời sự gồm: “Đầu sóng ngọn gió”, “Những người dân quê tôi”, “Lũy thép Vĩnh Linh”…, phim hoạt hình có: “Con khỉ lạc loài”, “Chuyện ông Gióng”, “Khăm phạ-nàng Ngà”… Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, các văn nghệ sĩ ngành điện ảnh ở miền Bắc đã được biên chế thành những người lính xung kích bám sát các đoàn quân, cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn và đã thực hiện được nhiều bộ phim có giá trị như: “Thành phố lúc rạng đông”, “Đường tới thành phố”, “Những bước chân thắng lợi”, “Sài Gòn tháng 5 năm 1975”. Trong 15 năm (từ 1960-1975) gần 300 cán bộ, nghệ sĩ điện ảnh đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc; hai người được phong Anh hùng Lao động.

Đất nước thống nhất, văn nghệ sĩ điện ảnh hai miền bắt tay xây dựng nền điện ảnh mới, thành lập nhiều hãng sản xuất phim, và đã có những bộ phim: “Cánh đồng hoang”, “Sao tháng Tám”, “Bao giờ cho đến tháng mười”, “Mối tình đầu” và xuyên suốt chiều dài xây dựng đất nước, điện ảnh đã có bước nhảy vọt.

Những năm 90 của thế kỷ trước, điện ảnh gặp nhiều khó khăn khi nền kinh tế thực hiện theo cơ chế thị trường, bắt đầu có sự cạnh tranh trong sản xuất và phổ biến phim. Nhưng cũng nhờ vậy, sản phẩm điện ảnh rất đa dạng, giá trị nghệ thuật được nâng cao đáng kể, nhiều phim đoạt được giải thưởng Quốc gia, quốc tế như: “Áo lụa Hà Đông”, “Dòng máu anh hùng”, “Sài Gòn nhật thực”…

Ngày 19-6-2006, Quốc hội Khóa XII đã thông qua Luật Điện ảnh, đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất tạo điều kiện cho điện ảnh phát triển trong thời kỳ mới.

Với truyền thống 60 năm, những nghệ sĩ và những người hoạt động điện ảnh đang nỗ lực để xây dựng nền điện ảnh Việt Nam theo hướng hiện đại, đổi mới và hội nhập.

Cùng với sự phát triển của điện ảnh cả nước, hoạt động điện ảnh ở Dak Lak được hình thành trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Mùa xuân năm 1967, Bộ Chỉ huy mặt trận Tây Nguyên cử đội chiếu bóng đầu tiên đem phim ảnh cách mạng phục vụ nhân dân, chiến sĩ vùng căn cứ và vùng giải phóng phía Nam tỉnh Dak Lak, đội lập lán trại tại đồi Chư Dlông (đồi điện ảnh) bên suối Krông Bông thuộc buôn Chăm Jú, H9 (nay là xã Cư Drăm, huyện Krông Bông).

Tháng 10-1972, Đội chiếu bóng 16 ly được thành lập tại H2 (Buôn Hồ) do đồng chí Nguyễn Khoa Kỳ và đồng chí Nguyễn Đình Chiến phụ trách; Đến năm 1974 đã có 3 đội chiếu bóng do các đồng chí Nguyễn Kim Tuấn, Đỗ Trung Cương, Lý Văn Mỳ, Vương Văn Phúc và Nông Xuân Thu đảm nhận.

Chiến dịch tiến công vào Buôn Ma Thuột, các đơn vị chiếu bóng đã đến với đồng bào các dân tộc Dak Lak do đồng chí Nguyễn Đăng Nhật và Nguyễn Kim Tuấn phụ trách.

Từ một đơn vị nhỏ, thiết bị thô sơ, đến nay hoạt động phổ biến phim và mạng lưới chiếu bóng đã có khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Sau ngày thống nhất, điện ảnh Dak Lak chủ yếu là các đơn vị chiếu bóng lưu động và đây là những mũi nhọn xung kích hướng về cơ sở, phục vụ vùng sâu, vùng xa. Đã có những tấm gương hy sinh trong khi làm nhiệm vụ như các liệt sĩ: Y Branh Niê, Lương Xuân Bắc, Nguyễn Bá Hoàng (Đội chiếu bóng số 10) và Đỗ Thịnh Trường (rạp Kim Đồng).

Ngày 2-3-2004, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 121/QĐ-UB thành lập Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng, là đơn vị sự nghiệp có thu. Từ khi được thành lập đến nay, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng đã vượt qua khó khăn, làm tốt nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, góp phần nâng cao dân trí và định hướng thẩm mỹ cho nhân dân.

Trải qua hơn 45 năm hoạt động và trưởng thành, điện ảnh Dak Lak giành được thành tựu đáng tự hào, góp phần vào thành tựu chung của điện ảnh Việt Nam.

Một sự kiện không thể không nhắc đến là Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 14 vào tháng 11-2004 được tổ chức tại Buôn Ma Thuột. Đây là niềm vinh dự không những của điện ảnh Dak Lak mà còn là niềm tự hào của tỉnh nhà lần đầu tiên đăng cai một sự kiện trọng đại của điện ảnh. Thành công của Liên hoan Phim lần thứ 14 được ghi nhận với hơn 72.000 lượt khán giả tham gia, để lại ấn tượng sâu đậm cho các đại biểu, nghệ sĩ, diễn viên và công chúng khán giả trên toàn quốc. Dak Lak cũng đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị tổng kết 5 năm công tác chiếu bóng lưu động toàn quốc 2006-2011 vào dịp kỷ niệm 36 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ III, năm 2011...

Với những cống hiến đóng góp trong 45 năm qua ngành Điện ảnh Dak Lak đã được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công Hạng 3 (năm 1980) và các bộ, ngành khen thưởng như: Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên Phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam, UBND tỉnh...; trong đó các năm 2004 và 2007 được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc ngành Điện ảnh.

Hữu Tuyên


Ý kiến bạn đọc