Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về nghề in sách xưa

14:01, 13/10/2012

Từ thế kỷ XI, nghề in mộc bản  đã ra đời ở nước ta. Đến thế kỷ XV-XVII nghề in đã bắt đầu phát triển. Từ thế kỷ XVIII-XIX, nghề in ván gỗ đã đạt nhiều thành tựu với nhiều các nhà in được hình thành, với số lượng sách in ra rất lớn ở nhiều lĩnh vực. Như sách của nhà nước gồm các bộ sử, thi văn của các vua, các bộ địa chí…; sách của nhà chùa như kinh Phật; sách của nhà in tư nhân có những sách liên quan đến học hành thi cử của sĩ tử như tứ thư, ngũ kinh, kinh điển của Nho gia… Ngoài ra các in tư nhân còn cho in các truyện Nôm như : Nhị độ mai, Tống Trân – Cúc Hoa, Lý Công, Hoàng Trừu, Phạm Công – Cúc Hoa, Trạng Quỳnh…để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận trí thức, dân chúng đương thời.

Một trang in của nhà sách Hải Học đường.
Một trang in của nhà sách Hải Học đường.

Khắc ván là khâu quan trọng nhất, đồng thời cũng là khâu cuối cùng trong việc hình thành cuốn sách chữ Hán-Nôm được khắc in. Để có những bộ sách tốt, thì công việc khắc ván là yếu tố quyết định. Theo tác giả H.Oger trong cuốn Kỹ thuật của người An Nam cho biết nghề khắc in của nước ta như sau: "Một người giỏi thi pháp viết bản văn lên tờ giấy bản xứ. Đây là loại giấy trong suốt, như ta đã biết. Các tờ giấy này sau đó được giao cho thợ khắc gỗ. Người thợ này dán chúng lên một tấm gỗ rất cứng gọi là gỗ thị (cây thị, hay nước mắt của Jacob). Loại gỗ cứng này không bị côn trùng làm hỏng. Nó rất  ăn mực nên chữ in lên đó rất rõ nét, đẹp. Một ít dầu bôi trên tấm gỗ làm hiện ra các nét chữ chưa rõ. Đến đây, người thợ khắc bắt đầu công việc của mình: loại bỏ các phần trắng. Sau đó, bản khắc được giao cho thợ in. Phần lớn các xưởng in được đặt trong chùa. Nhờ đó, chúng có lợi thế là không phải trả tiền thuê địa điểm và có thể tập trung những đồ nghề cồng kềnh mà không phải lo lắng gì. Phụ nữ được huy động in các sách rẻ tiền. Đàn ông in các sách kinh điển, đắt tiền, rất đẹp được dùng trong các tu viện Phật giáo. Người phụ nữ ngồi bệt dưới đất. Phía trước là một cái bàn gọi là yên. Dùng một cây chổi rơm với đầu chổi rất dày, chị phết mực lên trên bản khắc. Rồi chị nhẹ nhàng đặt một tờ giấy lên trên đó. Tiếp đến, chị quét nhẹ lên mặt giấy bằng một loại “bàn chải-xốp” được làm từ sợi của một loại cây họ bầu bí gọi là xơ mướp. Nếu dùng mực Tàu loại tốt và với một chút khéo léo, người thợ sẽ làm ra được một bản in không phai, với độ lăn mực tuyệt đẹp".

Thợ khắc in nổi tiếng trong cả nước phần lớn ở làng Hồng Lục, Liễu Tràng (Hải Dương) mà ông tổ nghề in mộc bản là Lương Như Hộc. Nhiều bộ sách nổi tiếng của triều Nguyễn đã được thợ khắc in ở Hồng Lục, Liễu Tràng đảm nhiệm. Tiêu biểu có Đại Việt sử ký toàn thư, Tân biên truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú. Thợ khắc in cũng phải biết qua Hán học, ít nhất cũng phải biết được các bộ thủ của chữ Hán, hiểu biết ý nghĩa của một số chữ thông dụng. Thợ khắc ván in phải khéo léo tỉ mỉ, kiên nhẫn mới có thể tránh được sai sót, bởi khắc ván in là khắc ngược nên việc có một bản in tốt là rất quan trọng. Ván khắc in đa phần làm từ gỗ thị, bào nhẵn hai mặt theo các kích cỡ khác nhau phù hợp với từng loại sách. Sau khi có bản khắc ngược thì tiến hành in ra giấy và đóng thành quyển sau đó đem cho lưu hành.

Là nơi sản sinh những thợ khắc in nổi tiếng nên ở Hải Dương có nhà in Hải Học đường (1814 - 1881), nổi tiếng cấp trấn trong khu vực nhà in tư nhân, có thể so với các nhà in khác cùng thời như Quan Văn Đường, Quảng Thịnh Đường, Thịnh Văn Đường, Hữu Văn Đường, Áng Hiên Hiệu, Đông Kinh (Hà Nội), Hướng Thiện Đường (Hải Hưng), Ninh Phúc Đường (Hà Nam)… Việc in ấn rất phức tạp và rất tốn kém. Chỉ có các phường hội, nhà chùa hay các nhà in lớn như Quốc sử quán triều Nguyễn (Huế) của nhà nước mới có khả năng thực hiện việc in ấn. Nếu các tư nhân làm được thì cũng phải là những người có thế lực, làm quan lớn hoặc giàu có (cho nên mặc dù nghề in sách mộc bản của nước ta phát triển khá sớm nhưng số lượng sách viết tay vẫn chiếm 70% số sách Hán Nôm hiện còn ngày nay). Tuy nhiên với lòng đam mê văn chương và trước tác, học thuật nước nhà, viên quan Ân Quang hầu Trần Công Hiến đã sáng lập nên việc Hải Học đường. Tồn tại trong suốt gần 1 thế kỷ, nhờ một số thành viên khác kế tục như Trần Đạm Trai, Trung Chính, Bùi Dã Sĩ… Hải Học đường đã biên soạn và khắc in một khối lượng tác phẩm đồ sộ mà ít có nhà in tư nhân làm được .

Ân Quang hầu Trần Công Hiến (? - 1817), hiệu là Vạn An, vốn quê Chương Nghĩa, Quảng Ngãi. Ông xuất thân trong một gia đình dòng dõi Nho gia, từ nhỏ đã rất ham học, có khí tiết. Song vì sớm mồ côi cha nên nghiệp đèn sách của ông bị lỡ dở. Tuy nhiên, ông lại đóng góp rất nhiều công trạng với vương triều Nguyễn. Khi cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn phân tranh, rồi đến nhà Tây Sơn, đất nước loạn lạc, ông không thể làm ngơ được. Ông tìm về với chúa Nguyễn ở Đàng Trong, đến yết kiến Nguyễn Ánh ở Thị Nại, dâng mật kế. Từ đó ông được giao trọng trách qua lại các vùng Bình Hòa, Bình Thuận, Phú Yên và Quy Nhơn, chiêu mộ binh sĩ, chiêu dụ các sách người Man. Khi Gia Long mang quân ra bắc thu phục Thăng Long, thống nhất đất nước và cắt cử tướng tài coi giữ Bắc Hà, Trần Công Hiến được cử làm Trung quân chính thống hậu đồn kiêm lý ngũ đồn Hành tham quân sự Khâm sai chưởng cơ kiêm làm Trấn thủ Hải Dương. Khi ông mất mộ được xây dựng ở thôn Mỹ Huệ, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn cùng với mộ của trưởng đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật ở thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn.

Với tính ham học, yêu thích văn thơ, khi làm trấn thủ Hải Dương, mặc dù công việc bận rộn song ông vẫn chú ý tới việc mở mang học hành, trước tác, biên thuật. Ông lại vốn thích thơ ca quốc âm, đã tự mình diễn ra quốc âm tác phẩm Đại Việt thủy lục trình ký ... Ngoài ra ông đã tự bỏ tiền túi sáng lập tổ chức Hải Học đường, cho sưu tầm các bản cổ về biên tập, hiệu đính, cho khắc in rồi công bố ban hành, in ấn kinh sách thơ văn, như Bạch Vân am thi tập, Danh thi hợp tuyển, Hải học danh thi tuyển, Danh phú hợp tuyển, Hoàng Lê ứng chế thi, Lịch đại sách lược, Lịch khoa sách lược, Ứng chế tứ lục tuyển, Sử tập toản yếu, Hải Dương phong vật chí, một số trong những tác phẩm đó hiện nay vẫn còn bản gốc tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia.

Nhiệm vụ của Hải Học đường là sưu tầm các văn bản cổ, gồm hai loại: một là thơ văn danh nhân ở Hải Dương và cả nước, hai là những tài liệu tham khảo dùng cho việc giảng dạy và đào tạo nhân tài. Trong lĩnh vực sưu tầm tài liệu tham khảo dùng cho việc giảng dạy và đào tạo nhân tài cho đất nước, Hải Học đường sưu tầm được những tác phẩm nổi tiếng như Ứng chế tứ lục tuyển, Hoàng Lê ứng chế thi, Lịch khoa sách lược, Danh văn tinh tuyển…, trong đó nhiều thể loại dùng làm mẫu để giảng dạy, phục vụ cho việc học hành thi cử, từ thơ phú, dụ, luận, minh, tụng, văn tứ lục, văn sách của danh nhân các đời. Công việc này của Hải Học đường có một ý nghĩa hết sức to lớn trong việc giúp hàng ngàn sĩ tử đương thời có tài liệu học tập cần thiết và còn giữ lại cho ngày nay mảng văn chương khoa cử thời phong kiến. Ở lĩnh vực chỉnh lý biên tập, viết lời tựa và giới thiệu sách, Hải Học đường cũng đã cho khắc in tác phẩm của các tác giả nổi tiếng như Nguyễn Hiền, Mạc Đĩnh Chi, Lê Quý Đôn, Đặng Trần Côn, Nguyễn Du, Phan Huy Ích, Phạm Quý Thích…, đặc biệt là những tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Nguyễn Huy Khuyến


Ý kiến bạn đọc