Multimedia Đọc Báo in

Gặp lại con gái cố nghệ nhân Điểu Kâu

09:47, 29/08/2011

Điểu Thị Mai là con gái của cố nghệ nhân Điểu Kâu, đang sinh sống ở bon Bu Prâng, xã Dak Ndrung, huyện Dak Song, tỉnh Dak Nông. Từ một người chỉ biết nương rẫy, chồng con, chị đã trở thành nữ nghệ nhân trẻ của làng bon M’nông, chăm chút, nâng niu những giá trị di sản văn hóa của dân tộc mình. Đây cũng là nét đặc biệt gây ngạc nhiên, thú vị cho những ai quan tâm đến cao nguyên M’nông.

Những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi chúng tôi- cán bộ nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian của tỉnh Dak Lak đến với làng bon xa xôi của người Bu Noong (nhóm địa phương của dân tộc M’nông) ở huyện Dak Nông (tỉnh Dak Lak cũ) để tìm hiểu về tộc người này thì Điểu Thị Mai còn là một cô gái nhỏ, e thẹn, ít nói, bám vào cha không rời. Không có bàn tay mẹ chăm sóc nên cô gái này đã sớm chăm lo việc gia đình, nhất là việc kiếm củi, hái rau rừng, nấu cơm nấu nước giúp cha. Với sự nết na, hiền lành và đảm đang, Điểu Thị Mai được một chàng M’nông khỏe mạnh, đẹp trai cùng làng đem lòng yêu thương và cưới làm vợ. Hai vợ chồng siêng năng, chí thú làm ăn, suốt ngày lo chuyện rẫy nương. Họ có nhiều rẫy cà phê rộng, tươi tốt sum suê, thu hoạch năm sau cao hơn năm trước, cuộc sống càng ngày càng khấm khá.  Thỉnh thoảng Mai cùng cha đón tiếp các chuyên gia nhà nghiên cứu đến nhà lưu lại dài ngày cùng sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa dân gian M’nông. Điểu Thị Mai không ngại khó, sẵn sàng làm “chị nuôi”, lo nấu cơm, nấu nước vừa phục vụ gia đình và vừa chăm lo cho đoàn công tác. Lúc ấy, Mai chưa quan tâm nhiều đến vốn văn hóa của dân tộc mình.

Điểu Thị Mai đang diễn tấu cồng chiêng trong Liên hoan cồng chiêng Tây Nguyên
Điểu Thị Mai đang diễn tấu cồng chiêng trong Liên hoan cồng chiêng Tây Nguyên
Cha của Mai, nghệ nhân Điểu Kâu là trí thức dân tộc M’nông nổi tiếng. Ông có công đối với việc giáo dục, dạy chữ cho bà con M’nông ở tỉnh Quảng Đức (cũ). Sau giải phóng, nhất là từ khi phát hiện sử thi M’nông (Ot N’rông), Điểu Kâu đã tham gia sưu tầm, biên dịch nhiều sử thi M’nông. Các bác, cô chú, bà con trong làng được “huy động” đến nhà Điểu Kâu để hát kể sử thi, kể chuyện cổ tích, đánh cồng chiêng, biểu diễn các nhạc cụ truyền thống. Ngôi nhà như một “trung tâm” sinh hoạt văn hóa dân gian của làng. Nhiều tập sách về sử thi, truyện cổ, lời nói vần của dân tộc M’nông được in và chuyển về làng nơi Điểu Thị Mai sinh sống. Trong nhà cũng càng ngày càng có nhiều hơn những tập sách mà cha Điểu Thị Mai - nghệ nhân Điểu Kâu cùng đứng tên biên soạn cùng các bằng khen, giấy khen, giải thưởng do Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và một số cơ quan, đơn vị, ngành từ trung ương đến địa phương, nhất là Hội Văn học Nghệ thuật, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh tặng cho nghệ nhân Điểu Kâu. Đứa con gái thương yêu và trân trọng thành tích của cha mình nên giúp cha gìn giữ, bảo quản như báu vật của gia đình. Khi cha mất, Mai đóng khung, treo trên tường. Sách của cha để lại, vợ chồng Mai cũng sắm một tủ riêng để đựng. Chắc cha cô ngậm cười nơi chín suối vì người con gái hiếu thảo đã biến nhà mình thành Nhà lưu niệm Điểu Kâu, tôn vinh những thành tựu của cha về nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian M'nông.

Với truyền thống của gia đình, Mai sớm cảm nhận, tiếp thu vốn văn hóa của dân tộc mình một cách tự nhiên như sông suối Tây Nguyên đón nhận nước trên ngọn nguồn. Ngoài người cha rất am hiểu văn hóa dân gian M'nông, bác ruột Điểu Klứt, chú ruột Điểu Glung đều là những nghệ nhân hàng đầu về diễn xướng sử thi M'nông. Nói về truyền thống hát sử thi của gia đình, Điểu Thị Mai tâm sự: “Từ nhỏ tôi đã nghe các bác, cô chú và cha mình quây quần hát kể sử thi hằng đêm, thích lắm, tôi tập hát theo và ham mê lúc nào không hay. Sau này lớn lên, mặc dầu những sinh hoạt như thế thưa dần nhưng nhờ có sự chỉ dạy của cha, tôi đã ý thức được trách nhiệm của mình trong công tác bảo tồn nên cố học hỏi. Nhờ thế mà tôi có thể hát được cả chục sử thi, diễn tấu cồng chiêng, múa và sử dụng được một số nhạc cụ khác”. Điểu Thị Mai tích cực tham gia vào các đội cồng chiêng các hoạt động văn hóa của bon. Với sự tham gia của chị, đội chiêng xã Dak Ndrung luôn được đánh giá xuất sắc, diễn tấu được nhiều bài bản cổ. Chị cùng với các thành viên trong đội cồng chiêng còn được mời đi biểu diễn ở nhiều hội diễn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh.

 Điểu Thị Mai đang dịch sử thi M’nông
Điểu Thị Mai đang dịch sử thi M’nông
Từ ngày nghệ nhân Điểu Kâu mất, không ai có thể dịch được sử thi M’nông. Hàng loạt đĩa cassette và nhiều trang phiên âm tiếng M’nông lặng câm bởi không có người giải mã nội dung của nó. Điểu Thị Mai biết được ý nguyện của cha mình muốn con gái tiếp nối công việc khó khăn mà ông đã từng làm. Lúc sinh thời, Điểu Kâu đã hướng dẫn cho một vài người cách dịch sử thi nhưng không ai có đủ kiên nhẫn, quyết tâm để theo đuổi công việc này. Người hát hay, giọng tốt nhưng không có phương pháp phiên âm, không đủ vốn tiếng Việt để dịch hoàn chỉnh một câu chuyện sử thi dài cả trăm trang giấy trong khi đó, dịch sử thi M’nông ra tiếng Việt là khâu quan trọng nhất.

Tuy chưa được cha truyền dạy, nhưng Điểu Thị Mai đã âm thầm thâu nhận, nắm bắt công việc mà cha đã làm. Đến nay, Mai chẳng những hát kể được một số sử thi mà còn phiên âm tiếng M’nông, dịch ra tiếng Việt. Thấy Mai làm được, Viện Văn hóa đã khuyến khích, “đặt hàng” cho cô dịch thuật một số sử thi và bước đầu thành công. Trong nhà Mai có một tủ đựng đĩa cassette, bút, vở ghi chép. Những lúc rỗi, Mai lại bấm máy cassette để nghe nội dung rồi ghi ra vở, sau đó sắp xếp lại thành những câu thơ, vần điệu sử thi giống như cách mà cha cô đã làm trước đây. Ước muốn của Mai là không chỉ “làm” sử thi mà còn sưu tầm truyện cổ, ca dao tục ngữ, ẩm thực của dân tộc M’nông. Khi gặp lại Điểu Thị Mai lúc này, tôi tin rằng cô sẽ thực hiện được những tâm nguyện của cha.

Tấn Vịnh

Ý kiến bạn đọc