Multimedia Đọc Báo in

Họa sĩ Hồ Hậu - Vẽ tranh bằng cả tâm hồn

17:14, 23/07/2011
Họa sĩ Hồ Văn Hậu (bút danh Hồ Hậu), sinh năm 1981, hiện là hội viên Chi hội Mỹ thuật (Hội Văn học - Nghệ thuật Dak Lak), được biết đến là một trong những họa sĩ có phòng trưng bày tranh lớn nhất, nhì tại TP. Buôn Ma Thuột hiện nay. Đề tài anh tâm đắc nhất là vẽ về miền đất đỏ cao nguyên với những tập tục sinh hoạt của đồng bào các dân tộc bản địa, nơi anh đã gắn bó từ tuổi ấu thơ. Tranh của anh có nhiều dáng vẻ mới lạ, nhiều cách thể hiện khác nhau, có thể đầy tính truyền thống trong tác phẩm “Tiếng Chiêng”, đầy trừu tượng trong chuỗi tác phẩm “Mầm sống”, đầy thiết tha trong tiếng gọi bảo vệ môi trường qua tác phẩm “S.O.S” hay đầy lãng mạn, bay bổng ở chuỗi tác phẩm “Sự chờ đợi” được anh sáng tác dựa trên câu chuyện tình yêu cảm động của đôi trai gái thời chiến chinh…
 
Sinh ra và lớn lên tại Dak Lak, cả gia đình không ai đam mê hội họa nhưng ngay từ khi còn là một cậu bé, Hồ Hậu đã thể hiện khả năng hội họa một cách đặc biệt. Tốt nghiệp Trung học phổ thông, anh quyết định thi vào ngành hội họa - khoa Sơn dầu - Trường Đại học Mỹ thuật (TP. Hồ Chí Minh). Sau 5 năm miệt mài trên giảng đường đại học, tốt nghiệp, ra trường (năm 2004), Hồ Hậu quay trở về Dak Lak để bắt đầu sự nghiệp. Mang trong mình niềm đam mê và hoài bão của tuổi trẻ, anh đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm mang hơi ấm, sức sống của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa. Tuy tuổi đời cũng như tuổi nghề còn rất trẻ nhưng anh đã có hàng trăm bức tranh vẽ về sinh hoạt văn hóa đậm bản chất Tây Nguyên, về tuổi thơ chốn quê nhà và về những gì anh cảm nhận được. Anh luôn đắm mình trong công việc, dành tất cả thời gian cho những bức tranh. Chính nhờ đó mà tranh của anh như là phiên bản ánh sáng từ những mảnh tâm linh màu nhiệm. Chẳng hạn như trong bức tranh “Tiếng Chiêng”, chỉ vài nét chấm phá tác giả đã thể hiện nét truyền thống trong tác phẩm, đó là tiếng chiêng ngân vang giữa đại ngàn bao la, như kêu gọi réo rắt. Qua bức tranh người thưởng lãm có thể hình dung được “Tiếng Chiêng” như một sợi dây liên hệ giữa âm và dương, giữa con cháu với tổ tiên, với người đã khuất. Hoặc như bức “Rừng Khộp” tác giả miêu tả những cánh rừng bạt ngàn màu xanh giữa đại ngàn, là không gian yên tĩnh bao la, tránh xa chốn thị thành ồn ào, hay ở những bức tranh vẽ về hoa sen tác giả lại muốn tô thêm vẻ đẹp mặn mà, thanh khiết của loài hoa đã được chọn làm Quốc hoa của Việt Nam. Hay đặc biệt hơn như bức tranh “S.O.S” (từng đoạt giải tặng thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2005-2010) là lời cảnh báo về bảo vệ môi trường sống và sự ô nhiễm của môi trường…
Tác phẩm S.O.S đã từng nhận được giải tặng thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2005-2010.
Tác phẩm S.O.S đã từng nhận được giải tặng thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2005-2010.
Cuối tháng 7 này, anh sẽ mang chuỗi Serie gồm 5 tác phẩm có tên “Sự chờ đợi” đi tham gia “Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên” ở TP. Huế. Đây là sáng tác mới nhất của anh, 5 bức vẽ này được anh xây dựng dựa trên câu chuyện tình yêu lãng mạn của đôi trai gái thời chiến chinh. Câu chuyện được kể tóm tắt như sau: “Ở một làng nọ, có một đôi trai gái yêu nhau đắm đuối. Một ngày kia, chiến tranh xảy ra, chàng trai phải theo “tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc” lên đường cầm súng đánh giặc, bảo vệ quê hương, đất nước. Tình yêu của họ bị “ngăn sông cách núi” bởi chiến tranh, hai người đành phải chia tay. Trước lúc lên đường nhập ngũ, chàng trai và cô gái đã có một hẹn ước với nhau. Sau này, nếu cô gái có ý định đợi chờ chàng trai quay trở về thì sẽ để lại dấu hiệu để chàng trai nhận ra người yêu của mình vẫn thủy chung đợi chờ. Dấu hiệu đó là treo giải “ruy băng” lên ngọn cây cao đầu làng. Ngược lại, nếu chàng trai quay về mà không thấy dấu hiệu đó coi như cô gái đã “bội thề”, chàng trai sẽ ra đi mãi mãi và không bao giờ quay về làng nữa. Và thật bất ngờ, khi chiến tranh kết thúc, chàng trai về tới đầu làng thì đã thấy nguyên 1 cái cây cổ thụ, trắng xóa 1 màu của rất nhiều giải “ruy băng”. Điều đó khẳng định rằng: Qua năm tháng, gian khổ thì cô gái vẫn thủy chung đợi chờ”. 
 
Đề tài sáng tác mà Hồ Hậu luôn hướng đến là văn hóa truyền thống Tây Nguyên và cuộc sống đương đại của các dân tộc. Ngoài ra, họa sĩ Hồ Hậu còn có rất nhiều tác phẩm thuộc chủ đề: phong cảnh, tĩnh vật, những cảm xúc về đời sống xã hội đất nước con người ở các vùng, miền. Những buôn làng vùng sâu, vùng xa, những cánh rừng hoang sơ, u ám, những cảnh sinh hoạt bình thường của con người… đã trở nên có sức sống trong tranh Hồ Hậu.
          Thế Hùng

Ý kiến bạn đọc