Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ việc cộng đồng gìn giữ buôn làng

09:29, 23/09/2012

Nhiều buôn làng truyền thống của các cộng đồng dân tộc bản địa trên địa bàn Dak Lak đang bị đời sống đô thị hóa tác động mạnh mẽ, khiến vốn văn hóa truyền thống ở đây (trong đó có kiến trúc nhà dài) bị ảnh hưởng. Trước thực tế đó đã có không ít cộng đồng người Êđê, Ja rai, M’nông… tự thân nỗ lực gìn giữ không gian sống vốn bình yên và đẹp đẽ của mình từ bao đời nay.

Còn rừng, còn bến nước... là còn buôn làng

Gìa YDlưn ở buôn M’Liêng (xã Dak Liêng-huyện Lak) nói như vậy, rồi dẫn tôi đi một vòng quanh buôn để chứng minh lời nói của mình. Quả thật, buôn M’Liêng đến giờ vẫn giữ được vẻ đẹp như xưa: những rặng tre và cây rừng bao bọc quanh buôn vẫn um tùm và tỏa bóng ôm lấy những ngôi nhà dài truyền thống. Già bảo: chỉ khác một chút là ngày xưa đường đi, lối lại trong buôn quanh co, ẩm thấp…thì nay đã được bê tông hóa thẳng tắp và khang trang hơn. Từ Quốc lộ 27 (cạnh UBND xã), một con đường bê tông được mở ra, băng qua cánh đồng M’Liêng dẫn vào buôn nhờ nguồn vốn “Bảo tồn buôn cổ” của Sở VH-TT-DL đầu tư hơn 4 năm nay, tạo điều kiện cho người dân sinh hoạt, đi lại và giao lưu thuận tiện hơn trước. Và cũng nhờ con đường này mà buôn M’Liêng không còn là “ốc đảo” nằm chơ vơ bên hồ Lak như trước đây. Theo con đường này, khách đến thăm buôn cổ M’Liêng dễ dàng hơn, không còn phải lênh đênh qua đò như ngày xưa.

Hai bên trục đường chính của buôn M'Liêng  (xã Dak Liêng  - huyện Lak) là những nếp nhà dài  được xây dựng  quy củ theo quy định của cộng đồng.
Hai bên trục đường chính của buôn M'Liêng (xã Dak Liêng - huyện Lak) là những nếp nhà dài được xây dựng quy củ theo quy định của cộng đồng.

Điều quan trọng hơn, theo lời già YDlưn tâm sự: con đường được mở ra, theo đó đời sống đô thị hóa cũng bắt đầu tràn tới. Người Kinh và người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đã có mối giao lưu sâu đậm hơn. Người Kinh không chỉ vào đây buôn bán, mà họ còn mua đất làm nhà để sống lâu dài. Những ngôi nhà của họ được xây kiên cố và bề thế, nhưng không vì vậy mà phá vỡ không gian truyền thống của cả buôn. Vì sao vậy? Già YDlưn cho hay, hương ước của buôn đã chi phối mọi hoạt động, hành vi của cả cộng đồng. Người bản địa thì không nói làm gì, cái nhà mỗi khi được sửa sang, làm mới phải tuân thủ quy ước của buôn, không được tự tiện muốn làm sao cũng được. Dọc theo trục đường chính của buôn M’Liêng, những ngôi nhà mọc lên dứt khoát phải là nhà dài, hướng phải trông ra đường cái, khoảng cách đều nhau 20 m/nhà. Người Kinh vào đây sinh sống sẽ được coi là thành viên của cộng đồng, và phải làm ngôi nhà dài trước mặt tiền, còn muốn “bê tông, cốt thép” thì phải làm phía sau.

Bà H’Wam - Phó Chủ tịch UBND xã Dak Liêng cho biết thêm: quy ước đó đang được cộng đồng người ở đây thực thi nghiêm túc, nhất là từ khi buôn M’Liêng được ngành văn hóa chọn làm điểm đầu tư buôn cổ đầu tiên trên địa bàn Dak Lak vào năm 2006, thì mọi tác động tiêu cực vào cảnh quan thiên nhiên tại đây đều được cộng đồng và chính quyền địa phương can thiệp. Nhờ thế mà buôn này giữ được nét đẹp truyền thống như xưa. Hai đầu buôn (một phía giáp mạn hồ Lak, phía kia là con suối Dak Liêng) là hai bến nước được sửa sang, tôn tạo lại sạch đẹp, tươm tất hơn; dọc hai bên trục đường chính đi qua giữa lòng buôn là những nếp nhà sàn ngay ngắn, khang trang và nên thơ như một bức tranh.


Nhiều ngôi nhà dài trong buôn  Akô D'hông  (phường Tân Lợi - TP. Buôn Ma Thuột). được đầu tư nâng cấp, sửa sang lại  đẹp hơn.
Nhiều ngôi nhà dài trong buôn Akô D'hông (phường Tân Lợi - TP. Buôn Ma Thuột). được đầu tư nâng cấp, sửa sang lại đẹp hơn.

Còn ở Buôn Ma Thuột, nơi được xem là thành phố có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ nhất trong khu vực Tây Nguyên và cả nước liệu có giữ được vẻ đẹp thuần túy của buôn làng xưa? Có thể nói, đến nay đã có một vài buôn làng trong nội thành đã không còn, thậm chí biến mất do điều kiện sống thay đổi, nhưng cũng không vì thế mà sự nỗ lực của các cộng đồng dân tộc trong việc gìn giữ không gian sống cho mình lại không được quan tâm. Chẳng hạn như ở buôn Riêng, buôn K’Mrơng (xã Ea Tu - Buôn Ma Thuột, cách trung tâm thành phố 5-7 km, người dân vẫn còn gìn giữ được nét đẹp buôn làng gần như nguyên vẹn. Chị M’rưh ở buôn Riêng chỉ những ngôi nhà dài hàng chục mét ở đây, nói: “Không ai muốn phá bỏ nó cả, vì đó là di sản của ông bà. Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế khá giả còn mua gỗ về nâng cấp, sửa sang lại khang trang hơn…”. Như ngôi nhà của chị hiện nay, anh em đóng góp hơn hai trăm triệu đồng để thay cột, sàn bằng gỗ mới. Chị M’rưh tâm sự: cái nhà sàn phải được dựng lên trong vườn rộng, có cây trái tươi tốt quanh năm mới đẹp. Vì thế gia đình nào cũng cố giữ vườn, giữ rẫy để tạo không gian sống khoáng đạt, rộng rãi cho cả cộng đồng. Biết rằng đất ở đây đang có giá và có nhiều người trên phố về hỏi mua, nhưng mọi người trong buôn không muốn bán, vì ai cũng nghĩ phải giữ lại một điều gì đó riêng cho buôn làng. Và hình như “tâm thức sống” ấy đã lan tỏa, sống dậy trong tâm tư của mọi người. Ông Y Khul Niê ở buôn K’Mrơng tâm tình: có một đận, cách đây hơn chục năm, khi cà phê rớt giá, nhiều người nghĩ phải làm dịch vụ để kiếm sống… Thế là người ta tự “ăn vào đất đai” như “ăn vào da thịt” của mình vậy! Rẫy vườn cà phê được chặt đi chia năm, xẻ bảy cho con cháu và anh em khai thác, sử dụng (nuôi heo, gà trang trại…), thành ra mạch sống và sinh hoạt trong buôn không còn như xưa. Bây giờ thì khác rồi, ý thức giữ gìn buôn làng truyền thống đã được cả cộng đồng quan tâm; nhất là hai năm gần đây, khi chủ trương xây dựng nông thôn mới đi vào cuộc sống thì vấn đề gìn giữ, phát huy bản sắc buôn làng được tất cả các thành viên trong cộng đồng đó ủng hộ tích cực.

Hết mực giữ buôn

Sức “tàn phá” của đời sống đô thị hóa những năm gần đây đã len lỏi vào tận buôn Akô D’hông của già Ama Rin. Đã có nhiều gia đình tự cơi nới nhà cửa, thậm chí xây dựng khách sạn, nhà hàng để kinh doanh. Điều đó vượt khỏi mọi quy ước, trật tự được cả cộng đồng bà con ở đây thiết lập và đồng thuận cách đây mấy chục năm. Già Ama Rin bảo thế và ông luôn bận tâm trước sự mất-còn của cái buôn khá nổi tiếng này.

Ông đã tổ chức họp buôn, khuyến khích mọi người giữ gìn những gì còn lại: từ nếp nhà dài, đến lùm cây, bụi cỏ, lối đi…đều phải hạn chế sự thay đổi không cần thiết. Già Ama Rin thể hiện quyết tâm và ý chí đó bằng việc làm mà đến nay, ai cũng cho là sáng suốt và đúng đắn: ấy là phía cuối buôn, nơi có cánh rừng, con suối D’hông chảy qua (rộng chừng 85 ha) được xem là “lá phổi” của cả cộng đồng được Công ty cà phê Trung Nguyên gợi ý mua lại với giá vài chục tỷ đồng. Nếu bán, số tiền này dư sức làm đường, dựng nhà mới to đẹp và khang trang hơn, nhưng ông nhất quyết không đồng ý, dù biết đó là tài sản chung của cả buôn. Ông vận động, tạo điều kiện cho con cháu, dân làng đầu tư mở điểm du lịch văn hóa, sinh thái từ hơn một năm nay. Và ông cho đó là “lối thoát” hữu hiệu để giữ lại buôn cổ này. Phía đầu buôn Akô D’hông bây giờ, cảnh quan ít nhiều bị phá vỡ, nhưng càng vào sâu về phía cánh rừng thì không gian vẫn giữ lại được nét dân dã, gần gũi với thiên nhiên ban sơ. Già Ama Rin cho rằng: tương lai nơi đây chính là “gương mặt” thứ hai của buôn Akô Dhông với đầy đủ các yếu tố văn hóa, thiên nhiên để làm nên một buôn làng đúng nghĩa.

Còn hiện tại, nhờ cả buôn làm du lịch mà nhà nào cũng có điều kiện cải thiện đời sống và đủ sức “đề kháng” trước cơn lốc đô thị hóa tràn tới. Có nghĩa là những ngôi nhà dài truyền thống ở đây không những không bị phá bỏ, mà còn được tôn tạo lại đẹp đẽ, tươm tất hơn. Có những gia đình như chị H’Linh bỏ tiền mua gỗ về chuẩn bị làm lại ngôi nhà dài to đẹp nhất trong buôn. Điều đáng nói là giá như ai cũng tâm huyết như già Ama Rin, và nơi nào cũng nỗ lực như cộng đồng buôn Akô D’hông thì lo gì không giữ được nét đẹp truyền thống của buôn làng. Tuy nhiên, nhiều buôn làng khác còn khó khăn, không đủ sức đứng vững trước mọi thử thách, nếu không nói là cám dỗ của cuộc sống hiện đại, vì thế họ rất cần sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, trong đó gần gũi và mật thiết nhất là chính quyền các cấp của địa phương.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(Video) Sôi nổi Giải Bóng đá mini nam Báo Đắk Lắk mở rộng lần thứ X – Năm 2024
Chào mừng kỷ niệm 99 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), nhằm tạo sân chơi bổ ích cho những người yêu thích môn bóng đá mini, từ ngày 13 đến 15/6, Báo Đắk Lắk đã tổ chức Giải Bóng đá mini nam Báo Đắk Lắk mở rộng lần thứ X – Năm 2024.