Multimedia Đọc Báo in

Rừng Dak Lak trĩu nặng những mối lo

10:57, 25/07/2011
Báo cáo tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU, ngày 16-7-2003 của Tỉnh ủy (khóa XIII) về “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng” vừa ban hành mới đây cho thấy, tình hình vi phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ rừng, nhất là hành vi khai thác lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ vẫn còn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương. Nguyên nhân rừng mất đi thì nhiều, nhưng ai phải chịu trách nhiệm thì vẫn đang còn là một câu hỏi “khó”!...
 
Nỗi lo từ những con số...
 
Báo cáo tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết 09 đã thẳng thắn nhìn nhận tình trạng công tác quản lý bảo vệ rừng trong thời gian qua: Tình trạng phá rừng xâm chiếm đất trái pháp luật diễn ra chủ yếu ở khu vực rừng phòng hộ chuyển sang rừng sản xuất, diện tích giao cho các công ty lâm nghiệp (nay là các Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp) và diện tích rừng cho chính quyền cơ sở quản lý. Theo thống kê, diện tích rừng bị mất do cháy, do khai thác, chặt phá trái phép trung bình mỗi năm lên tới gần 70 ha. Trong khi đó, tình trạng suy giảm diện tích rừng trong thời gian qua đã lên đến con số đáng báo động. Chỉ trong vòng gần 8 năm qua, tổng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh đã suy giảm đến gần 19.700 ha, trong đó có đến 19.572 ha rừng tự nhiên. Bình quân mỗi năm diện tích rừng ở Dak Lak bị suy giảm đến 2.455 ha. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc thực hiện mục đích chuyển đổi rừng sang các mục đích khác để làm các công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện, tái định cư, chương trình trồng cao su, chương trình 132, 134…
HIện trường một vụ khai thác gỗ trái phep tại Vườn Quốc gia Yok Đôn
Hiện trường một vụ khai thác gỗ trái phép tại Vườn Quốc gia Yok Đôn
Bên cạnh đó, tình trạng khai thác, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép cũng diễn ra vô cùng phức tạp ở hầu khắp các địa phương. Chỉ trong giai đoạn từ 2004 đến 2010, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 5.025 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về mua bán, vận chuyển, chế biến gỗ và lâm sản với tổng khối lượng gỗ tịch thu là 14.000m3. Tuy nhiên, theo nhận định thì đây chỉ là con số nhỏ (đã được phát hiện) so với thực trạng vi phạm lâm luật đến mức nhức nhối trên địa bàn trong thời gian qua.
 
Đi đôi với tình trạng vi phạm lâm luật là hành vi chống người thi hành công vụ đang diễn ra ngày càng phổ biến, gây hậu quả rất nghiêm trọng, tạo bức xúc trong dư luận xã hội. Thực tế cho thấy đã xuất hiện ngày càng nhiều vụ việc chống đối người thi hành công vụ có tổ chức với hành vi trắng trợn và côn đồ như: đập phá phương tiện, đâm xe vào lực lượng kiểm tra, đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ và cả nhân thân của người thi hành công vụ. Nghiêm trọng hơn, nhiều vụ việc các đối tượng đã sử dụng cả vũ khí để tấn công người thi hành công vụ. Theo thống kê chưa đầy đủ thì từ 2004 đến 2010 trên địa bàn tỉnh đã có 19 vụ chống người thi hành công vụ, gây thương tích nặng cho 14 cán bộ, trong đó có 2 người tử vong…
 
...Và những mối lo của rừng
 
Trước thực trạng nêu trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, rừng vẫn đang tiếp tục bị tàn phá là một thực tế đáng buồn. Thậm chí thời gian gần đây đã có những điểm “nóng” phá rừng với quy mô lớn ở các địa phương như: Krông Năng, Ea Súp. Cùng với đó là tình trạng lấn chiếm, tranh chấp, mua bán, sang nhượng đất, khai thác gỗ trái phép tại các khu vực có dự án trồng rừng, trồng cao su… Không chỉ vậy, tình trạng khai thác, chế biến, vận chuyển gỗ trái phép vẫn xảy ra thường xuyên đến mức nóng bỏng như tại Vườn Quốc gia Yok Đôn, vùng biên giới; thậm chí còn hình thành các đường dây khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại các địa bàn trọng điểm như Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo…
 
Để xảy ra tình trạng này, theo ông Vong Nhi, Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn, là do công tác xử lý vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng ở một số địa phương còn chậm, thiếu kiên quyết. Nhiều vụ vi phạm đến mức phải khởi tố điều tra hình sự nhưng quá trình xử lý chưa kịp thời nên không đủ sức răn đe, giáo dục. Ông Vong Nhi thẳng thắn dẫn chứng: Từ lâu nay huyện Buôn Đôn được xem là ‘điểm nóng” về lâm tặc, về khai thác và vận chuyển lâm sản. Thế nhưng thực tế thì từ nhiều năm nay số vụ việc được phát hiện, điều tra xử lý hình sự trên địa bàn huyện Buôn Đôn thì chẳng có bao nhiêu! Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Tường,
HIện trường một vụ khai thác gỗ trái phép và chống người thi hành công vụ tại Lâm trường Buôn Ja Wầm.
HIện trường một vụ khai thác gỗ trái phép và chống người thi hành công vụ tại Lâm trường Buôn Ja Wầm.
Giám đốc Lâm trường Buôn Ja Wầm (Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Buôn Ja Wầm) cũng không kém phần bức xúc: Trong những năm gần đây, cán bộ quản lý bảo vệ rừng của lâm trường liên tục bị lâm tặc tấn công trong khi thi hành công vụ. Nhiều người đã đổ máu để bảo vệ rừng, thậm chí có người đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Thế nhưng đổi lại vẫn là thái độ ngày càng hung hăng của lâm tặc do coi thường pháp luật!
 
Trong khi lâm tặc tự do hoành hành trong rừng thì ở bên ngoài bìa rừng, các xưởng cưa, cơ sở chế biến mộc lại ồ ạt mọc lên. Và đây – theo ông Vong Nhi – chính là điểm tập kết và hợp lý hóa gỗ lậu lý tưởng nhất! Cách đây một thời gian, UBND tỉnh xây dựng đề án, chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương rà soát, quy hoạch lại và di dời các xưởng cưa, cơ sở chế biến mộc về tập trung ở các khu, cụm công nghiệp hoặc điểm quy hoạch. Tuy nhiên, công tác này đến nay dường như vẫn “án binh bất động” với lý do thiếu nguồn lực kinh phí!
 
Cùng với lâm tặc và xưởng cưa thì vấn nạn dân di cư tự do cùng với các dự án thủy điện, giao thông, tái định cư… là những nguyên nhân chính khiến diện tích rừng ở Dak Lak ngày càng suy giảm. Hiện vẫn chưa có thống kê cụ thể số diện tích rừng dành cho từng dự án, từng chương trình, tuy nhiên con số 2455 ha rừng mất đi hằng năm (chủ yếu là rừng tự nhiên) là một thực tế đáng báo động.
Rừng mất là thực tế. Trong khi đó, câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai thì dường như lâu nay vẫn còn bỏ ngỏ!
Việt Cường
Khẩn trương di dời, triệt xóa các cơ sở mộc đặt gần rừng

Liên quan đến nội dung quản lý bảo vệ rừng, trong hội nghị Tỉnh ủy (mở rộng) mới đây, đồng chí Niê Thuật, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương di dời, triệt xóa các xưởng cưa, cơ sở mộc ở gần rừng. Đồng chí Niê Thuật yêu cầu phải tổ chức ngay lực lượng gồm công an, quân sự, kiểm lâm các ban ngành đoàn thể kiên quyết truy tìm, giải tỏa triệt xóa các xưởng cưa nằm cạnh rừng, các xưởng cưa lẻ tẻ không hợp pháp, di dời các xưởng cưa nằm trong quy hoạch về các khu, cụm công nghiệp hoặc điểm quy hoạch của huyện. Bên cạnh đó, cần phải rà soát lại đội ngũ cán bộ quản lý bảo vệ rừng, nếu cần thiết thì luân chuyển hoặc thanh lọc để làm trong sạch đội ngũ cán bộ giữ rừng. Các lực lượng công an, viện kiểm sát, tòa án cũng phải khẩn trương vào cuộc để phát hiện, xử lý các vi phạm. “Nếu muốn rừng tồn tại thì phải làm ngay những việc này.”- đồng chí Niê Thuật nhấn mạnh.

             V.C   

Ý kiến bạn đọc