Multimedia Đọc Báo in

Bước đầu thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế: Những vấn đề phát sinh từ thực tế (Kỳ cuối)

10:56, 21/06/2016
Kỳ cuối: Để thông tuyến khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế thực sự phát huy hiệu quả...
 
Tăng cường đầu tư hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực, thay đổi cung cách phục vụ người bệnh, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin và liên kết tuyến…, đó là những biện pháp mà các ngành chức năng đã và đang tích cực triển khai để bảo đảm thông tuyến khám chữa bệnh thực sự là bước tiến lớn trong chính sách BHYT, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. 
 
Chủ động đổi mới để thu hút người bệnh
 
Thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh BHYT đồng nghĩa với việc người bệnh có quyền được lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh (KCB) tốt nhất để điều trị. Điều đó đòi hỏi những cơ sở KCB xưa nay vốn tồn tại nhờ vào bệnh nhân khám BHYT đúng tuyến sẽ phải chủ động thay đổi, nâng cao chất lượng để “giữ chân” bệnh nhân, nhất là khi Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có chủ trương sẽ từ chối không ký hợp đồng KCB BHYT với những cơ sở không bảo đảm chất lượng KCB theo quy định của Bộ Y tế. 
 
Vì lẽ ấy, thời gian qua ngành Y tế đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng KCB BHYT, tăng tiếp cận dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn sự hài lòng của người bệnh như: thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” theo Quyết định 2151 ngày 4-6-2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế; triển khai Đề án giảm quá tải bệnh viện, Đề án 1816, Đề án bệnh viện vệ tinh, Đề án bác sĩ gia đình; cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình KCB, rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh… Cùng với đó, các cơ sở y tế, nhất là bệnh viện tuyến huyện và trạm y tế xã đã tích cực nâng cao chất lượng điều trị, nỗ lực áp dụng kỹ thuật mới, ứng dụng các phương pháp điều trị hiện đại vào KCB. Cách làm này rõ ràng đã có hiệu quả khi nhiều cơ sở vẫn duy trì được lượng bệnh nhân BHYT, thậm chí còn thu hút được người bệnh từ các địa phương lân cận. Điển hình như tại Trạm Y tế xã Yang Reh (huyện Krông Bông), ngay trước khi quy định thông tuyến được áp dụng, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ của trạm đã chú trọng cải thiện chất lượng khám chữa bệnh, cải tiến khâu tiếp đón, giao tiếp ứng xử với người bệnh nhằm xây dựng môi trường thân thiện với người bệnh. Nhờ vậy, khi quy định thông tuyến được áp dụng (từ 1-1-2016), lượng bệnh nhân đến với trạm vẫn duy trì ổn định và thậm chí còn thu hút nhiều người dân ở các xã lân cận đến khám chữa bệnh. 
 
Được biết, đứng trước sự dịch chuyển bệnh nhân từ trạm y tế lên bệnh viện huyện, ngành Y tế đang nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là các trạm y tế xã. Theo đó, tới đây, cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi cho người bệnh, công tác chỉ đạo tuyến cũng sẽ được ngành chú trọng nhằm tăng cường nhân lực cho trạm y tế. 
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột khám bệnh cho người dân.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột khám bệnh cho người dân.

Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin

Để tránh tình trạng lạm dụng quỹ BHYT, tránh việc người bệnh có thể đi khám một bệnh ở nhiều cơ sở y tế, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong thanh toán BHYT. Bà Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh cho biết: “Khi thực hiện thông tuyến KCB BHYT, điều khiến Bảo hiểm Xã hội lo ngại nhất là việc lạm dụng KCB, trùng lặp đối tượng hưởng BHYT. Vì thế, để quản lý tốt quỹ BHYT bảo đảm đúng người, đúng quyền lợi, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra thẻ BHYT xác định đúng người có thẻ khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Mặt khác, Bảo hiểm Xã hội tỉnh và ngành Y tế cũng đang tăng cường các biện pháp để đồng bộ hóa phần mềm liên thông quản lý dữ liệu KCB tại các cơ sở y tế. Với phần mềm này, khi bệnh nhân đến KCB chỉ cần gõ mã vạch trên thẻ sẽ xuất hiện thông tin thời gian qua bệnh nhân đã điều trị ở đâu, đã uống thuốc gì. Đây sẽ là cơ sở để từ chối thanh toán chi phí KCB đối với những trường hợp trục lợi”. Cũng theo bà Xuân, việc quản lý thông tin bệnh nhân nói trên không chỉ tránh được tình trạng lạm dụng quỹ BHYT mà còn giúp người bệnh trong công tác điều trị, bởi vấn đề lo ngại nhất của tình trạng người bệnh đi khám bệnh nhiều lần trong ngày tại nhiều cơ sở y tế khác nhau thìcác bác sĩ sẽ không nắm được rõ tình hình sức khỏe, việc sử dụng thuốc của người bệnh nên khó có thể đưa ra hướng điều trị hiệu quả. 
 
Tại Hội nghị trực tuyến về đẩy mạnh thực hiện BHYT toàn dân với các tỉnh, thành phố trong cả nước mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán KCB BHYT, thực hiện kết nối liên thông toàn bộ hệ thống KCB của các cơ sở y tế trước ngày 30-6. Và để nhấn mạnh sự cấp thiết của việc tin học hóa trong KCB BHYT, cũng tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu bệnh viện nào không thực hiện kết nối liên thông dữ liệu phục vụ công tác giám định BHYT trước thời gian nói trên sẽ bị “treo” việc thanh toán chi phí KCB BHYT. Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, hiện Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam gấp rút xây dựng kế hoạch, tiến độ, giải pháp cụ thể để hoàn thành ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý KCB và thanh toán BHYT tại đơn vị, thực hiện trích xuất dữ liệu, kết nối, liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện theo đúng thời gian đề ra.
 
Kim Hồng
[links(left)]

Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.