Multimedia Đọc Báo in

Bước đầu thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế: Những vấn đề phát sinh từ thực tế (Kỳ I)

09:17, 21/06/2016
Sau 5 tháng triển khai thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT)  theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Thông tư số 40/2015/TT-BYT của Bộ Y tế về quy định đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT, bên cạnh những thuận lợi còn xuất hiện một số khó khăn trong thực tế, đòi hỏi cần phải có những giải pháp tháo gỡ... 
 
Kỳ I:  Mừng và lo
 
Theo quy định mới, kể từ ngày 1-1-2016 người tham gia BHYT đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu tại trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền KCB BHYT tại bất kỳ trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh. Thông tuyến khám chữa bệnh BHYT bước đầu đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh. Song, bên cạnh đó cũng đặt ra không ít thách thức cho cơ sở y tế lẫn ngành chủ quản. 
Người dân khám mắt tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột.
Người dân khám mắt tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột.
 
Lợi cho người bệnh và nâng cao chất lượng cho cơ sở y tế
 
Mặc dù BHYT của cậu con trai đăng ký nơi KCB ban đầu tại Trạm y tế xã Ea Nuôl nhưng chị Trần Thị Chinh (thôn Hòa Phú, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) đã chọn Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột làm nơi khám bệnh cho con mình. Chị cho biết: “Có lần tôi đưa cháu ra trạm y tế khám bệnh, các y bác sĩ đã giới thiệu lên bệnh viện huyện để làm một số xét nghiệm, nhưng vì đường từ nhà lên Bệnh viện thành phố gần hơn so với đi ngược vào bệnh viện huyện nên tôi đưa cháu đến khám ở đây. Những lần đi khám trước đây, không có giấy chuyển viện của trạm y tế xã, ngoài số tiền BHYT thanh toán, tôi phải đóng 30% chi phí KCB của cháu. Nhưng lần khám bệnh này, nhờ quy định thông tuyến, không cần giấy chuyển viện, con tôi vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi của người có thẻ BHYT”. 
 
Con trai chị Chinh chỉ là một trong số rất đông người bệnh được hưởng lợi sau khi ngành Y tế thực hiện thông tuyến KCB BHYT (bắt đầu từ ngày 1-1-2016). Quy định này đã mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh, nếu cảm thấy bệnh viện huyện mình chưa đáp ứng được nhu cầu KCB, người bệnh có quyền chuyển sang bệnh viện huyện khác hoặc phòng khám đa khoa để khám bệnh mà không cần có giấy giới thiệu chuyển viện như trước đây. 
 
Ngày 21-3-2016, BHXH Việt Nam đã có hướng dẫn bổ sung về giải quyết vướng mắc trong chính sách BHYT. Theo đó, người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu ở tuyến tỉnh, Trung ương có thể đến KCB ở bất cứ cơ sở y tế tuyến huyện nào cũng đều được coi là đúng tuyến và được hưởng 100% quyền lợi của người có thẻ BHYT.

Không chỉ mang lại thuận lợi cho người bệnh, thông tuyến KCB BHYT còn là động lực để các cơ sở KCB tuyến xã, huyện mạnh dạn thay đổi, quyết tâm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế bằng việc đầu tư đúng mức về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để thu hút sự lựa chọn của người dân. Điều này được chứng minh khá rõ ràng trên thực tế khi mà nhiều bệnh viện huyện trên địa bàn nỗ lực nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực, tỉnh đã và đang thay đổi phong cách phục vụ theo hướng làm người bệnh hài lòng. Đơn cử như tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột, để nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ, thời gian qua, bệnh viện đã tăng thêm bàn khám nội, nhi, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động chuyên môn, quản lý hồ sơ bệnh án, quản lý bệnh nhân khám chữa bệnh có thẻ BHYT nhằm giảm phiền hà về thủ tục, giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh; đầu tư và đưa vào hoạt động một số dịch vụ khám chữa bệnh công nghệ cao (CT scaner, Xquang kỹ thuật số); tăng cường chuyên môn sâu, y đức cho đội ngũ y bác sĩ… Theo bác sĩ Lại Quang Miễn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột: “Chúng tôi luôn lấy sự hài lòng của người bệnh làm thước đo chất lượng cho mọi mặt công tác. Vì thế, người bệnh đến khám, điều trị tại bệnh viện đã và đang được hưởng những dịch vụ y tế tốt hơn, chất lượng hơn”. Cũng có chung quan điểm này, bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Pắc cho biết: “Thông tuyến đem lại những lợi ích lâu dài cho người dân và mở ra một giai đoạn phát triển mới cho các cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện trong tỉnh, đó là sự cạnh tranh bằng chất lượng, với mục tiêu cao nhất là thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”. 

Phải khẳng định rằng, chính sách thông tuyến đã mở ra cơ hội cho người có thẻ BHYT nhưng cũng tạo ra thách thức đối với các cơ sở KCB tuyến huyện. Bởi, theo lời bà Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh: “Được lựa chọn nơi KCB nên người dân sẽ đến những cơ sở có chuyên môn tốt, trang thiết bị hiện đại hơn và họ sẽ tiếp cận bệnh viện tuyến huyện nhiều hơn tuyến xã. Điều này sẽ dễ dẫn đến tình trạng nơi làm không hết việc, nơi lại ít hoặc không có bệnh nhân. Và thách thức với nơi ít bệnh nhân là nguồn thu giảm, đời sống nhân viên y tế bị ảnh hưởng. Còn ở điểm quá tải cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ”.  
Điều trị, chăm sóc trẻ sơ sinh tại khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Điều trị, chăm sóc trẻ sơ sinh tại khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

 Lo nguy cơ xảy ra trục lợi BHYT

Không thể phủ nhận những lợi ích về quy định thông tuyến KCB BHYT cả cho người bệnh và cơ sở y tế. Song, nhìn ở một phương diện khác, với cơ chế mới và thoáng này, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT có thể càng thêm phức tạp. 
 
Theo thông tin Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cung cấp tại cuộc họp báo diễn ra cuối tháng 5 vừa qua cho thấy, trong 4 tháng đầu năm thực hiện việc thông tuyến, cơ quan này đã phát hiện một số trường hợp bệnh nhân BHYT đi khám bệnh ở nhiều nơi trong cùng một ngày. Cũng trong 4 tháng, số lượt bệnh nhân đến KCB tại tuyến huyện tăng đột biến. So với cùng kỳ năm trước, số thẻ tăng 1,2% nhưng số lượt khám tăng 5%. Nhìn nhận trên thực tế, dù có nhiều biểu hiện cho thấy nguy cơ trục lợi bảo hiểm y tế từ việc thông tuyến xảy ra cao, nhưng hiện nay Bảo hiểm xã hội Việt Nam vẫn chưa xử lý được, bởi phần mềm liên thông dữ liệu giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và các cơ sở KCB hiện chưa hoàn thiện nên chưa có công cụ để quản lý việc người bệnh có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh nhiều lần trong ngày, trong tuần tại các cơ sở KCB khác nhau, dẫn đến sự lãng phí không đáng có và khó quản lý tình trạng lạm dụng BHYT. 
 
Cùng với nguy cơ trục lợi BHYT thì thông tuyến còn gây khó cho việc thực hiện phương thức thanh toán BHYT theo định suất. Bởi, quy định quỹ định suất xác định cho các cơ sở KCB bao gồm cả chi phí của bệnh nhân đăng ký ban đầu tại đó đi KCB ở nơi khác. Vì thế, khi người bệnh chọn nơi KCB là cơ sở khác với nơi đăng ký ban đầu sẽ xảy ra tình trạng quỹ KCB của một số cơ sở sẽ bị bội chi lớn do tăng chi phí đa tuyến.
 
(Còn nữa)
 
Kỳ cuối: Để thông tuyến Bảo hiểm Y tế thực sự phát huy hiệu quả…
Kim Hồng
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.