Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu trên địa bàn: Cần có sự quan tâm hơn

05:58, 10/10/2012

Mặc dù lâu nay Dak Lak vẫn được xem là một trong những địa phương có nguồn dược liệu đa dạng, phong phú, song tình trạng khai thác cây thuốc tràn lan đang khiến cho nguồn dược liệu bị thu hẹp, nhiều cây thuốc có nguy cơ bị tận diệt...

Thời gian gần đây, trên nhiều tuyến đường ở TP. Buôn Ma Thuột xuất hiện một số người bán rễ cây Mật nhân (hay còn gọi là cây Bá bệnh) cùng với những lời quảng cáo về công dụng và cách chế biến thành thuốc để chữa bệnh. Qua trò chuyện với một vài người bán Mật nhân được biết, họ chỉ là những nông dân chẳng biết gì về dược liệu nhưng vì nghe đồn Mật nhân có thể chữa được nhiều loại bệnh nên tranh thủ thời gian nông nhàn vào rừng đào rễ về bán để kiếm thêm thu nhập. Cũng từ những lời đồn thổi rễ Mật nhân có nhiều công dụng, trong đó có công dụng giúp tăng cường sinh lực cho nam  giới nên rất nhiều người đã tìm mua loại rễ cây này về ngâm rượu để uống. Tuy nhiên, theo lương y Võ Thuận Hóa, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết: “Rễ Mật nhân có vị đắng, tính mát, thường được dùng để trị các chứng bệnh về tiêu hóa như: ăn uống không tiêu, nôn mửa, tả, lỵ… Còn công dụng giúp tráng dương cường thận thì đến bây giờ vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh”. Mặc dù những công dụng đích thực của Mật nhân cả người bán và người mua đều nắm bắt rất lờ mờ nhưng mỗi ngày hàng trăm kg rễ Mật nhân vẫn được chuyển từ rừng đến tay người tiêu dùng, điều này cũng đồng nghĩa là có đến hàng chục cây Mật nhân bị “bóc da, xẻ thịt” mỗi ngày.

Từ chuyện mua bán rễ Mật nhân cho thấy một thực tế hiện nay là chưa có một đơn vị nào quản lý nguồn dược liệu trên địa bàn nên các loại cây thuốc, nhất là những cây thuốc quý đang bị khai thác một cách vô tội vạ. Với ưu thế có nhiều rừng nên ở Dak Lak nguồn dược liệu khá đa dạng, phong phú. Đơn cử, để trị các chứng bệnh phong thấp có các cây huyết đằng, vương tôn, thạch xương bồ, thổ phục linh, hà thủ ô, bồng bông, bá bệnh, hoàng đằng; giúp lợi tiểu có cây thảo quyết minh, nhân trần, kim tiền thảo; giúp an thần có cây trùm bao (lạc tiên), tao nhân; chữa gan mật, tiêu hóa có cây chó đẻ, nhân trần, sai nhân… Trữ lượng của các loại cây thuốc này rất lớn và mọc hoang ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay các vùng phân bố tự nhiên của cây thuốc đang bị suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt nhiều loài thuốc quý đang bị tận diệt, trong đó cây sai nhân là một điển hình. Trước đây, ở tỉnh ta cây sai nhân mọc ở rất nhiều nơi, nhưng sau quá trình bị khai thác bừa bãi, đến nay loài cây này chỉ còn xuất hiện ở một số khu vực rừng sâu trên địa bàn huyện M’Drak, Ea Kar với số lượng rất ít. Như vậy, mặc dù tiềm năng dược liệu của tỉnh ta được đánh giá rất cao, nhưng việc quản lý chưa được quan tâm, cộng với tình trạng khai thác tràn lan, ồ ạt khiến cho nguồn tài nguyên này đang bị thu hẹp, thậm chí nhiều cây thuốc quý hiếm đang đứng trước nguy cơ biến mất.

Bán rễ cây mật nhân trên đường phố Buôn Ma Thuột. Ảnh: T.L
Bán rễ cây mật nhân trên đường phố Buôn Ma Thuột. Ảnh: T.L

Đứng trước tình trạng nguồn dược liệu trên địa bàn ngày càng giảm nhanh về số lượng và thu hẹp về chủng loại, Hội Đông y tỉnh đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp, liên kết quản lý, ngăn chặn việc khai thác dược liệu bừa bãi nhằm bảo tồn nguồn quỹ gen. Lương y Võ Thuận Hóa cho biết, muốn bảo tồn, phát triển được nguồn dược liệu ở địa phương, tỉnh phải có kế hoạch bảo tồn dược liệu huy động các ngành, các cấp, các địa phương cùng tham gia công tác bảo tồn, chú trọng các điểm có trữ lượng dược liệu lớn. Bên cạnh đó, để huy động được nhân dân cùng tham gia công tác bảo tồn dược liệu, vấn đề cốt lõi nhất vẫn là phải làm cho dân hiểu được giá trị của cây thuốc. Thực tế đã chứng minh, nơi nào làm tốt công tác này thì hiệu quả đem lại rất cao. Đơn cử như huyện Ea Súp, thời gian qua nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về dược liệu kết hợp với việc thường xuyên tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân đã giúp người dân có nhận thức đúng về giá trị của cây thuốc, từ đó tham gia tích cực vào việc bảo vệ, trồng và sử dụng cây thuốc đúng mục đích.

Được biết, năm 2008, sau khi có Chỉ thị số 24 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 58 ngày 31-10-2008 thực hiện Chỉ thị 24, trong đó đề cập đến một số nhiệm vụ và giải pháp sẽ được triển khai gồm: tổ chức khôi phục, mở rộng và phát triển các vườn thuốc mẫu ở các địa phương, đơn vị, trường học, bệnh viện, trạm y tế; kết hợp chặt chẽ giữa việc khuyến khích “trồng cây thuốc tại vườn, tại nhà” với việc từng bước tổ chức các vùng chuyên nuôi trồng, chế biến cây, con làm thuốc theo hướng công nghiệp; chú trọng việc giữ gìn bản sắc truyền thống và tính đặc thù của nền đông y Việt Nam từ kế thừa, bảo tồn, nuôi trồng, khai thác, chế biến dược liệu đến các phương pháp khám chữa bệnh… Tuy nhiên, đã gần 4 năm trôi qua, các nhiệm vụ và giải pháp trên vẫn đang bị bỏ ngỏ. Thiết nghĩ, với ưu thế có nguồn dược liệu phong phú, đa dạng, có nhiều cây thuốc quý hiếm, tỉnh ta cần đổi mới công tác quản lý, coi phát triển dược liệu là một lĩnh vực quan trọng có sự chỉ đạo, đầu tư mạnh mẽ.  Bên cạnh đó, cần chấn chỉnh hoạt động thu mua, khai thác và thu hái cây thuốc mọc tự nhiên theo hướng bảo tồn và phát triển, đồng thời có những chính sách ưu đãi cụ thể đối với việc quy hoạch vùng chuyên canh, phát triển nuôi trồng dược liệu tại địa phương.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc