Multimedia Đọc Báo in

Quan hệ Đức-Thổ Nhĩ Kỳ "nóng" thêm do một phóng sự truyền hình

08:32, 19/08/2016

Ngày 17-8, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ra thông cáo chỉ trích kịch liệt một phóng sự được phát tại Đức, trong đó khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành “cơ sở chính của các nhóm Hồi giáo” tại Trung Đông và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan có “hệ tư tưởng” tương đồng với phong trào Hồi giáo Hamas tại Gaza, tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập và các nhóm Hồi giáo vũ trang đối lập ở Syria.

Phóng sự này do kênh truyền hình Đức ARD thực hiện, đặc biệt tiết lộ nội dung một bản báo cáo của Chính phủ Đức cho rằng chính sách đối ngoại và đối nội của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị “Hồi giáo hóa” kể từ năm 2011. ARD cho biết, đây là bản báo cáo mật do Bộ Nội vụ thực hiện theo yêu cầu từ đảng cánh tả Linke trong Quốc hội Đức.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu các nhà lãnh đạo Đức đưa ra lời giải thích về những viện dẫn trên và miêu tả sự việc này như là “một minh chứng mới về mưu đồ xảo quyệt” của những người đang tìm cách làm suy yếu Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ trong một tuyên bố nêu rõ: “Những cáo buộc này là biểu hiện mới của những nỗ lực hòng “dìm” đất nước chúng tôi xuống bằng cách hướng mũi dùi công kích vào Tổng thống và Chính phủ của chúng tôi”. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Đức đã áp dụng tiêu chuẩn kép, đồng thời kêu gọi Đức nên ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống lại các tay súng phiến quân Đảng Công nhân người Kurd (PKK) – lực lượng vốn bị EU và Mỹ liệt vào danh sách các nhóm khủng bố. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ có đoạn: “Những cáo buộc này cho thấy một số nhân vật thuộc chính giới Đức đang áp dụng tiêu chuẩn kép đối với cuộc chiến chống khủng bố. Là một quốc gia tham gia chiến đấu chống khủng bố một cách chân thành, bằng tất cả các nguồn lực có thể, Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng rằng, các đối tác khác và đồng minh của chúng tôi cũng làm điều tương tự”.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere ngày 17-8 đã lên tiếng bảo vệ báo cáo của Chính phủ Đức đã được kênh truyền hình ARD tiết lộ. Báo cáo này được cho là sẽ đẩy quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ lún sâu hơn vào căng thẳng. Trả lời đài truyền hình RBB khi được hỏi liệu ông có cảm thấy hối tiếc khi rò rỉ nội dung của văn bản mất nói trên, ông De Maiziere cho biết: “Không có gì phải hối tiếc. Báo cáo cho thấy một khía cạnh của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng còn nhiều khía cạnh khác”.

Trước đó, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức Johannes Dimroth cho biết, báo cáo đã được một Thứ trưởng ký, cả ông Thomas de Maiziere lẫn Bộ Ngoại giao Đức không liên quan đến báo cáo này. Giải thích về việc rò rỉ thông tin mật, ông Dimroth cho rằng: “Khi mọi người làm việc, những sai lầm hoàn toàn có thể xảy ra”. Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert từ chối bình luận về vụ việc nhưng khẳng định Berlin vẫn xem Ankara là đối tác trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Những căng thẳng giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ không ngừng gia tăng sau khi Berlin chỉ trích Ankara về việc tăng cường trấn áp những người bị tình nghi có dính líu đến mưu toan đảo chính ngày 15-7 vừa qua. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu phía Đức dẫn độ những người ủng hộ giáo sĩ Fethullah Gulen - người bị Ankara cáo buộc là chủ mưu của cuộc đảo chính này. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng không giấu giếm sự tức giận trước những lời chỉ trích của phương Tây với hoạt động đàn áp mạnh tay của nước này sau cuộc đảo chính bất thành hôm 15-7.

Trước đó, vào ngày 2-6, Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu hồi đại sứ nước này tại Đức sau khi Hạ viện Đức (Bundestag) thông qua nghị quyết cho rằng cuộc thảm sát 1,5 triệu người Armenia dưới thời Đế chế Ottoman (nay là Thổ Nhĩ Kỳ) vào năm 1915 là "tội ác diệt chủng".

Hồng Hải (Theo VOV, TTXVN)

 


Ý kiến bạn đọc