Multimedia Đọc Báo in

Liên minh châu Âu cân nhắc gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga

11:07, 28/01/2015
Theo AFP, trong bối cảnh bạo lực đột ngột gia tăng ở miền Đông Ukraine, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã chỉ thị cho ngoại trưởng các nước trong khối xem xét một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga khi họ nhóm họp tại Brussels vào ngày 29-1 tới.
 
Trong một tuyên bố chung ngày 27-1, những người đứng đầu chính phủ 28 nước thành viên EU đã bày tỏ quan ngại về cái họ gọi là sự hỗ trợ của Nga cho phe nổi dậy thân Moskva ở miền Đông Ukraine, lực lượng đã mở một chiến dịch quân sự mới gần thành phố Mariupol.  
Người dân Nga mua sắm tại siêu thị ở Moskva. (Nguồn: THX/TTXVN)
Người dân Nga mua sắm tại siêu thị ở Moskva. (Nguồn: THX/TTXVN)
Tuyên bố có đoạn: "Xét trong tình hình ngày càng xấu đi, chúng tôi đề nghị Hội đồng Đối ngoại sắp tới đánh giá tình hình và xem xét thực hiện bất cứ hành động thích hợp nào, đặc biệt là các biện pháp hạn chế bổ sung". Tuyên bố nhấn mạnh động thái này nhằm "thực thi nhanh chóng và toàn diện thỏa thuận Minsk", ý nói kế hoạch hòa bình đạt được hồi tháng 9-2014 nhưng phần lớn đã bị phớt lờ.
 
Các nhà lãnh đạo EU nêu rõ: "Chúng tôi bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh và nhân đạo ngày càng xấu đi ở miền Đông Ukraine. Chúng tôi lên án hành động sát hại dân thường do nã đạn pháo bừa bãi vào thành phố Mariupol của Ukraine hôm 24-1... Chúng tôi có bằng chứng về sự tiếp tục hỗ trợ ngày càng tăng của Nga cho lực lượng ly khai, cho thấy rõ trách nhiệm của Nga".
 
Được biết, các nhà lãnh đạo EU sẽ đánh giá tình hình Ukraine tại cuộc họp tiếp theo ở Brussels vào ngày 12-2 tới.
 
Đe dọa áp đặt biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga do tình hình Ukraine trở nên trầm trọng hơn là “sự tống tiền kinh tế”, không gì có thể biện minh được. Đây là tuyên bố của ông Dmitry Peskov, thư ký báo chí của Tổng thống Nga.
 
ITAR TASS dẫn lời ông Peskov cho biết: “Nga sẽ không bao giờ đồng ý với những lời đe dọa như vậy, nhất là khi những lời răn đe và dọa dẫm này chưa bao giờ và sẽ không bao giờ dẫn đến việc Nga thay đổi lập trường nhất quán của mình”. Thư ký báo chí của ông Putin cũng lưu ý rằng những đe dọa nhằm vào Nga liên quan đến việc tăng cường áp lực kinh tế là chính sách “hoàn toàn phá hoại, không gì có thể biện minh được và thiển cận”.
 
Trước thông tin về khả năng loại Liên bang Nga khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế SWIFT, ông Dmitry Peskov bình luận: “Thay vì gia tăng áp lực đối với những người từ chối tham gia vào đối thoại và giải quyết cuộc xung đột bằng con đường hòa bình, chúng ta lại nghe thêm việc “tống tiền kinh tế” với Nga”.
 
Trong khi đó, theo Reuters, Quốc hội Ukraine ngày 27-1 đã thông qua tuyên bố coi Nga là một "nước xâm lược", đồng thời kêu gọi quốc tế viện trợ thêm cho quốc gia Đông Âu này và áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Nga.
 
Một phiên họp của Quốc hội Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một phiên họp của Quốc hội Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các nghị sĩ Ukraine nhận định động thái trên có khả năng mở đường cho việc Moskva phải hứng chịu các hậu quả theo luật pháp quốc tế. Chủ tịch Đảng Cấp tiến Oleh Lyashko, một thành viên trong liên minh cầm quyền, cho rằng "việc công nhận về mặt pháp lý một nhà nước xâm lược đòi hỏi (nước đó) phải chịu những hậu quả được quy định theo nghị quyết năm 1974 của Liên hiệp quốc và Hiến chương Liên hiệp quốc".
 
Ngoài ra, Quốc hội Ukraine cũng bỏ phiếu xác định các "nước cộng hòa" ly khai tự xưng ở miền Đông Ukraine là "các tổ chức khủng bố" và kêu gọi cộng đồng quốc tế cung cấp thêm viện trợ quân sự phi sát thương cho Kiev cũng như áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nhằm vào Nga.
 
H.T ( tổng hợp)
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.