Multimedia Đọc Báo in

Bao giờ... nói "không" với môn thi thay thế!

06:31, 05/04/2015
Căn cứ Thông tư số 02 và 03, ngày 26-2-2015 về Quy chế thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy của Bộ GD-ĐT, đồng thời xét điều kiện dạy - học của địa phương, Sở GD-ĐT đồng ý cho phép học sinh (HS) các trường THPT, Trung tâm GDTX trong tỉnh có nguyện vọng có thể đăng ký thi môn thay thế môn ngoại ngữ, trừ học sinh các lớp chuyên môn tiếng Anh, tiếng Pháp của Trường THPT Chuyên Nguyễn Du.

Như vậy, sau những lo lắng, phập phù, cả giáo viên và HS khối lớp 12 trong tỉnh đã có thể “thở phào nhẹ nhõm” với quyết định của Sở GD-ĐT. Theo thăm dò nhu cầu dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015, hơn 72% HS đang học lớp 12 có nhu cầu thi thay thế môn ngoại ngữ bằng một môn khác. Điều đáng nói, không chỉ HS các trung tâm GDTX có nhu cầu thi môn thay thế mà nhiều trường THPT tỷ lệ HS thi môn thay thế trên 90%. Đơn cử như các trường Nguyễn Trường Tộ 98,4%, Nguyễn Trãi 93,2%, Krông Bông 92,2%, Phạm Văn Đồng  95%, Văn hóa 3 là 92,2%...

Theo thăm dò, trên 81% HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Văn Cừ  (huyện Krông Buk) chọn môn thi thay thế.
Theo thăm dò, trên 81% HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Krông Buk) chọn môn thi thay thế.

 Điểm mới trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015, Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh được lựa chọn ngoại ngữ nào mà các em thấy đó là mạnh nhất. Sự “cởi trói” này sẽ thuận lợi đối với HS ở các thành phố lớn, còn tỉnh miền núi như Dak Lak, phần lớn các em chỉ học tiếng Anh. Xung quanh việc thi môn thay thế, một số giáo viên và HS lớp 12 chia sẻ: Trước đây, khi môn ngoại ngữ thi trắc nghiệm, nhiều HS còn mạnh dạn đăng ký thi với hy vọng sẽ ít nhiều có sự may mắn khi lựa chọn một trong các đáp án mà đề thi đưa ra. Nhưng kể từ kỳ thi năm 2013-2014, Bộ GD-ĐT thay đổi cấu trúc đề ra môn ngoại ngữ vừa có phần trắc nghiệm và phần tự luận (viết) và kỳ thi năm 2015, Bộ GD-ĐT tiếp tục ra đề thi môn ngoại ngữ theo hướng trên do đó cả giáo viên và HS có phần ngại bởi lâu nay việc dạy  - học ngoại ngữ ở Dak Lak nói riêng và cả nước nói chung “chẳng giống ai”, chỉ chú trọng cấu trúc, ngữ pháp nên kỹ năng nghe - nói - viết của học sinh đều yếu. Theo một giáo viên dạy tiếng Anh lâu năm, việc thay đổi này nhằm để đánh giá đúng năng lực sử dụng tiếng Anh của HS, là giải pháp từng bước hướng tới việc đánh giá một cách toàn diện hơn 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết của HS, song sự đổi mới này phải có lộ trình. HS phổ thông cần có thời gian để làm quen với cách học viết, tự luận bằng tiếng Anh, nhất là HS ở địa phương mà điều kiện dạy học còn nhiều khó khăn như Dak Lak.

Xin trở lại với quyết định cho phép HS trên địa bàn tỉnh chọn môn thi thay thế môn ngoại ngữ của Sở GD-ĐT được giáo viên, phụ huynh và HS đồng tình ủng hộ. Không lạm bàn về quyết định này, nhưng rõ ràng trong điều kiện dạy - học ngoại ngữ như hiện nay, thì đây là giải pháp “tức thời” nhằm giúp HS đỗ tốt nghiệp THPT và giữ tỷ lệ tốt nghiệp “đẹp” cho địa phương. Nhưng về lâu dài, thiết nghĩ năng lực ngoại ngữ là rất quan trọng, do đó ngành Giáo dục cần có những giải pháp căn cơ hơn để việc dạy-học môn ngoại ngữ đi vào thực chất nhằm trang bị năng lực ngoại ngữ cho HS, nhất là khi đề án ngoại ngữ năm 2020 được triển khai. Đến một lúc ngành Giáo dục cần đặt ra các yêu cầu để các cơ sở giáo dục và bản thân HS nói “không” với môn thi thay thế, tự tin dự thi môn ngoại ngữ như những môn học khác, có như vậy các em mới có đủ hành trang phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc