Multimedia Đọc Báo in

Khi lao động nông nghiệp được học nghề

08:55, 25/11/2020

Những năm qua, ngành nông nghiệp nỗ lực triển khai công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn và đã đạt được những kết quả nhất định.

Nhiều mô hình hiệu quả

Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương khảo sát, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, tăng thời gian thực hành tại nơi sản xuất… Nhờ đó, nhiều lao động nắm chắc và áp dụng đúng kiến thức vào sản xuất, hình thành các mô hình điểm tại địa phương.

Đơn cử như mô hình của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp và chăn nuôi heo rừng Ea Sar (xã Ea Sar, huyện Ea Kar) là một trong những mô hình chăn nuôi heo rừng điển hình trên địa bàn tỉnh. HTX được thành lập năm 2018 do 7 nông dân là học viên đã tham gia học nghề chăn nuôi heo vào năm 2017. Ông Lương Văn Sáo, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết, các học viên vẫn đang áp dụng kiến thức chăn nuôi heo rừng lai được học trước đó và đem lại hiệu quả chăn nuôi cho gia đình. Nhờ đó, các thành viên vẫn duy trì hiệu quả đàn heo 500 con mỗi năm để cung cấp đều đặn ra thị trường 15 tấn heo thịt, hàng trăm con heo giống, đem về tổng doanh thu trên 500 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng.

Chăn nuôi heo rừng lai ở xã Ea Sar, huyện Ea Kar.
Chăn nuôi heo rừng lai ở xã Ea Sar, huyện Ea Kar.

Tương tự, năm 2019, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện Cư M’gar phối hợp với Nông trường Cao su Phú Xuân tổ chức đào tạo nghề cạo mủ cao su cho 35 học viên là đồng bào dân tộc thiểu số, có độ tuổi trung bình khoảng 18 tuổi. Sau học nghề, 31 học viên được Nông trường nhận vào làm việc ổn định với mức thu nhập bình quân 6,3 triệu đồng/người/tháng.

Hay anh Lê Đình Kế, chủ một trang trại heo ở thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) cho hay, anh tham gia học nghề chăn nuôi heo vào năm 2012 và lĩnh hội được những kiến thức bổ ích về vệ sinh chuồng trại, cách phòng, chống dịch bệnh hiệu quả... Nhờ đó, từ một nông dân chăn nuôi 25 con heo/năm theo kinh nghiệm, anh đã biết theo dõi tình hình thời tiết, môi trường, áp dụng kỹ thuật chuyên sâu vào mỗi giai đoạn sinh trưởng của đàn heo. Nhờ đó, quy mô trang trại liên tục tăng và hiện tại là 740 con heo/năm, lợi nhuận thu về khoảng 500 triệu đồng. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, trang trại còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 4 lao động với mức thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Cần sự trợ lực

Giai đoạn 2011 - 2015, có 6.167 lao động sau học nghề nông nghiệp có việc làm, đạt 85% (vượt 5% so với kế hoạch); giai đoạn 2016 - 2020 có 7.499 lao động có việc làm, đạt 84% (vượt 4%).

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, giai đoạn 2010 - 2020 đơn vị hỗ trợ đào tạo nghề trồng và chăm sóc cây cà phê, hồ tiêu, điều, lúa, trồng và khai thác nấm, trồng và khai thác mủ cao su, chăn nuôi heo, gà, trâu, bò cho 16.919 lao động (sơ cấp 10.603 lao động, đào tạo thường xuyên (dưới 3 tháng) 6.316 lao động). Đối tượng đào tạo phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số với 10.544 lao động (chiếm 62,5% tổng số lao động được đào tạo); hộ nghèo, cận nghèo 4.033 lao động (chiếm 23,8%); các đối tượng khác 2.342 lao động (chiếm 13,7%). Tổng kinh phí thực hiện gần 43,6 tỷ đồng (vốn sự nghiệp Chương trình xây dựng nông thôn mới gần 24,4 tỷ đồng, chiếm 55,9%; kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương hơn 19,2 tỷ đồng, chiếm 44,1%).

Bên cạnh những mặt tích cực nói trên thì việc đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn vẫn còn những hạn chế nhất định khi một số địa phương chưa quan tâm nhiều đến việc khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động; nhận thức của lao động về vai trò của học nghề chưa cao nên chưa chủ động tham gia. Đặc biệt, kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình xây dựng nông thôn mới bố trí cho đào tạo nghề nông nghiệp còn thấp; kinh phí từ ngân sách địa phương bố trí chưa nhiều; bản thân các lao động sau học nghề có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất nhưng các chính sách cho vay vốn chưa đáp ứng nhu cầu của người học đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sau học nghề, không khuyến khích được lao động tham gia học nghề.

Nông dân xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) học nghề trồng cà phê
Nông dân xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) học nghề trồng cà phê.

Trực tiếp tham mưu thực hiện công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn nhiều năm nay, ông Trịnh Thái Bình, Trưởng Phòng Cơ điện, ngành nghề nông thôn - Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT) kiến nghị, phải đẩy mạnh tuyên truyền để chính quyền địa phương, tổ chức, cá nhân nắm rõ tầm quan trọng của việc học nghề; thực hiện tốt công tác điều tra, dự báo nhu cầu học nghề để việc đào tạo đáp ứng nhu cầu và người lao động có điều kiện áp dụng nghề sau khi học, phục vụ mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời, có sự lồng ghép chính sách của Chương trình giảm nghèo, Chương trình 135… nhằm hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi… tạo điều kiện cho lao động phát huy hiệu quả kiến thức sau học nghề..

Thanh Bình


Ý kiến bạn đọc