Multimedia Đọc Báo in

Cai nghiện tại gia đình và cộng đồng – bao giờ mới gỡ hết khó khăn?

08:51, 26/09/2015

Nghị định số 94 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình, cai nghiện ma tuý tại cộng đồng được ban hành ngày 9-9-2010. Nhưng qua 5 năm vẫn chưa có một địa phương nào trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thực hiện  được hình thức cai nghiện này! Vậy đâu là nguyên nhân?

Cần thiết thực hiện hình thức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng

Tệ nạn ma túy đang gây ra bao hậu quả tai hại cho cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, theo quan điểm mới, người nghiện ma tuý không bị coi là tội phạm khi họ chưa có hành vi vi phạm pháp luật. Họ là những người bệnh cần được chữa trị và phải bảo đảm quyền của con người. Các cơ quan chức năng chỉ có thể kiểm tra, xác định mức độ nghiện ma tuý để xác định là chữa bệnh tại gia đình, chữa bệnh bắt buộc tại cộng đồng hay buộc vào chữa bệnh tại các trung tâm cai nghiện.

Ông Nguyễn Xuân Quý – Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn Xã hội tỉnh (người đứng) cùng đoàn công tác làm việc với UBND xã Ea Dăh  (huyện Krông Năng) về cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.
Ông Nguyễn Xuân Quý – Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn Xã hội tỉnh (người đứng) cùng đoàn công tác làm việc với UBND xã Ea Dăh (huyện Krông Năng) về cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.

Khi tiến hành đưa những người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cần phải thực hiện theo đúng trình tự và bảo đảm quyền tự do, quyền công dân. Đây cũng là lý do Chính phủ ban hành Nghị định số 94. Theo đó, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng được thực hiện theo ba hình thức: cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng và cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng. Sau 5-7 ngày điều trị cắt cơn tập trung tại cộng đồng, người nghiện được giao về cho gia đình và địa phương chăm sóc quản lý thông qua sự hướng dẫn, theo dõi của các tổ công tác cai nghiện trong 12 tháng. Sau khi khi cắt cơn, các đối tượng được tham gia sinh hoạt nhóm tự lực hoặc các câu lạc bộ dành cho người sau cai nghiện. Định kỳ 10 ngày, người nghiện báo cáo kết quả cai nghiện với tổ công tác. Sau 12 tháng nếu không tái nghiện sẽ được xem xét cấp giấy chứng nhận hoàn thành quy trình cai nghiện và được tiếp tục quản lý sau cai nghiện trong vòng 12 tháng, nếu không tái nghiện thì được ra khỏi danh sách quản lý.

 Nghị định 94 quy định: người nghiện ma tuý phải cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng được tổ chức cai nghiện tại trạm y tế xã, phường, thị trấn;  các trạm y tế xã, phường, thị trấn phải có đầy đủ cơ sở vật chất chuyên biệt, phải có đủ các trang thiết bị y tế cần thiết, cũng như phải có đủ nguồn nhân lực phục vụ việc cai nghiện như y, bác sĩ làm công tác điều trị cắt cơn... Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị định này, các địa phương đều gặp khó khăn nên chưa thể thực hiện được.

Khó khăn trong việc thực hiện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng

Sau khi Nghị định 94 có hiệu lực, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Đến nay, hầu  hết các xã phường thị trấn có người nghiện đã tổ chức tuyên truyền, vận động, hầu hết cán bộ y tế được tập huấn phương pháp điều trị cắt cơn cho người nghiện. Tuy nhiên, cả 118 xã, phường, thị trấn có người nghiện trên địa bàn tỉnh đều chỉ mới dừng lại ở khâu tuyên truyền, vận động mà chưa tập trung đầu tư vào khâu rà soát,

đánh giá nhu cầu, lập kế hoạch cai nghiện cho từng người và chưa có nơi nào thực hiện được hình thức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho người sau cai cũng chưa được chú trọng.

Xã Ea Dăh (huyện Krông Năng) là một điển hình cho những khó khăn trong thực hiện cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Toàn xã có 27 người nghiện có hồ sơ quản lý nhưng đây chưa phải là con số thực tế. Việc xác định người nghiện ở đây không đơn giản vì địa bàn rộng, giao thông khó khăn, lại có đến 12 dân tộc cùng sinh sống, chủ yếu là từ phía Bắc vào nên ngôn ngữ bất đồng là một trở ngại lớn trong việc tuyên truyền vận động hay tìm hiểu, xác định tình trạng nghiện. Cụ thể như khi lực lượng công an nghi vấn, tiến hành test nhanh, phát hiện đối tượng dương tính với ma túy; nhưng đối tượng lại không thừa nhận mình có sử dụng ma túy, theo đúng quy trình thì công an đưa đối tượng về trạm y tế để xác định tình trạng nghiện, trong khi trạm y tế không biết phải xác định như thế nào. Cuối cùng đành cho đối tượng này về vì không có cơ sở xác định mức độ nghiện ma túy để áp dụng cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng. Ông Trần Văn Hiển, Trưởng Trạm Y tế xã trăn trở: Hiện có 9 trường hợp viết đơn tình nguyện cai tại cộng đồng nhưng trạm y tế không thể nào tổ chức điều trị cắt cơn ban đầu cho họ được. Bởi vì, muốn điều trị cắt cơn thì trạm phải có phòng đạt chuẩn đảm bảo vệ sinh, an toàn, có các phương tiện chuyên dụng để khống chế người nghiện khi đói thuốc, phải có kinh phí để mua thuốc điều trị cắt cơn, phải có lực lượng công an, dân phòng bảo vệ đảm bảo an ninh trật tự,… Nhưng đến nay, ngoài cán bộ y tế đã được tập huấn phương pháp điều trị cắt cơn thì tất cả vẫn là số không tròn trĩnh.  Đây cũng là tình trạng chung của 118 xã, phường, thị trấn có người nghiện ở trong tỉnh.  

 Nguyễn Xuân Quý, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh cho biết: Vừa qua, Chi cục đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra tình hình thực hiện công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng ở một số địa bàn trọng điểm có nhiều người nghiện ma túy trong tỉnh và kết quả là: 51/118 xã, phường, thị trấn có người nghiện đã thành lập được đội hoạt động tình nguyện, tổ công tác cai nghiện. Nhưng các tổ, đội này cũng chỉ làm công tác tuyên truyền và hoạt động chưa hiệu quả. Các thành viên của các tổ công tác cai nghiện chủ yếu là hoạt động kiêm nhiệm nên khó khăn trong việc bố trí thời gian cũng như triển khai các hoạt động chuyên môn, nhất là các hoạt động liên quan đến quản lý, tư vấn cho người cai nghiện, tổ chức điều trị cắt cơn giải độc. Mặt khác, quá trình rà soát thống kê, tập hợp số liệu người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý còn gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân là do người nghiện ma túy thường tìm mọi cách để che giấu tình trạng bản thân. Gia đình người nghiện thiếu ý thức tự giác khai báo, hợp tác. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí cho hoạt động điều trị cắt cơn ban đầu ở các địa phương đều chưa có hoặc hết sức hạn hẹp chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn công tác. Các trạm y tế đều chưa có phòng chuyên dụng với các phương tiện cần thiết. Đa số chính quyền các địa phương còn thiếu sự quan tâm, chỉ đạo, tổ chức hực hiện, bố trí kinh phí, nguồn nhân lực… cho hoạt động này. Một số địa phương đã vào cuộc nhưng kinh phí quá hạn hẹp nên không thể triển khai thực hiện. Một nguyên nhân nữa khiến cho công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng gặp nhiều khó khăn lại xuất phát từ chính gia đình người nghiện. Cai nghiện tại gia đình và cộng đồng thì người nghiện phải tự nguyện và phải đóng khoản tiền khá lớn (để điều trị cắt cơn và mua thuốc), trong khi đó hầu hết người nghiện đều thuộc diện hộ nghèo, khó khăn về kinh tế (vì đã tiêu tốn chi phí để mua thuốc thỏa mãn cơn nghiện). Không ít gia đình đã tự nguyện đưa con em đi cai song chỉ một thời gian họ nản chí vì kết quả của việc cai nghiện không phải một sớm một chiều... Thực trạng trên đã tác động không nhỏ đến hiệu quả của chương trình này. Cùng với đó là xã hội vẫn còn tâm lý định kiến nặng nề với người nghiện. Thế nên nhiều người nghiện sau cai không tìm được việc làm. Điều này khiến họ rơi vào tình trạng kinh tế khó khăn. Và cũng chính từ việc quá nhàn rỗi dễ dẫn đến hậu quả tái nghiện…

Đắk Lắk là 1 trong 15 tỉnh thành và là tỉnh duy nhất khu vực Tây Nguyên được thực hiện thí điểm hỗ trợ vốn cho người sau cai nghiện theo Quyết định 29/TTCP - 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng chính quyền các địa phương trong tỉnh đã bỏ qua cơ hội tốt này, không quan tâm, giúp đỡ người sau cai nghiện trên địa bàn mình được tiếp cận với các nguồn vốn vay này để tái hòa nhập cộng đồng.

Trong khi chờ đợi có giải pháp tháo gỡ những khó khăn kể trên, hiện nay ngành chức năng chỉ có thể hy vọng vào việc mở rộng mô hình điều trị thay thế bằng thuốc Methadone. Đây là liệu pháp điều trị lâu dài, sử dụng bằng đường uống, có kiểm soát, giá thành rẻ, giúp người nghiện giảm cảm giác thèm ma túy, giảm tần suất sử dụng các chất ma túy, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu, đồng thời giảm số vụ phạm tội, vi phạm trật tự xã hội do nghiện ma túy.

 Minh Quân


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.