Multimedia Đọc Báo in

Một lương y hết mình với người bệnh

18:09, 15/09/2014
Gần 30 năm gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên là chừng ấy thời gian lương y Vi Văn Đào dùng bài thuốc gia truyền của mình cứu chữa cho hàng nghìn người thoát cơn hiểm nghèo do rắn cắn. Vì thế, ông đã được người dân trong vùng gọi bằng cái tên thân mật “Thầy rắn”.

Sinh trưởng trong một gia đình có nghề thuốc gia truyền, từ thuở nhỏ ông đã được làm quen với cây thuốc và chứng kiến cha chữa trị thành công cho nhiều người bị rắn độc cắn. Và những kiến thức ấy được tích lũy dần trong ông để rồi khi trưởng thành, ông lại nối nghiệp cha làm nghề bốc thuốc cứu người. Khi gia đình chuyển từ Bắc Giang vào định cư tại thôn 8 (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) sinh sống, sẵn có nghề gia truyền, ông tham gia sinh hoạt Hội Đông y huyện Buôn Đôn và làm các thủ tục để được ngành chức năng cấp giấy chứng nhận đối với bài thuốc gia truyền nhằm góp sức cùng với các lương y khác trên địa bàn tham gia chữa bệnh cứu người. Ông kể: “Lúc gia đình tôi chuyển vào đây làm kinh tế, đường sá đi lại còn nhiều khó khăn, nên khi thấy bà con bị rắn cắn, sẵn có nghề trong tay, tôi giúp bà con cho kịp thời, chứ để lâu nọc độc của rắn phát tác sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Một vài lần thành quen, dần dần bà con trong vùng rỉ tai nhau, cứ hễ ai bị rắn cắn cũng tìm đến nhờ tôi chữa trị”. Bài thuốc chữa rắn cắn của ông Đào là sự kết hợp giữa lá cây và rễ cây. Để có thuốc chữa bệnh cho bà con, hằng ngày ông vào rừng tìm hái lá thuốc, với những loại thảo dược núi rừng, trong vùng không có ông nhờ người thân ở quê tìm kiếm giúp và gửi vào. Chia sẻ về cách chữa bệnh của mình, ông bộc bạch: “Tùy vào độc tố của từng loại rắn mà có các cách chữa trị khác nhau, nhưng tất cả những người bị rắn cắn đều phải uống thuốc, đắp thuốc và xoa bóp. Trường hợp người bị rắn cắn biết được loại rắn, hoặc bắt được rắn mang đến thì dễ chữa trị hơn, nếu không biết thì tôi phải dựa theo triệu trứng nhiễm độc và kinh nghiệm để phán đoán loại rắn gì cắn, để từ đó đưa ra cách chữa trị phù hợp…”.

Ông Vi Văn Đào với bài thuốc chữa rắn cắn  gia truyền.
Ông Vi Văn Đào với bài thuốc chữa rắn cắn gia truyền.

Nhờ bài thuốc gia truyền của ông Đào, nhiều người dân nơi đây đã thoát cơn hiểm nghèo khi không may bị rắn cắn. Đơn cử như trường hợp của cụ Nguyễn Thị Năm (thôn 10, xã Tân Hòa), 2 lần bị rắn độc cắn đều được ông Đào cứu chữa kịp thời. Cụ Năm tâm sự: “Có lẽ tôi là người may mắn nhất khi 2 lần bị rắn độc cắn đều được thầy Đào cứu sống. Năm 2010, sau khi tôi bị rắn cắn, các con tôi đã tìm đến cầu cứu thầy Đào. Lúc thầy đến nơi toàn thân tôi đã cứng đờ, tím tái. Thấy vậy, thầy Đào đã cho tôi uống thuốc giải độc, khoảng 15 phút sau thì tôi tỉnh lại và nói chuyện được. Sau đó tôi tiếp tục được thầy cho uống thuốc trong 1 tuần liên tục thì khỏi hẳn”. Hay như trường hợp của em Nguyễn Thị Rô Sa Lem (thôn 9, xã Tân Hòa), lúc theo cha vào rừng em bị rắn hổ mèo cắn mà không hề hay biết, chỉ khi về đến nhà, thấy chân em sưng to, đầu óc choáng váng, bất tỉnh, gia đình xem xét mới phát hiện vết rắn cắn ở chân liền đưa em sang nhà thầy Đào chữa trị.

Chị Nguyễn Thị thanh Thủy, mẹ của Sa Lem chia sẻ: “Lúc đưa cháu sang nhà ông Đào cả gia đình lo lắm vì chúng tôi không biết cháu bị rắn cắn nên để quá lâu. Sau khi được ông cho uống thuốc, một lúc sau cháu dần tỉnh lại khiến cả gia đình vui mừng khôn xiết. Tiếp tục trong vòng 10 ngày sau đó, ngày nào ông cũng sang nhà điều trị bằng cách đắp thuốc và xoa bóp chân nên cháu đã khỏi hẳn. Giờ cháu đi học xa nhà nhưng mỗi lần về là lại chạy ngay sang thăm ông Đào, nó coi ông như ông của mình vậy”. Đánh giá về bài thuốc gia truyền chữa rắn cắn của lương y Vi Văn Đào, ông Đặng Hùng Trúc, cán bộ chuyên trách Hội Đông y huyện Buôn Đôn cho biết: “Lương y Vi Văn Đào là một trong những hội viên ưu tú, rất tâm huyết với nghề, bản thân ông có bài thuốc gia truyền trị độc do bị rắn cắn rất hiệu quả. Nhờ bài thuốc này mà rất nhiều người bệnh đã thoát khỏi cơn nguy kịch”.

Không chỉ có người dân trong vùng, bệnh nhân đến nhờ ông chữa trị ở nhiều nơi khác nhau, cả trong và ngoài tỉnh. Gần 50 năm làm nghề bốc thuốc cứu người, ông Đào không nhớ nổi mình đã chữa cho bao nhiều người, mà chỉ  nhớ rằng mình chưa từng từ chối bất kỳ một trường hợp nào đến cầu cứu. Có lẽ với ông được sử dụng phương thuốc gia truyền để chữa bệnh cứu người là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời.

 Vân Anh

 

 


Ý kiến bạn đọc