Multimedia Đọc Báo in

Bảo hiểm y tế: Chờ vào bệnh viện... mới mua!

15:57, 08/04/2013

Thực tế cho thấy khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT) đã giúp nhiều người bệnh có hoàn cảnh khó khăn vượt qua bệnh tật, cứu nhiều gia đình không rơi vào cảnh bần cùng khi phải chữa trị đau ốm cho người thân. Tuy nhiên, việc mua và khám chữa bệnh bằng BHYT vẫn còn nhiều rào cản.


KCB BHYT theo định suất - một hướng mở có lợi cho người đi khám và lợi cho cả cơ sở y tế.      Ảnh: Kim Oanh
KCB BHYT theo định suất - một hướng mở có lợi cho người đi khám và lợi cho cả cơ sở y tế. Ảnh: Kim Oanh

 

Bà Nguyễn Thị Hoa (70 tuổi, ở thôn Hòa Hưng, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) nói: “Trước đây tôi cũng tham gia BHYT, nhưng sau này lại thôi vì thấy mấy chục năm đóng BHYT nhưng tôi chưa sử dụng đến thẻ BHYT lần nào. Tôi thường xuyên trao đổi về bệnh tật, sức khỏe với một bác sĩ quen biết ở phòng mạch gần nhà…”.

Cũng như bà Hoa, không ít người vẫn thờ ơ khi nói đến việc tham gia BHYT, nhất là những hộ khó khăn. Hiện nay Nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT cho một số đối tượng như trẻ em, người già, người nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng có nhiều khó khăn… nên không ít người có tâm lý nếu được Nhà nước hỗ trợ mua thì sử dụng, chứ việc bỏ tiền mua BHYT thì từ từ, khi nào đau ốm thì sẽ tính.

Với rất nhiều người dân, BHYT chỉ có ý nghĩa khi bị bệnh nan y hay phải điều trị dài ngày ở bệnh viện. Song cũng cần nêu ra ở đây là người dân không mua BHYT một phần là do quy định về việc khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT chặt chẽ đến khắt khe. Chị Nguyễn Thị Quý Thơ (45 tuổi, ở buôn Niêng 1, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) cho biết, mỗi lần đi khám ở bệnh viện huyện hay các bệnh viện tuyến trên theo hình thức khám BHYT có rất nhiều thủ tục nên mất khá nhiều thời gian. Mỗi khi vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám bệnh chị phải chờ đợi rất lâu. Ban đầu là xếp hàng chờ đăng ký khám, chờ đến phiên khám bệnh, chờ nộp tiền thuốc, rồi xếp hàng chờ lấy lại thẻ, chờ lấy thuốc và còn một vài khâu chờ đợi nữa. Nếu phải làm các xét nghiệm lâm sàng thì mất hẳn một ngày.

Còn anh Trần Văn Bình (thôn 6, thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar) có mẹ 80 tuổi bị bệnh tai biến thì cho rằng thủ tục BHYT quá khắt khe với người bệnh nặng. Là bệnh nan y nên đều đặn 1 tháng cụ bà phải tái khám 1 lần. Theo quy định mỗi khi tái khám anh phải đưa mẹ ra Trạm Y tế thị trấn Ea Pôk, nơi đăng ký ban đầu khám bệnh, sau đó chuyển lên Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar, rồi mới chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Việc này là không thể với tình trạng bệnh tật cũng như hoàn cảnh của gia đình. Vì thế anh bỏ không khám bệnh cho mẹ bằng BHYT nữa mà tự túc hoàn toàn, dẫu thẻ BHYT của cụ  bà có mã thẻ là HT2 thuộc diện người có công được hưởng 100% chế độ.

Chị Trần Thị  Ân (thôn 1, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) có mẹ 87 tuổi mắc bệnh hiểm nghèo được bệnh viện cho điều trị ngoại trú cũng cho rằng, sử dụng BHYT khi điều trị ngoại trú cũng khá phiền phức. Với hiện trạng bệnh tật của cụ bà, mỗi lần chị chở đi tái khám để lấy thuốc uống dài ngày là quá vất vả, chị cũng phải tự  mua thuốc cho mẹ. Khi nào cụ bà phải nhập viện thì mới dùng BHYT.

Trong khi hiện nay quỹ BHYT chiếm phần lớn trong chi phí hoạt động của các cơ sở y tế có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, có nơi chiếm đến 80-90% kinh phí khám chữa bệnh thì người dân vẫn cho rằng khám chữa bệnh bằng BHYT rất phiền hà, mà chưa bàn đến chất lượng. Chị Trần Thị Liễu cộng tác viên - Đại lý BHYT ở xã Ea M’droh (huyện Cư M’gar) chia sẻ, mỗi lần mời ai đó mua BHYT tự nguyện chị đều nhận được câu trả lời là khi nào bị ốm mới mua, vì đến bệnh viện khám BHYT rất mất thời gian. Tiền công bỏ cả ngày đi khám ở bệnh viện thì xem như mình chi vào tiền mua thuốc, thế là hòa. Vì vậy từ đầu năm 2013 đến nay tại xã Ea M’droh chị Liễu chỉ mời được 20 người mua BHYT tự nguyện, chủ yếu là người hay đau ốm và người trong gia đình. 

Bác sĩ Châu Đương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar phân tích: Mỗi ngày Bệnh viện khám trên 200 ca bệnh, trong đó có hơn ½ là không có thẻ BHYT. Nếu tính ra tiền thì mỗi đợt khám bệnh có thẻ BHYT khoảng 200.000 đồng, còn không có BHYT thì số tiền có thể lên đến 700.000 đồng nếu phải làm các xét nghiệm lâm sàng. Nhiều bệnh nhân khó khăn không có khả năng chi trả, Giám đốc đành linh hoạt duyệt miễn phí. Nhưng khi động viên gia đình mua BHYT họ đều lắc đầu.

Còn bác sĩ Nguyễn Ngọc Tiên, Phó khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh tính: Trung bình mỗi ngày bác sĩ của khoa phải khám từ 50-80 bệnh nhân, cao điểm lên đến 100 bệnh nhân. Sự làm việc quá tải của các bác sĩ kéo theo đó là sự mệt mỏi vì chờ đợi của bệnh nhân.

Chính vì vậy, nhiều người dân mong muốn, giá như tất cả các cơ sở y tế tư nhân trong tỉnh đều triển khai khám chữa bệnh bằng BHYT và lược bỏ bớt những thủ tục có thể thì BHYT sẽ đến với mọi nhà và không cần phải chờ vào bệnh viện mới mua…

Xuân Hòa


Ý kiến bạn đọc