Multimedia Đọc Báo in

Nguồn vốn “Khởi nghiệp”: Chắp cánh cho những ước mơ làm giàu của thanh niên Dak Lak

10:02, 13/06/2011

Với 3 ha đất nông nghiệp gần đường giao thông, gần hệ thống thủy lợi, điều kiện khí hậu lại thuận lợi cho việc gieo trồng và chăm sóc cây lúa, từ lâu, chị H’Diệp H’Long, trú tại buôn Knăk, xã Buôn Triết (Lak) đã ấp ủ ước mơ làm giàu từ mô hình trồng lúa nước. Tuy nhiên, khó khăn mà chị gặp phải chính là nguồn vốn. H’Diệp H’Long cho biết: “Ngoài nguồn vốn tự có khoảng 30 triệu đồng, tôi cần phải có thêm 20 triệu đồng nữa mới đủ để thực hiện mô hình. Trong lúc không biết làm thế nào để có đủ tiền thì tôi được tiếp cận với nguồn vốn “Khởi nghiệp” của Hội LHTN Việt Nam tỉnh. Nó đã giúp tôi thực hiện ước mơ của mình”.

Cùng với H’Diệp H’Long, còn có H’Kam Rya, Hoàng Trung Hiến và Tạ Viết Triều cũng bước vào con đường “khởi nghiệp” làm kinh tế từ chính những đồng vốn vay từ “Quỹ khởi nghiệp” của Hội LHTN tỉnh. Và đến nay, bước đầu, họ đã đạt được những thành công nhất định.

Nguồn vốn hỗ trợ thanh niên “Khởi nghiệp” của Hội LHTN Việt Nam tỉnh được trích từ “Quỹ khởi nghiệp” do Hội LHTN Việt Nam tỉnh vận động từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, được triển khai từ năm 2008 nhân dịp kỷ niệm 52 năm Ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam. Chương trình hiện đang trong giai đoạn thí điểm. Thanh niên là chủ đề án phát triển kinh tế được Hội đồng thẩm định “Quỹ khởi nghiệp” phê duyệt, sẽ được vay vốn 20 triệu đồng, không phải trả lãi. Đến thời hạn hoàn vốn, chủ đề án phải hoàn trả vốn theo đúng quy định. Tính đến nay, Hội LHTN tỉnh đã nhận được gần 15 đề án của thanh niên từ các huyện, thị, thành phố gửi về. Các đề án thể hiện được sự đa dạng về ý tưởng phát triển kinh tế của thanh niên, có người sử dụng vốn vay để chăn nuôi, có  người thực hiện mô hình trồng trọt… Qua quá trình thẩm định, tại Đại hội Hội LHTN Việt Nam tỉnh lần thứ VI, Ủy ban Hội đã giao vốn cho 3 đề án có tính khả thi nhất. Đó là các đề án: “Chăn nuôi heo thịt” của anh Hoàng Trung Hiến, Bí thư Đoàn xã Tân Hòa (Buôn Đôn); “Nuôi bò sinh sản” của chị H’Kam Rya, Bí thư Đoàn xã Ea Huar (Buôn Đôn) và đề án “Trồng cây lúa nước” của chị H’Diệp H’Long, xã Buôn Triết (Lak). Năm 2010, Ủy ban Hội LHTN tỉnh tiếp tục giao vốn cho đề án “Nuôi nhím sinh sản” của anh Tạ Viết Triều, xã Xuân Phú (Ea Kar).

Chị Nguyễn Thị Lý, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Dak Lak trao vốn khởi nghiệp cho thanh niên tại huyện Lak.
Chị Nguyễn Thị Lý, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Dak Lak trao vốn khởi nghiệp cho thanh niên tại huyện Lak.
Sau một thời gian triển khai nguồn vốn hỗ trợ, đến nay, bước đầu, các đề án ít nhiều đã mang lại những kết quả nhất định. Với 20 triệu đồng được hỗ trợ, chị H’Kam Rya ở xã Ea Huar (Buôn Đôn) đã mua 2 con bò cái sinh sản và 2 bò con và đến nay, đàn bò của chị đã sinh được thêm 2 con nhỏ; trừ vốn đầu tư đã có lãi gần 10 triệu đồng. Còn chị H’Diệp H’Long, chỉ sau hơn một năm thực hiện mô hình trồng lúa nước, chị đã hoàn trả lại số vốn vay cho Hội LHTN Việt Nam tỉnh, trừ chi phí các khoản, tiền lãi mà chị thu được từ việc thực hiện mô hình gần 100 triệu đồng. Mô hình “Nuôi nhím sinh sản” của anh Tạ Viết Triều và mô hình “Nuôi heo sinh sản” của anh Hoàng Trung Hiến cũng đang bước đầu mang lại hiệu quả nhất định, số lượng đàn nhím, đàn heo cũng đang tăng dần về số lượng.

Chị Nguyễn Thị Lý, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHTN Việt Nam tỉnh cho biết: “Ủy ban Hội LHTN tỉnh sẽ dành phần ưu tiên cho những thanh niên người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn nhưng có ý tưởng làm giàu chính đáng và đề án kinh tế mang tính khả thi cao, độ rủi ro thấp. Hiện nay, nguồn vốn đang triển khai thực hiện trong giai đoạn thí điểm, kết thúc giai đoạn này, Ủy ban Hội tỉnh sẽ tiến hành họp đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn vốn “Khởi nghiệp” của thanh niên để thời gian tới tiếp tục thẩm định, hỗ trợ vốn cho thanh niên. Hiện tại, tuy chưa hết giai đoạn thực hiện thí điểm, nhưng Ủy ban Hội đã tiếp tục nhận được một số đề án của thanh niên gửi về cấp tỉnh chờ thẩm định, giao vốn trong thời gian tới”. Có thể nói, nguồn vốn “Khởi nghiệp” dành cho thanh niên tuy không lớn, nhưng đã tạo điều kiện biến những ý tưởng phát triển kinh tế của thanh niên trở thành hiện thực; tạo động lực thúc đẩy tuổi trẻ lập nghiệp. “Hy vọng rằng nguồn vốn “Khởi nghiệp” sẽ ngày càng đến được với nhiều bạn trẻ Dak Lak bởi lẽ hiện nay, nhiều bạn trẻ tỉnh nhà đang có những ý tưởng làm ăn hay, mới mẻ và thực sự hiệu quả, nhưng khó khăn họ đang gặp phải chính là nguồn vốn” - đó là những mong muốn của chị H’Diệp H’Long cũng như nhiều thanh niên khác.

Nguyễn Thị Linh


Ý kiến bạn đọc