Multimedia Đọc Báo in

Những công trình ý nghĩa mang dấu ấn thanh niên

17:08, 12/02/2011

Thực hiện lời dạy của Bác “Đâu cần thanh niên có. Đâu khó có thanh niên”, trong thời gian qua, đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh đã hưởng ứng phong trào “Tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, thi đua triển khai thực hiện hàng trăm công trình thanh niên có ý nghĩa trong các lĩnh vực nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ những gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng nếp sống văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số; trồng rừng, tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp, bảo vệ môi trường…

Từ những công trình nhân ái...
Nhiều năm qua, hai mẹ con bà Nguyễn Thị Chiến, cựu Thanh niên xung phong tại thôn 4, thị trấn Ea Pôk (Cư M’gar) phải sống trong căn nhà lụp xụp, dột nát. Biết hoàn cảnh của bà, Huyện Đoàn Cư M’gar đã khảo sát và vận động nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chi Nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh để xây dựng một ngôi nhà mới cho gia đình bà Chiến. Cuối tháng 11-2010, ngôi nhà cấp 4 có diện tích sử dụng 40 m2 được hoàn thành với tổng kinh phí 60 triệu đồng, trong đó Chi đoàn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ 25 triệu đồng và UBND thị trấn Ea Pôk hỗ trợ 2 triệu đồng, còn lại do anh em trong dòng họ và bà con lối xóm ủng hộ. Vậy là năm nay, mẹ con bà Chiến đã được đón tết trong căn nhà mới khá khang trang, không còn phải lo ngay ngáy nhà dột mỗi khi mùa mưa đến. Bà Nguyễn Thị Chiến cảm kích: “Nhờ các cháu đoàn viên thanh niên mà hai mẹ con tôi mới có được căn nhà như thế này…”.
Ngoài ngôi nhà nhân ái của bà Nguyễn Thị Chiến, trong năm 2010, Huyện Đoàn Cư M’gar đã vận động hỗ trợ xây dựng thêm 4 nhà khác cho các cựu thanh niên xung phong, gia đình chính sách nghèo, trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn và cán bộ Đoàn nghèo tại các xã Ea Mdroh, Ea Kpam, Ea Kuêh và thị trấn Ea Pôk. Những ngôi nhà này đều được hỗ trợ bình quân khoảng 30 triệu đồng/nhà từ nguồn vốn được Huyện Đoàn vận động từ các cá nhân, tổ chức hảo tâm hoặc các cơ quan, đơn vị. Trong quá trình xây dựng, cán bộ, đoàn viên thanh niên  Huyện Đoàn cũng tham gia giám sát thi công cho đến khi công trình hoàn thiện và bàn giao cho các hộ gia đình. Ngoài việc xây dựng nhà nhân ái, trong năm 2010, Huyện Đoàn Cư M’gar còn vận động đào được hai giếng nhân ái cho các hộ nghèo ở xã Ea Kuêh với nguồn kinh phí 40 triệu đồng. Đoàn viên thanh niên huyện Cư M’gar còn nhiệt tình hưởng ứng Hành trình Nhân ái “Mái ấm mùa đông” với hoạt động mua vải bạt không thấm để căng tránh gió mưa cho những hộ có nhà ván, nhà tạm bợ trên địa bàn.

Mẹ con bà Nguyễn Thị Chiến trong ngôi nhà nhân ái mới được xây dựng. (Ảnh: Hồng Thủy)
Mẹ con bà Nguyễn Thị Chiến trong ngôi nhà nhân ái mới được xây dựng. (Ảnh: Hồng Thủy)


Không chỉ Huyện Đoàn Cư M’gar, xây dựng các công trình thanh niên và tổ chức các hoạt động nhân đạo, từ thiện, trợ giúp đồng bào nghèo cũng là trọng tâm chương trình công tác của nhiều cơ sở Đoàn trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu như: Đoàn khối các cơ quan tỉnh xây dựng Nhà nhân ái ở huyện Krông Ana với trị giá 60 triệu đồng; Đoàn phường Thắng Lợi (TP.Buôn Ma Thuột) huy động 20 đoàn viên thanh niên sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo với trị giá 30 triệu đồng; Huyện Đoàn Lak tổ chức tặng bò sinh sản cho gia đình cán bộ Đoàn có hoàn cảnh khó khăn tại xã Dak Phơi trị giá 10 triệu đồng; Đoàn khối các cơ quan tỉnh tổ chức chương trình khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho đồng bào nghèo các xã Cư Drăm (Krông Bông) và Ea Rbin (Lak) với trị giá 35 triệu đồng… Ngoài giá trị kinh tế, trong phạm vi công tác chuyên môn của mình, nhiều cơ sở Đoàn đã thực hiện các công trình có ý nghĩa xã hội, đơn cử như: Đoàn cơ sở Điện lực Dak Lak đã tổ chức kéo điện lưới cho 42 hộ dân nghèo tại xã Cư Huê (Ea Kar), kéo điện cho làng thanh niên lập nghiệp tại xã Ya Lốp (Ea Súp), thay dây dẫn bị tróc bọc, thay bóng đèn cũ, hỏng bằng bóng đèn compatc tiết kiệm điện cho bà con, sửa lại các vị trí trụ điện bị nghiêng, và mất an toàn, xử lý các mối nối có nguy cơ rò rỉ điện, chập điện nguy hiểm, cải tạo hệ thống điện trong nhà… cho các hộ dân; Đoàn viên thanh niên Đoàn cơ sở Viễn thông Dak Lak - Dak Nông tổ chức chương trình từ thiện đấu giá sim đẹp “gây quỹ yêu thương” và thu được hàng trăm triệu đồng để góp vào quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh.

...đến các công trình góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở các thôn, buôn
Xây dựng bến nước, các sân bóng chuyền, tổ chức các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao…. là những hoạt động thiết thực mà đoàn viên thanh niên các cơ sở đoàn tổ chức với mong muốn góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở các buôn làng.

Ngày khánh thành công trình Bến nước buôn Yun, xã Dlêi Ya (Krông Năng) đã trở thành ngày hội thật sự của người dân trong buôn và cũng là niềm hạnh phúc vô bờ của lực lượng thanh niên tình nguyện đứng chân trên địa bàn này. Bởi lẽ để có được công trình này là cả một sự nỗ lực rất lớn của những thanh niên tình nguyện và cả bà con nơi đây. Công trình do Chi đoàn Hồ sơ nghiệp vụ (Công an tỉnh) và Trường Trung cấp nghề Dak Lak thực hiện cùng với sự hỗ trợ về vật liệu của Công ty Vật tư và xây dựng Dak Lak với tổng kinh phí đầu tư trên 15 triệu đồng. Ông Y Hợp, Buôn trưởng buôn Yun cho biết: “Công trình bến nước đưa vào sử dụng đã góp phần giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt của bà con. Trước đây, khi chưa có bến nước, người dân trong buôn chủ yếu sử dụng nước suối để sinh hoạt nên vừa rất mất vệ sinh lại hay xảy ra xích mích do tranh nhau nguồn nước”. Chứng kiến từ đầu khi công trình được khởi công, ông Ama Pheng, chủ bến nước vui vẻ nói: “Dù đây là lần đầu tiên buôn Yun được đón thanh niên tình nguyện về, nhưng bà con rất cảm mến các bạn vì thấy mọi người ai cũng chịu thương chịu khó, giúp đỡ dân trong buôn nhiều lắm”. Bạn Chu Thị Lan, sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Dak Lak chia sẻ: Lúc xây dựng, do bến nước cách khá xa đường lớn nên phải vận chuyển vật liệu bằng sức người. Thấy thanh niên tình nguyện vất vả quá nên thanh niên trong buôn không ai bảo ai đã cùng tự giác đến giúp đỡ các bạn rất nhiều. Theo Lan, đó là sự thay đổi nhận thức rất lớn trong tầng lớp thanh niên nơi đây.

Đoàn viên thanh niên Viễn thông Dak Lak - Dak Nông lắp đặt mạng Internet cho các xã vùng sâu, vùng xa. (Ảnh: Thế Hùng)
Đoàn viên thanh niên Viễn thông Dak Lak - Dak Nông lắp đặt mạng Internet cho các xã vùng sâu, vùng xa. (Ảnh: Thế Hùng)


Huyện Đoàn Krông Ana thì phát động phong trào xây dựng sân bóng chuyền tại các địa phương. Trong năm 2010, đoàn viên thanh niên trong huyện đã xây dựng được 21 sân bóng với kinh phí trung bình mỗi sân là 25 triệu đồng (chưa kể công lao động do đoàn viên thanh niên tham gia). Những sân bóng này không chỉ là nơi để thanh niên có chỗ giải trí sau những giờ lao động mệt nhọc mà đã trở thành địa điểm sinh hoạt của đồng bào các thôn, buôn. Hơn thế, nhờ có sân chơi, tình hình trật tự xã hội tại những nơi này đã được cải thiện đáng kể. Anh Thái Văn Tài, nguyên là Bí thư Huyện đoàn Krông Ana, người khởi xướng phong trào này cho biết đó là hiệu quả bất ngờ ngoài sức mong đợi. Nhớ lại những sân bóng đầu tiên được xây dựng, anh Tài chia sẻ, do khó khăn về kinh phí mua vật liệu nên Huyện Đoàn phải vận động sự hỗ trợ từ các cơ quan, ban ngành, đoàn thể. Tuy nhiên, ban đầu, đoàn viên thanh niên phải tự đóng góp để xây dựng, sau này, khi đã thấy được hiệu quả của các công trình mang lại thì việc vận động kinh phí đã dễ dàng hơn rất nhiều. Đồng chí Phạm Ngọc Nghị, Bí thư Huyện ủy Krông Ana, đánh giá: “Những công trình này không chỉ góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở mà còn giúp đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.

Và những công trình chăm sóc, bảo vệ rừng, xây dựng môi trường xanh-sạch-đẹp
Trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng; xây dựng các vườn cây thanh niên; tu sửa đường giao thông, dọn vệ sinh đường các thôn, buôn, khối phố; xây dựng tuyến đường xanh thanh niên… là những công trình mà rất nhiều cơ sở Đoàn trên địa bàn tỉnh thực hiện trong năm 2010. Những công trình này không chỉ góp sức xây dựng môi trường xanh-sạch-đẹp mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục đoàn viên thanh niên có ý thức bảo vệ môi trường. Tiêu biểu nhất có thể kể đến công trình trồng rừng và phát quang rừng tếch của đoàn viên thanh niên Tiểu đoàn 303.

Hiện Tiểu đoàn 303 đang quản lý hơn 70 ha rừng, trong đó có 30 ha rừng tếch và rừng tái sinh. Những năm qua, đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp đến các ngày kỷ niệm, tết trồng cây là đoàn viên thanh niên Tiểu đoàn 303 lại cùng nhau thi đua phủ xanh diện tích đất trống của tiểu đoàn bằng hàng trăm cây xanh.

Thiếu tá Nguyễn Cao Dương, chính trị viên Tiểu đoàn cho biết, trước đây toàn bộ khu rừng này bị người dân khai thác cạn kiệt chỉ còn lại bụi cây và mấy cây gỗ dầu thưa thớt. Vì vậy, để cải tạo lại vườn cây, Tiểu đoàn đã phát động phong trào “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh” và được 100% các đoàn viên thanh niên trong đơn vị hưởng ứng. Nhờ vậy từ năm 2002 đến nay, đoàn viên thanh niên trong chi đoàn đã trồng được 30 ha rừng tếch, riêng trong năm 2010 để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Tiểu đoàn đã tiến hành trồng hơn 7 ha rừng với hơn 13.000 cây các loại, huy động hơn 300 cán bộ, đoàn viên thanh niên tham gia trên 2.000 ngày công với trị giá trên 100 triệu đồng. Để giải quyết khó khăn về kinh phí, chi đoàn đã có sáng kiến phát động các chiến sĩ sau khi xuất ngũ trồng 5-10 cây xanh kỷ niệm cho đơn vị, đồng thời đề nghị Ban Chỉ huy Tiểu đoàn trích quỹ từ 10-15 triệu đồng mỗi năm để mua cây giống cho đoàn viên thanh niên thực hiện công trình.  Để bảo vệ khu rừng, ngăn người dân vào chặt phá, ngoài việc vận động nâng cao ý thức của người dân, hằng ngày đoàn viên thanh niên trong chi đoàn tổ chức đi tuần tra kiểm soát. Thiếu tá Phạm Mạnh Tấn, Bí thư chi đoàn Tiểu đoàn 303 cho biết: trong năm 2011, đoàn viên thanh niên Tiểu đoàn sẽ trồng thêm 10 ha rừng các loại, trong đó cây tếch vẫn là lựa chọn hàng đầu vì phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở đây. 

Không chỉ có những cánh rừng tếch tốt tươi, ở Tiểu đoàn 303,  từ khu nhà ở đến vườn tăng gia, vườn hoa, cây cảnh, khu thể thao... đâu đâu cũng xanh, sạch, đẹp, chính quy. Xung quanh đơn vị, nơi nào cũng hiển hiện “công trình thanh niên”.

 

Anh Hùng Nam Thủy

 


Ý kiến bạn đọc