Multimedia Đọc Báo in

Lò rèn trong phố của nghệ nhân người Nùng

08:11, 16/07/2016
Giữa trung tâm TP. Buôn Ma Thuột hiện đại, náo nhiệt, ít ai để ý đến lò rèn thủ công của một nghệ nhân người Nùng vẫn ngày ngày đỏ lửa tạo ra nhiều công cụ sản xuất như: dao quắm, dao phay, cuốc, xẻng, xà beng, kéo, liềm… phục vụ khách hàng trong và ngoài tỉnh. Đó là lò rèn của ông Nhằm Văn Khiêu (SN 1961) ở đường Lê Duẩn, phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột). 
 
Di cư từ huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) vào Đắk Lắk lập nghiệp từ năm 1983, vợ chồng ông Khiêu cần mẫn khai hoang, cải tạo đất trồng trọt. Gặp những mảnh kim loại trong quá trình khai hoang, làm đất, ông nảy sinh ý định phục hồi lại nghề rèn gia truyền ở quê nhà. Từ những mảnh kim loại tưởng chỉ để bán đồng nát, đôi tay khéo léo của ông đã tạo ra những sản phẩm hữu ích phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của gia đình và người dân quanh vùng như: dao, cuốc, xẻng,... Sản phẩm ông làm ra vừa phong phú đủ kích cỡ lại bền, đẹp, giá cả phải chăng nên người tìm đến mua rất đông. Dần dần tiếng lành đồn xa, không chỉ người dân Buôn Ma Thuột mà nhiều khách hàng ở các huyện, tỉnh khác cũng tìm đến nhờ ông rèn công cụ sản xuất. Có nhiều người ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang, Nghệ An… đến Đắk Lắk chơi đã mua các sản phẩm từ lò rèn của ông về sử dụng hoặc bán lại, thấy các sản phẩm ông làm ra bền, đẹp, tiện lợi nên khách lại tiếp tục đặt hàng mua tiếp.  
Ông Khiêu bên lò rèn thủ công.
Ông Khiêu bên lò rèn thủ công.
Những sản phẩm do ông làm ra phong phú, đa dạng và độc đáo: có những sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc Nùng như dao quắm, dao phay, búa bổ củi…, có những dụng cụ được cách tân cho phù hợp với tập quán canh tác, thói quen sử dụng của mỗi dân tộc, vùng miền khác nhau. Khi có khách đến mua hàng, ông Khiêu tận tình giới thiệu tính năng của từng loại sản phẩm. Trung bình các dụng cụ sản xuất ở đây có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng mỗi chiếc, tùy theo chủng loại và kích cỡ. Chị Huỳnh Thị Thủy (TP. Buôn Ma Thuột), một vị khách đến mua hàng cho biết: “Mình cần mua một chiếc cuốc trồng rau nhưng đi quanh phố chẳng biết tìm mua ở đâu. Được bạn bè chỉ đến lò rèn thủ công của bác Khiêu thì thấy ở đây có nhiều loại cuốc, vừa bền, đẹp giá lại rẻ nên mình mua luôn 2 cái để tặng cô bạn thân gần nhà”.
 
Khác với những cơ sở sản xuất hiện đại ngày nay hầu hết đều sử dụng máy dập sắt thay cho sức người, lò rèn của ông Nhằm Văn Khiêu vẫn dùng búa đập từng thanh sắt để tạo dáng sản phẩm, dùng nước để tôi luyện độ cứng của sắt và đặc biệt ông đoán độ chuẩn của sản phẩm chỉ bằng cặp mắt của mình. Lò rèn của ông được nhiều người biết đến không chỉ bởi kỹ thuật rèn điêu luyện chính xác của người thợ lành nghề mà còn bởi trân trọng ông với lòng say nghề truyền thống, biết giữ chữ tín, có trách nhiệm với khách hàng. 
 
Với sự cần cù, chịu khó lao động, vợ chồng ông Nhằm Văn Khiêu cùng lò rèn truyền thống của gia đình đã nuôi hai đứa con học xong đại học, xây dựng nhà cửa khang trang. Mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, cậu con trai lớn lại phụ cha đập rèn, tiếp tục giữ nghề gia truyền bao đời nay.
 
Trung Hải

Ý kiến bạn đọc