Multimedia Đọc Báo in

Thác đẹp... hiu hắt khách!

18:17, 14/06/2015

Thác Krông Kmar (huyện Krông Bông) có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhưng thời gian qua, do chưa có sự đầu tư đúng mức nên địa điểm này vẫn chưa thực sự thu hút khách du lịch.

Cách TP. Buôn Ma Thuột khoảng 60 km về hướng Đông Nam, điểm du lịch thác Krông Kmar có diện tích 11 ha, phần thượng nguồn là hệ thống rừng đặc dụng, đồi núi, có đỉnh Chư Yang Sin cao 2.405 m, là một quần thể rừng nguyên sinh, với thảm thực vật đa dạng, phong phú. Bắt nguồn từ đỉnh núi hùng vĩ được mệnh danh là mái nhà của Tây Nguyên này, dòng Krông Kmar đổ xuống chân núi, tạo thành thác Krông Kmar, luôn làm say lòng người với dòng nước chính tuôn tràn xuống, tạo thành những bậc thác nối tiếp nhau, nước đêm ngày đổ xuống bậc đá tung bọt trắng xoá, tạo nên một dây chuyền âm thanh ầm ào vang động cả một góc rừng nguyên sinh. Song có lẽ nét duyên riêng của thác Krông Kmar chính là những phiến đá hiền hòa như say ngủ giữa lòng thác trông như bầy voi phục đang ngâm mình trong làn nước mát lạnh. Vào mùa nước cạn, nơi đây lộ ra những mỏm đá bằng phẳng để du khách dừng  chân  và thưởng lãm cảnh thác. Theo đánh giá của những nhà chuyên môn về du lịch, thác Krông Kmar có nhiều lợi thế để phát triển du lịch tham quan, thám hiểm và nghỉ dưỡng. Nếu dược đầu tư khai thác tốt, nơi đây sẽ là điểm đến lý tưởng cho du khách gần xa.

 Một  góc thác Krông Kmar.
Một góc thác Krông Kmar.

Được cho là một trong những thắng cảnh đẹp ở Krông Bông, những năm qua, nơi này thu hút đông đảo khách địa phương và các huyện lân cận dã ngoại, ngắm cảnh. Từ năm 2002-2005, điểm du lịch này đã đón tiếp 153.000 lượt khách, doanh thu đạt bình quân 895 triệu đồng/năm, cao điểm nhất là năm 2010, đón 27.947 lượt khách, với tổng doanh thu đạt 856 triệu đồng, nhưng 3 năm trở lại đây, lượng khách đến thác giảm đáng kể. Theo ông Nguyễn Phúc Khảng, Trưởng ban quản lý Khu du lịch thác Krông Kmar, khách chỉ đông vào những dịp lễ, Tết, còn ngày thường thì khá im ắng, lượng khách đến đây đã giảm khoảng 30%. Hiện mỗi tuần chỉ có vài chục khách đến tham quan, chủ yếu là khách địa phương, phần lớn là học sinh, thanh niên dã ngoại. Mặc dù từ nhiều năm nay, đơn vị khai thác vẫn giữ nguyên giá vé vào cổng (15.000 đồng/người), dịch vụ ăn uống cũng được niêm yết giá rõ ràng, công khai, tình trạng ăn xin, chặt chém không hề xảy ra… song, vẫn… vắng khách.

Từ năm 2002, thác được giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông quản lý, để khai  thác hoạt động du lịch, đơn vị này đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhiều hạng mục: nhà hàng có sức chứa 400 khách, 17 phòng nghỉ (trong đó có 1 nhà dài nghỉ tập thể), bãi đậu, đỗ xe cho khách, xây dựng bờ kè chống sạt lở bờ suối, hệ thống đường đi bộ 2 bên bờ thác…, với tổng kinh phí 2,4 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách hộ trợ 1 tỷ đồng). Tuy  nhiên, hoạt  động du lịch ở đây cũng chưa thật sự hiệu quả. Dù khu du lịch có nhà nghỉ, nhưng khách ít khi nghỉ lại qua đêm, nên hầu như cửa đóng im ỉm. Theo ban quản lý, công suất sử dụng buồng phòng ở đây đạt chưa đến 30%, lượt khách đến nghỉ dưỡng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trên thực tế, khu du lịch thác Krông Kmar là điểm khai thác du lịch trọng yếu của huyện Krông Bông, là nơi ngắm cảnh, vui chơi chính cho người dân trong và ngoài huyện, tuy nhiên sự phát triển đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Điều này xuất phát từ những hoạt động kinh doanh, phát triển du lịch thiếu sự đầu tư bài bản. Đa số du khách khi đến với thác đều cho rằng, thác đẹp nhưng thiếu hấp dẫn, các dịch vụ giải trí còn đơn điệu, chưa phong phú, vì đến thác, ngoài việc ngắm cảnh, ăn uống thì cũng chẳng có gì để chơi. Theo quan sát, tại khu du lịch này, chưa có dịch vụ nào thật sự chuyên nghiệp, từ nhà nghỉ, ẩm thực nghèo nàn đến hướng dẫn viên đều rất hạn chế và không hề có sản phẩm du lịch đặc trưng hỗ trợ hoạt động du lịch tại đây… Nhưng có lẽ như nhiều người cho rằng, từ khi có nhà máy thủy điện mọc lên tại khu vực thác đã làm giảm vẻ đẹp của thác, dòng thác không còn hùng vĩ, nguyên sơ như trước... Vì thế, hầu như khách đi theo đoàn, nhất là khách quốc tế đến với khu du lịch này lại càng hiếm hoi.

Một trong những rào cản nữa khiến du lịch ở đây èo uột, theo ông Khảng thì Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông được giao quyền quản lý, đầu tư, khai thác khu du lịch tại đây chỉ trong vòng 10 năm, khoảng thời gian này là quá ngắn khiến doanh nghiệp không dám mạnh dạn đầu tư, xây dựng vì còn phải tính đến khả năng thu hồi vốn.

Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc