Multimedia Đọc Báo in

Biến Tây Nguyên thành thủ phủ mắc ca - liệu có khả thi? - Kỳ cuối: Cần có định hướng đúng

13:46, 20/05/2015

Theo các chuyên gia thì điều kiện cần và đủ (thị trường và tiền vốn) của đề án đầu tư phát triển mắc ca tại Tây Nguyên đã được tính đến, nhưng muốn biến Tây Nguyên thành thủ phủ mắc ca sẽ không khả thi, vì đây là cây trồng đặc biệt khó tính và nhiều rủi ro. Nếu không có những bước đi thận trọng thì hậu quả sẽ rất khó lường.

Thận trọng không bao giờ thừa

Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, cần phải cân nhắc thận trọng, bởi diện tích cây mắc ca trên thế giới sau mấy chục năm phát triển chỉ mới có khoảng 80.000 ha, trong khi tham vọng của doanh nghiệp Việt Nam phát triển tới 200.000 ha trong vòng 5 năm là không khả thi, vì mắc ca là cây trồng có nhiều rủi ro liên quan tới thị trường và thời tiết. Có nhiều nguyên nhân để lý giải vì sao các nước có tiềm năng không phát triển mạnh cây mắc ca, trong đó có yếu tố thị trường. Mặc dù, hạt mắc ca chỉ mới chiếm 1,2% trong tổng số hạt cứng, hạt khô trên toàn thế giới, so với hạt điều, hạnh nhân thì hạt mắc ca có giá trị dinh dưỡng lớn hơn, nhưng bên cạnh hạt mắc ca vẫn có rất nhiều sản phẩm cùng loại có thể thay thế được, như vậy thị trường tiềm năng chưa hẳn đã tốt. Bày tỏ quan điểm của mình, ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho hay, trái mắc ca về mặt dinh dưỡng thì rất tốt, nhưng đây là cây trồng mới, rất khó tính, không thích ứng với vùng đất xấu. Cây mắc ca sinh trưởng liên quan đến vấn đề thổ nhưỡng, khí hậu rất nhiều. Thời điểm cây ra hoa khoảng từ tháng 12 (năm trước) đến tháng 3 (năm sau), nếu nhiệt độ giữ được khoảng 18-250C thì cây đậu quả rất tốt, nhưng ở Dak Lak điều kiện nhiệt độ này không đáp ứng. Do vậy bà con hết sức cân nhắc, suy nghĩ thận trọng. Nhiều thông tin cho rằng mắc ca trong siêu thị có giá cao đến vài trăm nghìn, tuy nhiên, nhiều loại nông sản của Việt Nam bán trong siêu thị cũng có mức giá cao như: 1 kg hạt điều rang muối loại I có giá từ 250.000-280.000 đồng/kg, cà phê sau khi chế biến có thể đạt mức giá tiền triệu đồng/kg (cà phê chồn, cà phê voi)… Nhưng để đạt mức giá ấy là cả một chặng đường gian nan, từ khi đặt cây xuống cho đến thu hoạch, chế biến đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề tổ chức sản xuất, chứ không đơn giản như nhiều người nghĩ. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị cũng đã có chỉ đạo yêu cầu các sở, ngành liên quan cần đánh giá lại hiệu quả kinh tế của loại cây này, phải có định hướng, chỉ đạo cụ thể, tránh điệp khúc chặt, trồng khiến nông dân gánh hậu quả.

Một vườn cây giống mắc ca ở xã Dliê Ya, huyện Krông Năng.
Một vườn cây giống mắc ca ở xã Dliê Ya, huyện Krông Năng.

Cần siết chặt quản lý cây giống

Cơn sốt mắc ca đã khiến thị trường cung ứng giống cũng sôi sục theo, không chỉ riêng TP. Buôn Ma Thuột mà hầu hết các điểm bán giống trên địa bàn tỉnh đều có treo bảng bán cây giống mắc ca. Theo khảo sát của chúng tôi, tại nhiều điểm bán giống mắc ca trên địa bàn xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột), nơi nào cũng khẳng định nhu cầu mua mắc ca của người dân năm nay rất lớn, nhưng lượng cung thì bảo đảm không thiếu và nguồn giống được lấy từ Viện KHKTNLN Tây Nguyên. TS. Lê Ngọc Báu cho biết, vì mắc ca đang “nóng” trên thị trường nên các các cơ sở kinh doanh cây giống đã tận dụng thời cơ để buôn bán, trong đó có không ít đơn vị thu lợi bằng việc bán cây giống chất lượng chưa tốt hoặc dùng mác của Viện để lừa người mua. Hiện giống cây mắc ca đang được bán tràn lan, giá cỡ nào cũng có, từ 40-100 nghìn đồng/cây. Nếu người dân không biết, mua trúng cây ghép giả hoặc cây thực sinh thì rất nguy hiểm, bởi cây cho năng suất, chất lượng rất kém, đơn cử tại Viện đã có những cây thực sinh trồng đến 6-7 năm vẫn chưa có trái. Đây cũng là điều đáng lo ngại cho việc phát triển mắc ca bền vững vì khâu chọn giống rất quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng cây trồng.

Tuy chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng theo số liệu khảo sát của các chuyên gia nông nghiệp thì có khoảng 50% trong tổng số cây mắc ca được trồng ở Việt Nam là cây thực sinh. Rõ ràng, phát triển cây mắc ca đang có nhiều vấn đề cần xem xét, trong đó có khâu quản lý chất lượng cây giống đang rất kém. Nếu các bộ, ngành, địa phương không siết chặt công tác quản lý sẽ dẫn tới việc không kiểm soát được chất lượng và ảnh hưởng lớn tới người nông dân. Ông Huỳnh Quốc Thích cũng đưa ra khuyến cáo, nếu bà con muốn trồng thử thì nên chọn nơi cung ứng giống có uy tín và chỉ nên trồng xen vào vườn cà phê như một loại cây che bóng để chúng ta thực hiện sản xuất cà phê bền vững theo các chứng nhận như Rainforest, UTZ, 4C để tăng thêm thu nhập.

Trước tình hình trên, Bộ NN-PTNT đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, theo đó, mắc ca là cây mới, trong quá trình khảo nghiệm cho các kết quả khác nhau, mặt khác về chế biến và thị trường còn nhiều vấn đề cần xem xét kỹ. Vì vậy, Bộ chưa đủ căn cứ để phê duyệt quy hoạch cây mắc ca, đến năm 2020 chỉ định hướng trồng 10.000 ha (bao gồm cả trồng thuần và xen) tại những vùng đã khảo nghiệm thành công. Bộ đề nghị các địa phương hướng dẫn nông dân trồng mắc ca ở những nơi đã khảo nghiệm thành công hoặc có điều kiện tương tự; ở những nơi chưa trồng khảo nghiệm hiệu quả thì không phát triển cây mắc ca trên quy mô lớn.

 Thuận Nguyễn-Giang Nam

[links()]


Ý kiến bạn đọc